Nghị định số 77/1998/NĐ-CP quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa

1219

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
********

Số: 77/1998/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 26 tháng 9 năm 1998

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 77/1998/NĐ-CP NGÀY 26 THÁNG 9 NĂM 1998 VỀ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 40/CP NGÀY 05 THÁNG 7 NĂM 1996 CỦA CHÍNH PHỦ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam ngày 28 tháng 01 năm 1989 và Pháp lệnh sửa đổi Điều 6 Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát nhân dân ngày 6 tháng 7 năm 1995;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, ngày 6 tháng 7 năm 1995;
Căn cứ Nghị định số 80/CP ngày 05 tháng 12 năm 1996 của Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của Thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1.- Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/CP ngày 05 tháng 7 năm 1996 của Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa như sau:

1. Bổ sung khoản 5 vào Điều 1 như sau:

“5. Các hoạt động đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa quy định tại Nghị định này ở các vùng nước thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng phải có ý kiến của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng”.

2. Khoản 10 Điều 5 được sửa đổi như sau:

“10. Phương tiện chuyên chở ngang sông là phương tiện thuỷ nội địa chở người, hàng hoá từ bờ bên này sang bờ bên kia hoặc từ bờ ra phương tiện, công trình nổi và ngược lại.”

3. Khoản 1 Điều 7 được sửa đổi như sau:

“1. Lực lượng cảnh sát giao thông đường thuỷ chỉ được lập trạm kiểm tra ở những nơi Bộ Công an cho phép và chỉ được kiểm tra những phương tiện khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.”

4. Khoản 9 Điều 8 được sửa đổi như sau:

“9. Thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải đường thuỷ nội địa có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.”

5. Bổ sung khoản 11 và 12 vào Điều 8 như sau:

“11. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan soạn thảo tài liệu tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật giao thông vận tải đường thuỷ nội địa cho mọi đối tượng tham gia giao thông.

12. Tổ chức thu các loại phí và lệ phí đường thuỷ nội địa theo quy định của pháp luật.”

6. Bổ sung khoản 7 vào Điều 9 như sau:

“7. Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan soạn thảo tài liệu tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật giao thông vận tải đường thuỷ nội địa cho mọi đối tượng tham gia giao thông.”

7. Các cụm từ “Kiểm tra kỹ thuật” ở khoản 4 Điều 8; khoản 1 Điều 9; khoản 1 Điều 11; Điều 36 sửa đổi thành “Kiểm tra an toàn kỹ thuật”.

8. Khoản 3 Điều 10 được sửa đổi như sau:

“3. Chỉ đạo các đơn vị trong ngành đánh bắt thuỷ sản không gây ảnh hưởng giao thông trên luồng chạy tàu, thuyền; chấp hành pháp luật về giao thông vận tải đường thuỷ nội địa và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng có thẩm quyền bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo quy định của pháp luật.”

9. Bổ sung khoản 3 vào Điều 24 như sau:

“3. Khi phương tiện được mua bán, chuyển nhượng phải sang tên, chuyển quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.”

10. Điều 27 được sửa đổi như sau:

“Hàng hoá phải xếp gọn gàng, không làm mất ổn định phương tiện; không ảnh hưởng đến tầm nhìn của người điều khiển, không gây cản trở đến hoạt động của hệ thống điều khiển và các trang thiết bị an toàn khác, không xếp hàng hoá trên lối đi của hành khách, không xếp hàng vượt quá kích thước quy định của phương tiện.”

11. Điều 28 được sửa đổi như sau:

“Phương tiện chở khách dọc tuyến đường thuỷ nội địa phải đăng ký bến đi, bến đến và phải đón trả khách đúng bến quy định; và phải có danh sách hành khách trước khi khởi hành.”

12. Điều 30 được sửa đổi như sau:

“Phương tiện chở khách dọc tuyến đường thuỷ nội địa phải có nội quy an toàn. Trước khi khởi hành, người điều khiển phương tiện phải phổ biến nội quy và cách sử dụng các trang bị an toàn cho hành khách biết”.

13. Cụm từ “Các bến đò” ở khoản 3 Điều 38 được sửa đổi thành “Các bến khách”.

14. Khoản 1 Điều 42 được sửa đổi như sau:

“1. Khi hành trình phương tiện phải đi về một bên của luồng; trong trường hợp luồng hẹp phương tiện đi sát vào bên luồng phía mạn phải của mình”.

15. Các cụm từ “Các thuyền đò” tại khoản 1 Điều 58 được sửa đổi thành “các phương tiện”.

16. Bỏ khoản 3 Điều 59, điều chỉnh các khoản 4, 5, 6 thành các khoản 3, 4, 5.

17. Cụm từ “Cảnh sát giao thông trật tự” tại Điều 81 được sửa đổi thành “Cảnh sát giao thông đường thuỷ”.

18. Cụm từ “Uỷ ban nhân dân địa phương” tại Điều 83 được sửa đổi thành “Uỷ ban nhân dân địa phương hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền gần nhất”.

