Chính phủ chưa có chủ trương triển khai dự án Đường sắt cao tốc Bắc – Nam

956

Trả lời câu hỏi của các nhà báo về Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết: Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII vừa qua, Quốc hội chưa thông qua chủ trương đầu tư Dự án ĐSCT vì nhiều lý do, trong đó có quy mô, tính hiệu quả, sức chịu đựng của nền kinh tế…

Những vấn đề này không thể làm rõ, đầy đủ trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Hiện nay Chính phủ cũng chưa có chủ trương triển khai dự án ĐSCT cũng như thời gian nào có thể trình Quốc hội.

Tuy nhiên, để tiếp tục nghiên cứu sâu sắc toàn diện hơn về Dự án ĐSCT, tại Văn bản số 5143/ VPCP-KTN ngày 23-7-2010 Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc và giao cho Bộ GTVT, Tổng công ty ĐSVN tiếp nhận vốn ODA hỗ trợ kỹ thuật (không hoàn lại, cũng như không ràng buộc bất cứ điều kiện nào về việc lựa chọn nhà thầu hay công nghệ của nước nào – Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nhấn mạnh).

Theo Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, việc tiếp nhận nguồn vốn ODA hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản để lập báo cáo nghiên cứu khả thi đoạn Hà Nội – Vinh và TP Hồ Chí Minh – Nha Trang cũng như Hà Nội – Nội Bài là cần thiết phải làm. Trong đó sẽ ưu tiên đoạn Hà Nội – Nội Bài nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển giao thông Hà Nội cũng như nâng công suất của sân bay quốc tế Nội Bài.

Đây là dịp để nghiên cứu kỹ hơn, đầy đủ hơn, có thêm nhiều thông tin trả lời những vấn đề đã được các đại biểu Quốc hội cũng như nhân dân quan tâm đặt ra. Chính vì vậy, mới đây, Bộ GTVT đã có buổi làm việc với JICA để thống nhất về đề cương, nội dung chủ yếu, cách tổ chức thực hiện. Chính phủ đã giao cho Bộ GTVT tổ chức quản lý, Tổng công ty ĐSVN tổ chức thực hiện phối hợp với các bộ, ngành liên quan thông qua một Ban chỉ đạo.

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng trả lời về vấn đề đường sắt cao tốc trong cuộc họp báo chiều 31/8

Công việc nghiên cứu, lập báo cáo khả thi có thể kéo dài 5-10 năm, thậm chí lâu hơn, khi thời cơ và điều kiện kinh tế của đất nước cho phép sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Chính vì vậy, hiện chưa thể nói khi nào dự án mới được trình Quốc hội.

Bộ trưởng khẳng định, việc nghiên cứu sâu trong báo cáo khả thi của Dự án ĐSCT là để trả lời những vấn đề Quốc hội nêu ra, còn quyết định có đầu tư hay không, khi nào đầu tư là quyền của Quốc hội. Trả lời câu hỏi của một phóng viên trước thông tin cho rằng việc làm báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án ĐSCT vừa rồi đã tiêu hết 70 tỷ đồng, Bộ trưởng khẳng định đó là thông tin sai, không đúng sự thật.

Quy hoạch, giữ quỹ đất cho trục Hồ Tây – Ba Vì là cần thiết

Trả lời câu hỏi của các nhà báo về việc xây dựng trục Hồ Tây- Ba Vì, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết: Theo tôi được biết, trong quy hoạch gốc chưa có việc xây dựng trục này.

Sau khi sáp nhập, mở rộng Thủ đô, vấn đề này mới được đặt ra. Tuy nhiên, theo quan điểm riêng của Bộ trưởng, việc này thực ra là có ý để dành một quỹ đất để sau này các cơ quan hành chính có thể về đó xây dựng, hoàn toàn không có ý “dời đô” như một số quan điểm nêu ra. Trục Hồ Tây – Ba Vì không đơn thuần về giao thông, mà kết nối giao thông đô thị, sinh thái, văn hóa…

Quy hoạch là cần thiết, hãy nhìn về 50 năm nữa khi đó đường Láng- Hòa Lạc hay Đường 32 sẽ không đủ đáp ứng yêu cầu và khi đó không chỉ trục Hồ Tây – Ba Vì mà nhiều trục nữa sẽ được xây dựng. Vì vậy việc quy hoạch, giữ quỹ đất là cần thiết.

Theo giaothongvantai.com.vn