Cam kết nào về cải cách giao thông đô thị?

826

Mười năm trước, các chuyên gia về giao thông đô thị đã lên tiếng cảnh báo: coi chừng Sài Gòn sẽ trở thành một “Bangkok kẹt xe”. Thời ấy, đến Bangkok, du khách thật mệt mỏi vì nạn kẹt xe hàng giờ trên khắp các đường phố.

Nhưng vài năm gần đây, trở lại Bangkok ta thấy Thái Lan đã giải được bài toán giao thông đô thị của họ, với hệ thống đường sắt trên cao, đường cao tốc hai tầng từ thủ đô đi các tỉnh, xe buýt, cầu vượt và một trật tự giao thông nghiêm khắc như các nước phát triển châu Âu.

Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) chỉ có xe đạp và hệ thống xe công cộng; còn đến tỉnh Quảng Châu (rộng bằng cả nước ta) vào năm ngoái, tôi thấy chính quyền đã báo trước cho dân là đến năm 2010 sẽ chấm dứt việc sử dụng xe gắn máy hai bánh và trong khoảng thời gian chuyển tiếp đó, nhà nước có trách nhiệm xây dựng đường sá, phát triển phương tiện giao thông công cộng để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Mười năm – kể từ thời điểm lời cảnh báo “coi chừng Sài Gòn sẽ giống như Bangkok” – là quĩ thời gian vừa đủ cho lộ trình thực hiện một chiến lược cải cách giao thông đô thị. Thế nhưng, đến nay nạn kẹt xe và tai nạn giao thông vẫn là một vấn nạn quốc gia, vẫn là một tác nhân xâm phạm và cản trở quyền tự do đi lại của người dân, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước.

Đồng ý với quan điểm của các nhà chức trách đã nêu ở hội nghị Ủy ban An toàn giao thông quốc gia ngày 21-12, để vượt qua thực trạng phải tăng cường luật lệ và xử phạt nghiêm khắc người vi phạm trật tự giao thông, nhằm kéo giảm tai nạn giao thông. Nhưng thiết nghĩ giải pháp đó, cộng cả với các biện pháp hạn chế xe gắn máy, chỉ là những giải pháp ngọn cho vấn nạn giao thông.

Bởi vì vật chất quyết định ý thức: một hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống phương tiện giao thông hợp lý cùng với luật lệ nghiêm khắc mới tạo ra được ý thức và hành vi tôn trọng Luật giao thông của người dân.

Song song với đòi hỏi người dân chấp hành Luật giao thông, các nhà chức trách, từ ông bộ trưởng Bộ GTVT đến ông chủ tịch UBND thành phố, nên công bố cho người dân biết chiến lược và lộ trình cải cách giao thông đô thị, như một cam kết đầy trách nhiệm về chăm lo quyền tự do đi lại và bảo vệ sinh mạng của nhân dân.

(Theo_TuoiTre)