Công ty Luật Dragon: Có thể truy cứu hình sự taxi “dù”

927
Tình trạng taxi “dù” chạy đầy đường, hoạt động công khai khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi: có thật các cơ quan chức năng xử phạt không xuể hay là làm chưa đến nơi đến chốn?

Đánh trống bỏ dùi

Trên thực tế, kế hoạch chống taxi “dù” tại TP.HCM đã được khởi động từ năm 1999. Thế nhưng sau hơn chục năm, taxi “dù” vẫn chưa có dấu hiệu giảm nếu không nói là hoạt động ngày càng ngang nhiên, gây bức xúc cho hành khách lẫn doanh nghiệp (DN) taxi.


Taxi nhái trà trộn với các taxi chính hãng để qua mặt hành khách – Ảnh: D.Đ.M

Lý giải tình trạng này, ông Lê Hồng Việt – Phó chánh thanh tra Sở GTVT TP – cho rằng, thời gian qua, thanh tra giao thông phối hợp các lực lượng CSGT, Chi cục Tiêu chuẩn – đo lường chất lượng, Cục Thuế… mở nhiều đợt ra quân chấn chỉnh taxi “dù” trên toàn TP. Trong đó, chủ yếu xử phạt các xe chở khách theo hình thức taxi nhưng không đăng ký kinh doanh, người điều khiển không có chứng chỉ tập huấn về lái taxi, xe quá niên hạn sử dụng, kiểm tra tem kiểm định và niêm chì đồng hồ tính cước. Cơ quan chức năng cũng phát hiện và xử phạt nhiều trường hợp taxi sử dụng logo, hộp đèn để nhái các hãng thương hiệu. Tuy vậy, ông Việt thừa nhận các đợt ra quân chỉ có thể giúp hạn chế đến mức thấp nhất sự lộng hành của taxi “dù”, còn để chấm dứt hoàn toàn tình trạng này “e rằng rất khó”. Bởi, với trình độ nhái taxi chính hãng tinh vi như hiện nay, lực lượng thanh tra cũng khó lòng nhận biết taxi nhái, taxi “dù” để xử phạt.

Một số thay đổi trong quy định quản lý hành chính cũng gây khó khăn cho lực lượng kiểm tra. Chẳng hạn, trước đây, biển số taxi được quy định bắt đầu bằng đầu số 56 (56K, 56M) nên thanh tra giao thông xác định được ngay xe thật hay nhái. Nhưng gần đây, biển số taxi được cấp nhiều đầu số khác nhau, phải kiểm tra giấy tờ mới biết được…

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hiệp hội Ô tô VN – công tác chấn chỉnh taxi “dù” của cơ quan chức năng khiến dư luận không khỏi liên tưởng tới kiểu làm “đánh trống bỏ dùi”. Bởi, thay vì làm quyết liệt và liên tục, thì lâu lâu lực lượng chức năng mới mở đợt kiểm tra. Chưa kể, mỗi lần ra quân đều “kèn trống rộn ràng”, các taxi “dù” lặn mất tăm, hết đợt kiểm tra mới ngang nhiên hoạt động trở lại.

Đi sâu vào bản chất, ông Hùng cho rằng, mô hình HTX taxi hiện nay còn nhiều bất cập. Cụ thể, các cá nhân có xe chỉ cần đóng cho HTX vài chục ngàn đồng mỗi tháng là có thể được cấp phù hiệu taxi, sau đó bỏ ra ngoài chạy “dù”, chạy nhái, bắt chẹt hành khách… mà không chịu bất kỳ ràng buộc nào về điều kiện kinh doanh. Các HTX không quản lý được xã viên, thậm chí khi phát hiện tài xế vi phạm thì chủ nhiệm HTX cũng phủi trách nhiệm. “Để ngăn chặn taxi “dù” từ gốc, cần ban hành quy định quản lý chặt chẽ hơn đối với loại hình kinh doanh này, nhất là phải ràng buộc trách nhiệm của chủ DN taxi đối với vi phạm của tài xế” – ông Hùng góp ý.

Hành vi lừa đảo khách hàng

Theo Hiệp hội Taxi TP.HCM, số lượng taxi “dù”, taxi nhái hiện nay có thể lên đến hàng ngàn chiếc, gồm nhiều loại: Thứ nhất là xe của các DN, HTX có đăng ký kinh doanh, nhưng nhái hộp đèn và số điện thoại của các thương hiệu taxi lớn. Thứ hai là xe của các cá nhân không đăng ký kinh doanh, không có đơn vị quản lý. Ngoài ra, còn có trường hợp tài xế từng làm việc trong các hãng taxi lớn, sau khi nghỉ việc vẫn hành nghề “chui”, do nắm được đặc điểm của xe chính hãng nên nhái rất giống (một số xe còn bắt được tần số bộ đàm của hãng).

Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng này phổ biến là do hình phạt chưa đủ sức răn đe. Theo Nghị định 34/2010 (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ), mức phạt cho hành vi nhái nhãn hiệu, sử dụng không đúng biểu trưng đăng ký đã tăng lên mức 2,5 – 3 triệu đồng (so với trước đây từ 1 – 2 triệu đồng). Song trên thực tế, với kiểu làm ăn chụp giật, lừa đảo, trốn thuế, các taxi “dù” chỉ cần vài cuốc chở khách là đã dư tiền nộp phạt.

LS Trương Xuân Tám – Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc – cho rằng nên nhìn nhận lại hành vi vi phạm của các tài xế taxi “dù” để có hình thức xử lý phù hợp hơn. Cụ thể, taxi “dù” được hiểu là xe không đăng ký kinh doanh, trốn thuế; taxi nhái tự ý gắn logo, hộp đèn giống các hãng có uy tín, để cố tình gây ngộ nhận cho hành khách. Như vậy, về mặt dân sự, các taxi này đã vi phạm điều kiện kinh doanh, vi phạm quy định về đăng ký độc quyền nhãn hiệu hàng hóa, sản phẩm, xâm phạm lợi ích chính đáng của các hãng taxi uy tín bị nhái theo, nên các hãng này có thể khởi kiện ra tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Về hình sự, nếu taxi “dù”, taxi nhái gian dối, chỉnh sửa đồng hồ tính cước nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng, thì có thể bị khởi tố hình sự về tội “lừa dối khách hàng” (theo điều 162 Bộ luật Hình sự), phạm tội nhiều lần có thể bị phạt từ 2 – 7 năm tù.

Đủ căn cứ pháp luật để xử lý taxi nhái

Luật Cạnh tranh đã quy định rõ và nghiêm cấm DN sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý và các yếu tố khác để làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh. Ngoài ra, taxi là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong đó quy định xe của mỗi DN phải có đăng ký màu sơn, biểu trưng thống nhất. Đặc biệt, đồng hồ tính cước phải được cơ quan chức năng kiểm định và gắn niêm chì để đảm bảo đo lường chính xác…

(Ông Hồ HuyChủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Mai Linh)