Giao thông Việt Nam vẫn là trách nhiệm người đứng đầu

916

Tại các cuộc họp quan trọng bàn về chất lượng công trình và tai nạn giao thông đường sắt vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã làm rõ và chỉ đạo về trách nhiệm của các cá nhân, tập thể.

Theo đó, các vụ, cục, Tổng Công ty Đường sắt trực thuộc Bộ GTVT trong thời gian tới phải tập trung các giải pháp trước mắt và lâu dài để giải quyết những yếu kém hiện nay. Đánh giá về chất lượng công trình giao thông, Bộ trưởng thẳng thắn: Chất lượng và tiến độ công trình giao thông đã nói rất nhiều, nhưng chưa chuyển biến được bao nhiêu; năm ngoái kiểm tra 9 dự án, thì cả 9 đều có vấn đề. Các thứ trưởng Bộ GTVT đã được giao chịu trách nhiệm về các lĩnh vực cụ thể. Để bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng công trình giao thông trong thời gian tới, ông yêu cầu phải có quy chế quy định trách nhiệm người đứng đầu, người đứng đầu phải có trách nhiệm với dân, vì đường được làm từ thuế của dân, vốn ODA thì sau này người dân cũng phải nộp thuế để trả nợ, không thể để người dân bức xúc như hiện nay. Bên cạnh đó, Bộ trưởng đã trực tiếp nhắc nhở trách nhiệm của Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình (thuộc Bộ GTVT). Nếu không có chuyển biến về chất lượng công trình thì cũng cần xem xét công việc quản lý của đơn vị này, của người đứng đầu lĩnh vực, cũng như trách nhiệm của chính người đứng đầu ngành GTVT…

Những vấn đề Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị thực hiện cũng như việc phân công rõ trách nhiệm các cán bộ dưới quyền chính là nhấn mạnh việc thực hiện trách nhiệm trong quản lý, điều hành của người đứng đầu, mà chúng ta quen gọi là “Tư lệnh” lĩnh vực. Vấn đề này không mới, song tại sao dư luận xã hội lại đặc biệt quan tâm tới những động thái này?

Trên thực tế, không như thành tích, công trạng mà đơn vị, cá nhân nào cũng thích… nhận về mình; có rất nhiều lĩnh vực, vấn đề khi bộc lộ những bất cập, yếu kém… rất khó quy kết trách nhiệm cá nhân, tập thể. Thậm chí có những lĩnh vực mà nhiều bộ, ngành cùng được phân công trách nhiệm quản lý, nhưng khi… có việc thì người dân chẳng biết kêu ai. Có cảm tưởng, trách nhiệm trước từng vấn đề, sự việc cụ thể nhiều khi là… của chung, trở thành “quả bóng” được chuyền qua lại giữa các cá nhân, các tập thể. Khi không quy kết được trách nhiệm cá nhân, tập thể, dẫn đến không thể xử lý được dứt điểm những tồn tại, bất cập trong từng việc. Điều đó vừa làm thiệt hại cho nền kinh tế và tác động tiêu cực đến quá trình phát triển, vừa tạo ra những “lỗ hổng” trong bộ máy, đồng thời làm xói mòn niềm tin của người dân vào năng lực quản lý, điều hành của các cơ quan, đơn vị được giao trách nhiệm quản lý nhà nước.

Có thể thấy, cách làm của Bộ trưởng GTVT là đúng với trách nhiệm được giao, nhưng nét mới ở đây là sự vào cuộc quyết liệt, xác định rõ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân đối với từng phần việc cụ thể.

Phải chăng từ trước tới nay “chiếc gậy pháp lý” đã có, nhưng những người đứng đầu ở từng cấp, từng ngành ít sử dụng hoặc sử dụng thiếu quyết liệt vì ngại… đụng chạm? Có rất nhiều lĩnh vực, vấn đề, cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước đã đề xuất để “xin” thêm quyền hạn, nhưng thật lạ khi có “chiếc gậy” trong tay họ lại không thực hiện hết trách nhiệm của mình và cũng không dám chịu trách nhiệm về những quyết định đưa ra, nên những “quả bóng” từ cơ sở cứ được chuyền lên… vượt cấp, xin ý kiến. Và chính vì vậy nhiều bức xúc của xã hội đã không được giải quyết kịp thời.

Nếu như ở các ngành, các cơ quan đều nâng cao việc chịu trách nhiệm của cá nhân đứng đầu lĩnh vực một cách rõ ràng, cụ thể thì chắc chắn sẽ không còn tình trạng “quả bóng” trách nhiệm được “đá” qua lại như hiện nay.

Theo báo Hà nội mới
Thái Sơn
==================
Luật sư Nguyễn Minh Long