Lỗi xử phạt xe máy không bật đèn chiếu sáng

2697

Hành vi không sử dụng đèn chiếu sáng vào thời gian được quy định có thể bị phạt tiền đến 200.000 đồng đối với xe máy.

Tôi có nghe quy định người điều khiển xe máy bắt buộc phải bật đèn khi di chuyển vào buổi tối. Tuy nhiên tôi thắc mắc rằng luật giao thông có quy định rõ ràng phải bật đèn lúc mấy giờ hay không, nếu bật đèn trễ hơn thì sẽ bị xử phạt như thế nào?

Thủy Tiên, 33 tuổi, Nam Định.

Chuyên viên tư vấn pháp luật về lĩnh vực giao thông

Chào bạn, luật giao thông đường bộ Việt Nam có ghi rõ thời gian cụ thể bắt buộc người điều khiển xe phải bật đèn chiếu sáng khi tham gia lưu thông. Thời gian được quy định rõ là từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau.

Nếu không bật đèn chiếu sáng trong thời gian này, bạn sẽ bị xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Mức phạt cụ thể được quy định như sau:

– Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển môtô không sử dụng đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau hoặc khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn (điểm l, khoản 1, điều 6).

– Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển ôtô không sử dụng đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau hoặc khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn (điểm g, khoản 3, điều 5).

Ngoài ra, bạn còn bị CSGT tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng.

Tuy nhiên cần lưu ý, đèn chiếu sáng bắt buộc phải bật khi tham gia giao thông trong khoảng thời gian này là đèn chiếu gần.

Nếu sử dụng đèn chiếu xa khi lưu thông trong đô thị, khu đông dân cư, bạn sẽ bị phạt tiền 100.000 đồng đến 200.000 đồng (đối với môtô) hoặc từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng (đối với ôtô).