Công nghệ an toàn trên ô tô

715

Đó là lần đầu tiên Mạnh Tuấn (40 tuổi, Hà Nội) có cảm giác rùng mình khi ngồi sau vô-lăng. “Tôi quá bất ngờ dù đã tìm hiểu sơ qua công nghệ an toàn trên chiếc xe. Giống như hồi mới tập lái, thầy giáo ngồi ghế phụ hay kéo nhẹ vô-lăng để căn đường giúp mình vậy”, Tuấn kể.

Tính năng mà Tuấn nhắc đến là công nghệ Hỗ trợ giữ làn đường trên chiếc Honda CR-V bản L, được anh mua hồi tháng 11/2020. Tính năng thông minh này nằm trong gói Honda Sensing được hãng xe Nhật trang bị cho CR-V, bao gồm những công nghệ khác như: phanh giảm thiểu va chạm, đèn chiếu sáng thích ứng tự động chuyển giữa chiếu gần và xa, hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng, cảnh báo lệch làn, hỗ trợ giữ làn. Ngoài ra, xe còn có công nghệ cảnh báo buồn ngủ và camera quan sát làn đường LaneWatch, giúp tài xế cải thiện tầm nhìn phía ghế phụ, tránh rơi vào vùng điểm mù.

Những công nghệ an toàn mà anh Tuấn trải nghiệm ngày nay là những thứ khó hình dung cách đây khoảng một thập kỷ hoặc xa hơn. Bắt đầu từ phát minh dây đai an toàn ba điểm của kỹ sư người Thụy Điển Nils Bohlin từ hơn 60 năm trước, ôtô ngày nay đang tiến đến khả năng vận hành thông minh, nhờ công nghệ an toàn chủ động.

Anh Thành Hưng (Phú Yên) về hưu đã gần 10 năm. Từng 40 năm trong nghề lái xe tải đường dài, anh nói ôtô xưa kia ít công nghệ, tài xế chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, kỹ năng xoay trở có thể tốt hơn lớp trẻ, nhưng cũng gặp nhiều rủi ro không thể xử lý được. “Xe bây giờ hiện đại, nhiều công nghệ, tài xế nhàn hơn, kỹ năng có thể không bằng nhưng lái xe an toàn hơn”, anh nói.

Tài xế nhiều kinh nghiệm này tỏ ra ngạc nhiên, khi được nghe công nghệ giúp giữ xe đi trong một làn đường, vô-lăng tự rung, tự điều chỉnh để đưa xe trở lại làn, bám theo xe phía trước dù không nhấn ga (Kiểm soát hành trình thích ứng) có trên CR-V. Với Mạnh Tuấn, anh đánh giá cao kỹ năng của các tài già, nhưng không hạ thấp tầm quan trọng của công nghệ hỗ trợ an toàn ngày nay.

Suy cho cùng, ôtô là phương tiện phục vụ di chuyển của con người và an toàn là yếu tố rất quan trọng. “Công nghệ sinh ra giúp lái xe an toàn hơn. Nhiều người sợ bị lệ thuộc vào công nghệ hoặc kỹ năng lái xe kém đi, nhưng theo tôi điều đó phụ thuộc hoàn toàn vào cách sử dụng của mỗi người”, anh Tuấn nói.

Giao thông ở Việt Nam đang phát triển, tốt lên nhiều so với những năm trước, đường cao tốc xuất hiện ở nhiều nơi. Tài xế giờ đây có thể cầm lái cả trăm km trên những làn đường tối đa 120 km/h. Sự thoải mái là điều thấy rõ, nhưng đi cùng là những rủi ro tiềm ẩn vì tài xế có thể lơ là bất cứ lúc nào. Với lượng xe đông và tạo áp lực lên giao thông đô thị như hiện nay, nếu thiếu vắng những công nghệ cảnh báo nguy hiểm và tránh va chạm, những va quệt có thể xảy thường xuyên.

Sử dụng chiếc CR-V gần một năm, anh Tuấn đã quen với với những tiếng bíp cảnh báo bằng âm thanh, hình ảnh hiện trên màn hình trung tâm. Anh cho rằng những cảnh báo này không khiến bản thân cảm thấy phiền phức trong phố đông như nhiều người đánh giá, ngược lại giúp bản thân tập trung hơn.

Việc giữ khoảng cách với xe phía trước được hỗ trợ, báo cho tài xế đạp phanh đảm bảo an toàn. Giữa đường đông đúc, camera quan sát làn đường LaneWatch hiển thị hình ảnh bên hông ghế phụ, trên màn hình giải trí.

Công nghệ nào cũng có những nấc thang phát triển và tiến hóa từ cấp độ thấp đến cao. Ví như cảnh báo lệch làn, hỗ trợ giữ làn, hay kiểm soát hành trình thông thường đến loại thích ứng… là những tính năng thông minh, có thể mang lại sự nhàn nhã cho tài xế.

Với những mẫu xe cỡ A, B trên thị trường hiện nay, tính năng kiểm soát hành trình (ga tự động) ngày càng phổ cập hóa. Ở những phân khúc cao hơn, tính năng này được phát triển lên mức thích ứng, tự động điều chỉnh tốc độ, khoảng cách với xe phía trước. Đoạn đường từ nhà đến cơ quan hơn 30 km, anh Tuấn thường cài đặt tính năng này để rảnh chân ga nếu gặp phải những đoạn tắc đường. Khi trên cao tốc về quê vợ ở Hải Phòng, chiếc CR-V có thể mang đến cảm giác thoải mái hơn cho anh.

Gói an toàn Honda Sensing trên CR-V vận hành nhờ những cảm biến và camera thu thập dữ liệu về khoảng cách, vận tốc di chuyển của xe với những vật thể xung quanh. Cùng với những thuật toán được thiết lập ở những trường hợp, dải tốc độ cụ thể, xe tự động tính toán và kích hoạt tính năng an toàn như cảnh báo hiển thị, âm thanh, phanh, rung và điều chỉnh vô lăng. Với những tài xế chưa được trải nghiệm công nghệ này, bất ngờ là điều khó tránh khỏi.

Câu chuyện của Mạnh Tuấn kể về lần đầu tiên thấy vô-lăng chiếc Honda CR-V tự động điều chỉnh khi anh mất tập trung trên cao tốc là trường hợp như vậy. Khi xe nhận thấy tài xế không bật xi-nhan để chuyển làn, vô-lăng rung nhẹ để cảnh báo và sau đó xoay nhẹ để đưa xe về làn cũ.

Công nghệ trên ôtô thông minh đến đâu thì con người vẫn là trung tâm điều khiển. Thực tế, các nhà sản xuất dù cạnh tranh quyết liệt, áp dụng nhiều công nghệ an toàn mới nhưng không bao giờ bỏ qua sự chủ động của tài xế. Xe tự hành hoàn toàn là đích đến của tương lai, nhưng các hãng cần thêm thời gian để khiến ôtô thông minh hơn, hạ tầng giao thông hoàn thiện và đồng bộ hơn.

Đích đến ấy hẵng còn xa nhưng sẽ là mục tiêu hướng đến của ngành công nghiệp ôtô toàn cầu. “Hiện tại, bên cạnh giá bán, xe càng thông minh càng thu hút người dùng”, anh Tuấn chia sẻ.

Nội dung: Tuấn Vũ – Thiết kế: Hằng Trịnh – Ảnh: HVN