Cần sớm xây dựng “văn hóa giao thông xe máy”

1013
Nếu không thể loại bỏ xe máy thì phải tạm chấp nhận bằng cách biến xe máy thành một yếu tố của hệ thống giao thông đô thị hiện đại.

TP.HCM là một trong những đô thị có nhiều xe máy nhất thế giới (8 triệu dân/hơn 4 triệu xe máy). Có lẽ chính vì thế mà thời gian qua có khá nhiều ý kiến cho rằng xe máy là “tội đồ” gây nên vấn nạn kẹt xe ở TP (và nhiều đô thị khác). Theo lập luận này, để giảm kẹt xe cần phải tìm cách hạn chế và dần loại bỏ xe máy, thay vào đó là ôtô cá nhân và hệ thống giao thông công cộng như xe buýt, metro, monorail…

Giao thông cá nhân: Thói quen hay lợi ích?

Cách nghĩ trên không sai logic nhưng lại chưa quan tâm đến một khía cạnh quan trọng hơn, đó là nhu cầu đi lại luôn gắn liền với lợi ích vật chất và kế sinh nhai của những người có thu nhập trung bình trở xuống (đang chiếm đa số ở TP).

Có thể khẳng định chúng ta chưa thể loại bỏ xe máy khỏi hệ thống giao thông hiện nay bởi lẽ chưa có phương tiện nào đáp ứng tốt hơn lợi ích đi lại của người dân. Thực tế cho thấy chương trình xe buýt dù được TP đầu tư rất nhiều nhưng mới chỉ đáp ứng 5%-6% nhu cầu đi lại của người dân, phần còn lại hầu hết vẫn do xe máy đảm nhiệm. Trong khi đó, hệ thống metro và monorail vẫn còn là “tương lai xa”.

Ngoài ra, còn rất nhiều nguyên nhân khiến xe máy trở thành lựa chọn hàng đầu của người dân. Đó là hiện có rất nhiều khu phố, hẻm nhỏ chỉ có xe máy lưu thông được; TP.HCM là đô thị của “kinh tế vỉa hè” và “kinh tế mặt tiền” nên xe máy đáp ứng tốt nhất nhu cầu kinh doanh và mua sắm của người dân; lối sống phóng khoáng, linh hoạt của người dân Sài Gòn rất thích hợp với giao thông cá nhân; giá phương tiện và chi phí nhiên liệu phù hợp với người thu nhập trung bình trở xuống (khoảng 20 triệu đồng/xe và hơn 500 đồng/km)… Như vậy, loại bỏ xe máy không đơn giản chỉ là thay đổi “thói quen” đi lại của người dân mà đã tác động trực tiếp đến “lợi ích” của họ.

Chạy xe máy trên vỉa hè và “ăn gian” đèn đỏ – những hành vi cần sớm loại bỏ. (Ảnh chụp trên đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình). Ảnh: HTD

Chấp nhận tích cực, đừng đổ lỗi

Về mặt lý luận, việc gia tăng phương tiện giao thông cá nhân không mâu thuẫn với tính hiện đại của đô thị. Thực tế, nếu được vận hành một cách khoa học hơn, văn minh hơn, xe máy vẫn có thể trở thành một bộ phận của hệ thống giao thông đô thị hiện đại.

Ý tưởng về xây dựng văn hóa giao thông xe máy được hình thành từ cách suy nghĩ: Nếu không thể loại bỏ xe máy được thì phải chấp nhận tích cực bằng cách làm cho nó tốt hơn, thay vì cứ đổ lỗi cho nó. Xây dựng văn hóa giao thông xe máy là một đề xuất cần được nghiên cứu nghiêm túc với hai câu hỏi xuyên suốt: Có làm được không? Làm như thế nào?

Khi bàn về xây dựng văn hóa giao thông, chúng ta thường nghĩ ngay đến các biện pháp xây dựng ý thức chấp hành luật giao thông của người dân mà ít chú ý đến văn hóa vật chất và văn hóa thực thi pháp luật. Riêng lĩnh vực ý thức lại hình thành từ hai hướng tác động là nhận thức và sự bắt buộc của luật pháp. Do đó, các biện pháp xây dựng văn hóa giao thông xe máy phải bao gồm cả ba lĩnh vực nêu trên, đồng thời chú trọng hơn các biện pháp có tính vật chất và tính bắt buộc. Trên cơ sở đó xin nêu một số ý tưởng gợi mở (xem thông tin kèm theo).

Nếu xây dựng tốt văn hóa giao thông xe máy cho người dân, TP sẽ cải thiện đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông. Ngoài ý nghĩa về kinh tế và xã hội, điều này còn giúp hình thành một nét văn hóa đô thị độc đáo và có thể sẽ là yếu tố thu hút du khách đến với TP.

Một số ý tưởng để xây dựng văn hóa giao thông xe máy

– Tạo dải phân cách làn đường ôtô và xe máy bằng những gờ thấp thay vì vẽ bằng sơn để hạn chế việc các phương tiện lấn chiếm phần đường của nhau (là nguyên nhân gây kẹt xe và tai nạn giao thông nhiều nhất).

– Xây thêm cầu vượt và hầm chui dành cho xe máy có thể giảm được mật độ ùn tắc các phương tiện ở các giao lộ.

– Lắp thêm nhiều camera theo dõi giao thông nhằm xử phạt thật nghiêm minh đối với những phương tiện phạm luật. Biện pháp này sẽ làm thay đổi thói quen vượt đèn đỏ và lấn đường khi không có công an.

– Xây dựng thêm nhiều địa điểm giữ xe máy nhằm giảm số xe gửi trên vỉa hè và giảm được tình trạng phải dẫn xe máy vào những nơi quá chật hẹp.

– Nghiên cứu chương trình “xây dựng văn hóa thực thi luật pháp” cho lực lượng cảnh sát giao thông nhằm nâng cao tính nghiêm minh của luật pháp; nâng cao tính giáo dục và hiệu quả vận động chấp hành pháp luật đối với người đi đường.

– Đưa chương trình giáo dục văn hóa giao thông xe máy vào nhà trường từ bậc mẫu giáo đến phổ thông.

– Xây dựng thí điểm một số tuyến đường có đủ các yếu tố tạo thành văn hóa giao thông xe máy…

TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam

(sưu tầm)