19. Điều 90 được sửa đổi như sau:

“Xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về trật tự, an toàn vận tải trên đường thuỷ nội địa:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng đối với hành vi không có nội quy an toàn của phương tiện chở khách dọc tuyến đường thuỷ nội địa có trọng tải dưới 13 khách.

2. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Không có danh sách hành khách đối với phương tiện chở khách dọc tuyến đường thuỷ nội địa có trọng tải dưới 13 khách;

b. Chở động vật nhỏ không đúng quy định.

3. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Bám, buộc vào các phương tiện khác đang hành trình;

b. Cho phương tiện khác bám, buộc vào phương tiện của mình khi đang hành trình;

c. Phương tiện chở khách dọc tuyến đường thuỷ nội địa có trọng tải từ 13 khách trở lên không có nội quy an toàn hoặc để người ngồi trên mui, hai bên mạn tầu;

d. Xếp hàng hoá không đúng quy định;

đ. Đang làm việc trên phương tiện trong tình trạng có nồng độ cồn, rượu, bia hoặc các chất kích thích khác vượt quá quy định;

e, Sử dụng thuyền viên làm việc trong tình trạng sức khoẻ không đảm bảo thực hiện nhiệm vụ theo quy định.

4. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Không có danh sách hành khách đối với phương tiện chở khách dọc tuyến đường thuỷ nội địa có trọng tải từ 13 người trở lên;

b. Đón trả hành khách không đúng bến quy định;

c. Khai thác phương tiện không đúng công dụng hoặc không đúng luồng tuyến, vùng hoạt động ghi trong giấy phép.

5. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.0000 đồng đối với các hành vi chở trâu, bò, ngựa hoặc những động vật lớn khác vùng với hành khách.

6. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi chở hàng hoá độc hại, các chất dễ gây cháy, nổ cùng với hành khách.

7. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Không có giấy phép khi chở hàng độc hại, chất nổ;

b. Không chấp hành đúng quy định về phòng chống cháy, nổ, độc hại;

c. Lắp biển số giả khi lưu hành phương tiện nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

8. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khác

Tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng hoặc chứng chỉ chuyên môn của người điều khiển phương tiện trong thời hạn từ 3 đến 6 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 7, điều này.”

20. Điều 92 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Xử phạt đối với hành vi sử dụng, điều khiển phương tiện thiếu các giấy tờ theo quy định (Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện, Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật phương tiện thuỷ nội địa, Giấy phép vận tải, Danh bạ thuyền viên, Bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn của thuyền trưởng và máy trưởng):

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng đối với hành vi điều khiển phương tiện vận tải ngang sông (trừ phà), phương tiện chở khách dọc tuyến đường thuỷ nội địa có trọng tải dưới 13 khách, phương tiện chở hàng hoá trọng tải dưới 5 tấn không có chứng chỉ chuyên môn hoặc không kẻ số đăng ký phương tiện theo quy định.

2. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không kẻ hoặc kẻ số đăng ký phương tiện, tên phương tiện (nếu có) không đúng quy định.

3. Xử phạt đối với hành vi sử dụng phương tiện không đủ giấy tờ hoặc không sang tên, chuyển quyền sở hữu theo quy định:

a. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đến 200.000 đồng đối với phương tiện có trọng tải từ 5 tấn đến 50 tấn hoặc từ 13 khách đến 20 khách; hoặc phương tiện kéo đẩy có công suất từ 51 CV trở xuống;

b. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng đối với phương tiện có trọng tải từ 51 tấn đến 250 tấn hoặc từ 21 khách đến 50 khách; hoặc phương tiện kéo đẩy có công suất từ 51 CV đến dưới 90 CV;

c. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với phương tiện có trọng tải trên 250 tấn hoặc từ 51 khách trở lên; hoặc phương tiện kéo đẩy có công suất từ 90 CV trở lên;

4. Xử phạt đối với hành vi điều khiển phương tiện mà không có bằng chuyên môn (bằng thuyền trưởng tầu sông, bằng máy trưởng tầu sông) phù hợp:

a. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển phương tiện theo quy định phải có bằng hạng tư trở lên;

b. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người điều khiển phương tiện theo quy định phải có bằng hạng ba trở lên;

c. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển phương tiện theo quy định phải có bằng hạng nhì trở lên;

d. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với người điều khiển phương tiện theo quy định phải có bằng hạng nhất;

21. Điều 93 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Xử phạt đối với hành vi không đảm bảo số lượng, chất lượng của trang thiết bị an toàn quy định cho phương tiện:

1. Đối với phương tiện vận tải hàng hoá.

a. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng đối với phương tiện có trọng tải dưới 5 tấn hoặc phương tiện kéo, đẩy có công suất máy dưới 15 CV;

b. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với phương tiện có trọng tải từ 5 tấn đến 50 tấn hoặc phương tiện kéo, đẩy có công suất máy từ 15CV đến dưới 50 CV;

c. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với phương tiện có trọng tải từ 51 tấn đến 250 tấn hoặc phương tiện kéo, đẩy có công suất máy từ 51 CV đến dưới 90 CV;

d. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với phương tiện có trọng tải từ 251 tấn trở lên hoặc phương tiện kéo, đẩy có công suất máy từ 90 CV trở lên;

2. Đối với phương tiện vận tải hành khách.

a. Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với phương tiện chở khách có trọng tải từ 13 khách đến 20 khách;

b. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với phương tiện chở khách có trọng tải từ 21 khách đến 50 khách;

c. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với phương tiện chở khách có trọng tải từ 51 khách đến 100 khách;

d. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với phương tiện chở khách có trọng tải từ 101 khách trở lên;

22. Tiêu đề khoản 1 Điều 94 được sửa đổi như sau:

“1. Phạt tiền đối với hành vi chở hàng hoá quá trọng tải từ 3% đến dưới 5% trọng tải phương tiện hoặc đoàn phương tiện.”

