Hà Nội cần 13 tỷ USD để giải quyết ùn tắc

954

5 năm tới, Hà Nội cần gần 260.000 tỷ đồng, tương đương 12,9 tỷ USD để phát triển giao thông, giải quyết ùn tắc. Thành phố dự kiến xây hàng chục bãi đỗ xe cao tầng, lắp ghép và ngầm trong nội đô.

Chiều 19/4, Sở Giao thông Vận tải đã trình UBND thành phố kế hoạch phát triển hạ tầng đô thị đến năm 2015. Theo đó, mạng lưới đường bộ sẽ ưu tiên hoàn chỉnh tuyến vành đai 2, 3 theo hướng một phần đi trên cao. Đặc biệt là đoạn vành đai 2 từ cầu Vĩnh Tuy đến Nhật Tân phải hoàn thành trong 5 năm tới để tạo tuyến vành đai hoàn chỉnh.

Ngoài ra, vành đai 1 sẽ được xây dựng hoàn chỉnh các đoạn còn dang dở; triển khai vành đai 4 đoạn quốc lộ 32 – quốc lộ 6 và quốc lộ 6 – quốc lộ 1; cải tạo các trục hướng tâm như các quốc lộ 1A, 6, 32 và trục Tây Thăng Long…

Hệ thống giao thông tĩnh cũng được đề cập trong đề án. Một số dự án bãi đỗ xe sẽ được triển khai, ưu tiên xây dựng các bãi đỗ cao tầng, bãi đỗ ngầm có áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm giải quyết tình trạng thiếu bãi đỗ hiện nay. Sở Giao thông Vận tải dự kiến xây dựng khoảng 40 bãi đỗ xe cao tầng, bãi đỗ lắp ghép và ngầm trong nội đô.

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tăng diện tích các bến, bãi đỗ xe khoảng 300-426 ha, cải tạo nâng cấp một số bến hiện có, xóa bỏ các bến có vị trí không phù hợp, chuyển đổi công năng một số bến xe tải trong nội thành thành điểm đỗ công cộng.

tắc đường
Tắc đường thường xuyên tại nội thành Hà Nội vào giờ cao điểm. Ảnh: Hoàng Hà.

Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải cho rằng, hiện quỹ đất dành cho giao thông quá thiếu, mới chiếm 7-8% đất đô thị, trong khi nhu cầu phải đạt 20-26%. Do vậy, thành phố cần tập trung mọi nguồn lực để phát triển đột phá về hạ tầng giao thông, giải quyết ùn tắc phương tiện tại nội đô.

Theo đề án của Sở, Hà Nội cần 259.888 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng, trong đó vốn tập trung xây dựng các tuyến vành đai là khoảng 102.000 tỷ đồng, các trục chính đô thị hơn 50.000 tỷ đồng, quốc lộ hướng tâm 15.800 tỷ đồng…

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, nguồn vốn sẽ được huy động từ nhiều kênh khác nhau, như ngân sách trung ương, thành phố và xã hội hóa. Ngoài ra, cần khai thác và sử dụng lợi thế của quỹ đất đô thị để đấu giá quyền sử dụng đất, tạo vốn cho mạng lưới giao thông, hoặc thu phí trên một số tuyến đường huyết mạch.

Tại cuộc họp với lãnh đạo các sở ngành của Hà Nội, nhiều ý kiến băn khoăn trước lượng vốn đầu tư lớn, các hạng mục đầu tư còn dàn trải. Ông Trần Đức Vũ, Phó giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư nhận định, số vốn 259.888 tỷ đồng tương đương nguồn chi ngân sách của cả thành phố, cố gắng lắm mới có thể huy động được một nửa. Ông Vũ cho rằng, thành phố nên tạo quỹ đất để phát triển hạ tầng, huy động vốn từ nguồn lực đất đai.

Ông Nguyễn Văn Dục, Phó giám đốc Sở Xây dựng nhận xét, ngành giao thông cần lường trước mức độ gia tăng dân số, gia tăng phương tiện cá nhân trong những năm tới để đưa ra chi tiêu phù hợp, nếu không sẽ lạc hậu với tốc độ phát triển. Ngoài ra, để hạn chế ùn tắc giao thông, thành phố cần hạn chế xây dựng nhà cao tầng trong thành phố, giãn dân nội thành.

Theo đại diện Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, đề án của Sở có nhiều dự án dàn trải rất khó thực hiện, như thành phố sẽ hoàn thiện 4 vành đai trong 5 năm là khó khả thi. Đặc biệt, các bãi đỗ xe không thể xây dựng nhiều vì thiếu diện tích đất, do vậy có thể tận dụng các tuyến đường để đỗ xe.

Tại cuộc họp, Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã đồng ý tới những đề xuất của Sở Giao thông Vận tải. Ông nhấn mạnh cần tăng thêm các bãi đỗ xe ở vành đai 2, 3 để đáp ứng cho phương tiện bên ngoài vào nội thành. Ngoài ra, cần hạn chế tăng dân cư trong trung tâm, yêu cầu các tòa nhà cao tầng phải đáp ứng đủ chỗ đỗ xe không chỉ cho cư dân trong tòa nhà mà cả lượng khách đến.

(Sưu tầm)