Cấp bách xây dựng chiến lược ATGT đường bộ quốc gia

943

Hệ thống hạ tầng giao thông của nước ta hiện không đáp ứng được sự bùng nổ của các phương tiện vận tải; sự phát triển kinh tế xã hội và đặc biệt là mỗi năm, Việt Nam có hàng chục ngàn người chết và bị thương do tai nạn giao thông, để lại những tổn thất nghiêm trọng về người và của. Việt Nam cần xây dựng chiến lược đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) đường bộ quốc gia.

Nằm trong nỗ lực trên, ngày 15/4, tại Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Qũy Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef) đã tổ chức Hội thảo quốc tế về An toàn giao thông đường bộ quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của Việt Nam.

Nhu cầu cấp bách

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có 1,2 triệu người tử vong vì tai nạn giao thông. Theo báo cáo của Hiệp hội An toàn Đường bộ toàn cầu, số người chết, bị thương và tai nạn giao thông sẽ tăng 65% trong vòng 20 năm tới và chủ yếu là ở các quốc gia đang phát triển. Tai nạn giao thông sẽ là nguyên nhân thứ 3 dẫn đến gánh nặng bệnh tật và thương tích toàn cầu vào năm 2020 nếu không có cam kết mới để phòng tránh tai nạn.

Tại Việt Nam, tình trạng tai nạn giao thông cũng tương tự như các nước đang phát triển. Cùng với sự bùng nổ của các phương tiện cơ giới đường bộ, tốc độ đô thị hóa và kết cấu hạ tầng giao thông bất cập, tai nạn giao thông ở Việt Nam liên tục gia tăng trong nhiều năm, chỉ bắt đầu từ năm 2003, số vụ tai nạn giao thông mới có xu hướng giảm, tuy nhiên tính bền vững chưa cao. Trong năm 2010, số người tử vong do tai nạn giao thông là 11.499 người, giảm 47 người so với năm 2009. Để đối phó với tình trạng này, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện xong dự thảo Chiến lược ATGT đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 để trình Chính phủ.

Theo đó, tại Hội thảo, Bộ Giao thông Vận tải đã thuyết trình dự thảo Báo cáo cuối kỳ về Chiến lược ATGT đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của Việt Nam. JICA giới thiệu kế hoạch tổng thể về ATGT đường bộ được thực thi trong những năm qua với những tiến triển hiện tại. Ngoài ra, WHO và UNICEF giới thiệu chương trình thập kỷ hành động vì ATGT đường bộ 2011-2020 và triển khai chương trình thập kỷ hành động vì ATGT đường bộ toàn cầu bắt đầu từ Newzeland và kết thúc tại Mexico vào ngày 11/5/2011.


Phải có nhiều giải pháp

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ và triển khai thực hiện kế hoạch “Thập kỷ hành động vì ATGT đường bộ” gắn với việc thực hiện “Chiến lược an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó cần nêu rõ công việc cụ thể và mục tiêu cần đạt được trong từng năm; phấn đấu giảm tai nạn giao thông, để đến năm 2020 giảm số người chết do tai nạn giao thông đường bộ xuống còn 8 người trên 100.000 dân.

Để đạt được mục tiêu trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất việc cần xây dựng và tuyên truyền, phổ biến giao dục hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATGT; tăng dần các chế tài và mức phạt để cưỡng chế thi hành pháp luật về ATGT làm chuyển biến ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông; xây dựng các thiết chế về văn hóa giao thông để mọi người biết và tự giác thực hiện.

Bên cạnh đó, vấn đề mấu chốt là phải phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Mạng lưới đường bộ nước ta hiện có tổng chiều dài trên 279.927 km. Do hệ thống đường bộ được xây dựng qua nhiều thời kỳ lịch sử  nên có tiêu chuẩn và quy mô khác nhau, đặc biệt các đường miền núi có quy mô thấp, số lượng cầu yếu, tải trọng thấp, chưa đồng bộ với cấp đường còn nhiều; nhiều tuyến đường giao thông miền núi chưa đi lại được quanh năm. Để phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, cùng với sự phát triển của kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ ngày càng gia tăng cả về số lượng và chủng loại, nhất là các xe tải trọng lớn. Trong năm 2010, toàn quốc đăng ký mới 183.648 ô tô, 2.959.300 môtô, nâng tổng số phương tiện đã đăng ký lên 1.694.575 ô tô, 31.155.154 môtô… Do đó, để thực hiện chiến lược đảm bảo trật tự ATGT đường bộ, cần phải ưu tiên xây dựng được một hệ thống giao thông đường bộ hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tại và phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mặt khác, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đề xuất Bộ Giao thông Vận tải, khi duyệt các dự án đầu tư mới hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cần đồng bộ với hệ thống kiểm soát ATGT và tăng cường áp dụng hệ thống giao thông thông minh (ITS) trên các hệ thống đường cao tốc. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đồng bộ theo hướng tiến tới xóa dần tình trạng giao thông hỗn hợp. Đề nghị Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải sớm ban hành quy định hướng dẫn đối với các công trình đường bộ xây dựng mới hoặc nanag cấp, cải tạo, tổ chức giao thông theo hướng bố trí làn dành riêng cho phương tiện xe gắn máy, xe thô sơ và người đi bộ, tránh xung đột trong tổ chức giao thông.

Mặt khác là tăng cường vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt là khu vực các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Hiện nay, tại Hà Nội mới đáp ứng được 8%, TP. Hồ Chí Minh là 7% nhu cầu… Về vấn đề này, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết đã chủ trì nghiên cứu, xây dựng đề án phát triển Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở thành phố đến năm 2015, tầm nhìn 2020; Tiếp tục quy hoạch mạng lưới hoạt động xe buýt cho phù hợp; Hoàn thành trạm trung chuyển xe buýt Long Biên; Củng cố làn đường dành riêng cho xe buýt trên tuyến Nguyễn Trãi (từ Ngã Tư Sở đến Hà Đông); Triển khai xây dựng đúng kế hoạch tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn – Ga Hà Nội.

Hơn nữa, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đề xuất, Bộ Giao thông Vận tải sớm quy hoạch trung tâm tìm kiếm cứu hộ trên hệ thống quốc lộ và thực hiện đầu tư thiết bị, cơ sở vật chất cho các trung tâm đó; Xây dựng cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông đường bộ và kết nối mạng cho phép các đơn vị có liên quan khai thác dữ liệu để cung cấp số liệu phân tích các nguyên nhân gây tai nạn giao thông, để từ đó có biện pháp phù hợp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ.

Có thể thấy, những đề xuất kiến nghị, từ các cấp các ngành sẽ là cơ sở quan trọng để Bộ Giao thông Vận tải, Chính phủ xem xét, hoàn thiện để ban hành Chiến lược ATGT đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; đưa hệ thống quản lý, hạ tầng, đảm bảo trật tự ATGT nước ta phát triển lên một tầm cao mới; hạn chế thấp nhất những tai nạn rủi ro trong giao thông có thể xảy ra.

(Sưu tầm)