Điều 265 Bộ luật Hình sự quy định về tội tổ chức đua xe trái phép 

2366

Chi tiết Điều 265 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017

Điều 265. Tội tổ chức đua xe trái phép
1. Người nào tổ chức trái phép việc đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 04 năm đến 10 năm:
a) Tổ chức cho 10 xe tham gia trở lên trong cùng một lúc hoặc tổ chức 02 cuộc đua xe trở lên trong cùng một lúc;
b) Tổ chức cá cược;
c) Chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép;
d) Tại nơi tập trung đông dân cư;
đ) Tháo dỡ thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua;
e) Làm chết người;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
i) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
k) Tái phạm về tội này hoặc tội đua xe trái phép.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm.

  1. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
  2. a) Làm chết 03 người trở lên;
    b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

    c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
    Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Phân tích 4 yếu tố cấu thành tội phạm:

–           Chủ thể của tội phạm:

Người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự. Người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 của điều luật; người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này không phân biệt thuộc trường hợp nào quy định tại điều luật.

–           Mặt chủ quan của tội phạm:

Lỗi của người phạm tội phải là lỗi cố ý. Bởi lẽ, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi tổ chức đua xe trái phép, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

–           Khách thể của tội phạm: là an toàn, trật tự công cộng

+ Xâm phạm an toàn công cộng là gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng, sức khoẻ của con người ở nơi công cộng, làm cho mọi người hoang mang lo sợ. Điều này thì ai cũng thấy, bất kể ở đâu khi đoàn xe đua đi qua ai cũng sợ hãi và không ít trường hợp do đua xe trái phép đã gây ra hậu quả chết người hoặc gây tổn hại đến sức khoẻ của con người.

Cùng với việc gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng, sức khoẻ của con người thì hành vi tổ chức đua xe trái phép còn gây mất trật tự nơi công cộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động bình thường của cộng đồng, gây náo động nơi công cộng, nhiều trường hợp làm tắc nghẽn giao thông nhiều giờ.

+ Đối tượng tác động của tội phạm này chính là người đua xe, người cổ vũ đua xe chứ không phải phương tiện dùng để đua là ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ. Đây là vấn đề về lý luận cũng còn ý kiến khác nhau, có ý kiến cho rằng con người không thể là đối tượng tác động của bất cứ tội phạm nào, nhưng cũng có ý kiến cho rằng con người cũng là một vật thể, đều có thể trở thành đối tượng tác động của tội phạm mà người phạm tội thông qua đó xâm phạm đến khách thể mà luật hình bảo vệ.

Đối với tội tổ chức đua xe trái phép nếu người phạm tội không tác động đến những người đua xe, người cổ vũ đua xe thì cũng không xảy ra cuộc đua xe; không thể tổ chức đua xe mà lại không tổ những người đua xe để đua xe trái phép.

–           Mặt khách quan của tội phạm:

+ Hành vi khách quan:

Hành vi cầm đầu, chỉ huy, đe dọa, rủ rê, lôi kéo người khác hoặc tạo điều kiện vật chất hoặc tinh thần cho người khác để họ tham gia vào việc đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ trái phép. Hành vi tổ chức đua xe trái phép này vừa xâm phạm đến an toàn công cộng vừa xâm phạm đến trật tự công cộng.

Tội phạm được xem là hoàn thành khi người phạm tội đã thực hiện hành vi tổ chức đua xe trái phép, việc đua xe có xảy ra hay không không phải là dấu hiệu bắt buộc.

+ Hậu quả:

Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản gây mất trật tự công cộng và những thiệt hại khác cho xã hội. Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Những thiệt hại này phải có mối quan hệ nhân quả với hành vi phạm tội tổ chức đua xe trái phép.

Văn bản hướng dẫn:

  • Hướng dẫn khoản 1:

Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/3/2013 của Bộ công an, Bộ quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIX  của Bộ Luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông

Điều 6. Về tội tổ chức đua xe trái phép (Điều 206 Bộ luật hình sự)

  1. Người tổ chức trái phép việc đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ quy định tại khoản 1 Điều 206 Bộ luật hình sựlà người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy cuộc đua xe trái phép. Người tổ chức có thể tham gia hoặc không tham gia cuộc đua xe trái phép.

  1. Tổ chức cá cượcquy định tại điểm b khoản 2 Điều 206 Bộ luật hình sự là tổ chức cho người khác đánh cuộc thắng thua bằng tiền, hiện vật hoặc các lợi ích khác dựa vào kết quả của cuộc đua xe trái phép.
  2. Tổ chức việc chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phépquy định tại điểm c khoản 2 Điều 206 Bộ luật hình sự là hành vi của người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, vạch kế hoạch, kêu gọi, rủ rê, lôi kéo người khác tham gia vào việc chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép.
  3. Tổ chức đua xe nơi tập trung đông dân cưquy định tại điểm d khoản 2 Điều 206 Bộ luật hình sự là tổ chức đua xe trái phép ở những đường có mật độ đông người tham gia giao thông, ở khu vực có nhiều người sinh sống, ở trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn, ở nơi đang diễn ra các sự kiện (như lễ hội, mít tinh, hội nghị, thi đấu thể thao…).
  4. Tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện đuaquy định tại điểm đ khoản 2 Điều 206 Bộ luật hình sự là tháo dỡ phanh hãm xe, đèn chiếu sáng hoặc các thiết bị an toàn khác của xe dùng để đua trái phép.
  5. Khi áp dụng điều luật này cần chú ý: Thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác được hiểu là cuộc đua xe trái phép do người phạm tội tổ chức đã dẫn đến hậu quả thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản cho bất kỳ người nào, kể cả người đua xe trái phép.