23. Khoản 2, 3 Điều 94 được sửa đổi như sau:

“2. Cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với hành vi chở hàng hoá quá trọng tải từ 5% đến 10% trọng tải phương tiện hoặc đoàn phương tiện, tương ứng với từng loại phương tiện sau đây:

a. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng đối với phương tiện hoặc đoàn phương tiện trọng tải dưới 50 tấn;

b. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với phương tiện hoặc đoàn phương tiện trọng tải từ 50 tấn đến 250 tấn;

c. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với phương tiện hoặc đoàn phương tiện trọng tải từ 250 tấn đến 800 tấn;

d. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với phương tiện hoặc đoàn phương tiện trọng tải trên 800 tấn;

3. Phạt tiền đối với hành vi chở hàng hoá quá trọng tải trên 10% trọng tải phương tiện hoặc đoàn phương tiện, tương ứng với từng loại phương tiện sau đây:

a. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với phương tiện hoặc đoàn phương tiện trọng tải dưới 50 tấn;

b. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với phương tiện hoặc đoàn phương tiện trọng tải từ 50 tấn đến 250 tấn; c. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với phương tiện hoặc đoàn phương tiện trọng tải từ 250 tấn đến 800 tấn;

d. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với phương tiện hoặc đoàn phương tiện trọng tải trên 800 tấn;

24. Bổ sung khoản 6 vào Điều 94 như sau:

“6. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khác:

Tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng hoặc chứng chỉ chuyên môn của người điều khiển phương tiện trong thời hạn từ 90 (chín mươi) ngày đến 180 (một trăm tám mươi) ngày đối với vi phạm chở quá 20% trọng tải hàng hoá hoặc số hành khách được phép chở”.

25. Điểm a khoản 3 Điều 97 được sửa đổi như sau:

“a. Mở cảng, bến thuỷ nội địa không có giấy phép”.

26. Bổ sung khoản 5 Điều 97 như sau:

“5. Đối với những hành vi vi phạm bị phạt tiền quy định tại các khoản 2, 3, 4 Điều này còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung sau: Đình chỉ vĩnh viễn hoạt động của cảng, bến đối với vi phạm nêu tại khoản 2, điểm a, khoản 3, đình chỉ hoạt động 60 ngày (sáu mươi) đối với các vi phạm nêu ở điểm b, khoản 3 và khoản 4 Điều này.”

27. Điều 98 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Xử phạt hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường thuỷ nội địa:

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người điều khiển phương tiện có một trong các hành vi sau đây:

a. Neo đậu phương tiện không đúng quy định;

b. Không nhường đường cho phương tiện khác khi có đủ điều kiện

nhường đường;

c. Lạm dụng quyền ưu tiên gây trở ngại cho các phương tiện khác;

d. Vô cớ dùng đèn pha chiếu vào phương tiện khác đang hành trình;

đ. Không giảm tốc độ theo quy định;

e. Vi phạm quy định về âm hiệu, dấu hiệu, cờ hiệu;

g. Vi phạm quy định về đi lại ở khu vực điều tiết, khống chế; khi qua âu, cầu, cống;

h. Vi phạm quy tắc về đi, tránh, vượt;

i. Không giữ đúng khoảng cách ngang, khoảng cách dọc đối với

phương tiện khác theo quy định.

2. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển phương tiện có một trong các hành vi sau (trừ phương tiện gia dụng):

a. Phương tiện không thắp đèn tín hiệu khi hành trình, khi neo đậu hoặc thắp đèn hành trình, đèn neo đậu không đúng quy định;

b. Vi phạm quy tắc về đi, tránh, vượt trong luồng hẹp.

3. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khác:

Tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng hoặc chứng chỉ chuyên môn của người điều khiển phương tiện trong thời gian từ 12 đến 24 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 1, 2 của Điều này mà dẫn đến tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.”

28. Cụm từ “Trưởng phòng cảnh sát giao thông trật tự” tại khoản 5 Điều 101 được sửa đổi thành “Trưởng phòng Cảnh sát giao thông”.

29. Cụm từ “Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông trật tự” tại khoản 6 Điều 101 được sửa đổi thành “Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường thuỷ”.

Điều 2.- Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ban hành.

Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 3.- Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thi hành Nghị định này. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào tình hình, đặc điểm của địa phương và thẩm quyền của mình xây dựng các quy định và kế hoạch thực hiện Nghị định.

Điều 4.- Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)