Người tham gia giao thông không theo luật là chưa đủ… tính người?

912

Sau khi PLVN Online liên tiếp phản ảnh về những nhận xét trái chiều từ chương trình “văn hóa giao thông” với các màn hài kịch “thú hóa” người tham gia giao thông thành chó, lợn, gà, thỏ, đặc biệt, việc đạo diễn Lê Hùng nói rằng hài kịch “thú hóa” người tham gia giao thông có ngụ ý rất: nếu tham gia giao thông không theo luật thì chưa đủ… tính người đã gây bức xúc dư luận. Phó chủ tịch Liên đoàn lao động Việt Nam Hoàng Ngọc Thanh- một trong những khách mời ngồi ở hàng ghế VIP buổi biểu diễn “ATGT cho bạn, cho tôi…” hôm 11.3 vừa qua đã trả lời phỏng vấn của PLVN Online xung quanh vấn đề này.

Ông Thanh nói :

Nếu như đặt mình là người dân xem chương trình thì tôi thấy rằng: Nội dung không có gì sai về vấn đề luật ứng xử khi tham gia giao thông. Chương trình rõ ràng muốn áp luật vào để tuyên truyền, đưa những vấn đề đang nóng bỏng lên sân khấu nhưng về cách thể hiện hơi hài. Nếu chương trình này dành để biểu diễn cho các bạn nhỏ tuổi đang tập đi đường sẽ rất phù hợp, bởi các cháu thiếu nhi rất thích các con vật mặt lợn mặt chó, mặt gà. Còn nếu đưa đến cho công chúng lao động thì chưa ổn, không cẩn thận họ sẽ hiểu sai rằng vở kịch đang coi nhân dân như là lợn là chó, không có sự tôn trọng.

Nếu vở kịch này dùng để tuyên truyền cho công nhân lao động ở các khu công nghiệp thì đối với họ vở kịch này chưa đạt tới mực độ hài của cười, còn tính nghiêm túc của luật pháp thì cũng chưa hoàn toàn đầy đủ. Nói tóm lại là rất hoan nghênh việc sáng tác kịch bản của đạo diễn, rất cố gắng thực hiện nội dung tuyên truyền qua vở hài kịch nhưng cái hài, sự hóm hỉnh tươi vui nhẹ nhàng thì chưa hoàn toàn đạt tới yêu cầu đó. Thứ 2 là đối tượng của vở kịch dành cho công chúng lao động thì chưa ổn lắm. Cái này nên áp dụng cho các trẻ mẫu giáo ở các trường mầm non.

Đạo diễn Lê Hùng nói rằng việc “thú hóa” người tham gia giao thông nhằm ngụ ý : những hành vi vi phạm giao thông là chưa đủ tính người?ông có cùng quan điểm với đạo diễn Lê Hùng?

Mất tính người quan trọng nhất ở chỗ nếu người ta vi phạm giao thông mà cố tình đâm chết người mới là sai. Ví dụ như uống rượu thì không được lái xe. Đã cố tình vi phạm uống rượu khi lái xe lại cố tình đâm chết người ta, đấy có thể nói là mất tính người. Còn trong trường hợp có thể người ta ra đường người ta quên đội mũ bảo hiểm.. thì việc vi phạm giao thông đó lỗi một phần do thiếu hiểu biết.

Việc thú hóa người tham gia giao thông vẫn nóng trên các diễn đàn

Hiện nay, cần cảnh tỉnh những trường hợp có hiểu biết nhưng vẫn cố tình vi phạm, ví dụ biết đi đường ngược chiều là vi phạm nhưng vẫn cố tình; biết đèn đỏ nhưng vẫn đi đấy là cố tình vi phạm. Thế nhưng, quan trọng là thái độ ứng xử khi tham gia giao thông. Chẳng hạn khi tai nạn xảy ra thì anh phải có ứng xử như thế nào, phải cấp cứu người bị hại, phải bảo quản tư trang, tài sản của người bị hại, đưa người bị hại đi cấp cứu.  Đó là những ứng xử có văn hóa. Còn khi đã vi phạm mà còn đâm chết người rồi bỏ chạy thì đấy mới gọi là không có tính người.

Ngoài việc “thú hóa” người tham gia giao thông một cách phản cảm, chương trình ca múa nhạc hài kịch được “khoác” lên mình thông điệp: tuyên truyền văn hóa, pháp luật về an toàn giao thông song trên sân khấu có những chi tiết lại “phản pháp luật” như: sắp xếp các cột đèn tín hiệu không đúng, chèn quá nhiều bài hát gây “loãng” chủ đề, ông có cảm nghĩ gì khi biết để dựng được chương trình này nhiều doanh nghiệp đã phải chi tiền tỷ cho ekip sản xuất, đạo diễn chương trình?

Tiểu phẩm chỉ vận dụng có cái đạo cụ là một cái cổng, một cột đèn tín hiệu. Tuy nhiên, tại ngã tư nếu cột đèn bên này mà đỏ thì bên kia phải là xanh, đây lại đỏ thì đỏ hết, xanh thì xanh hết.. Biết rằng trên sân khấu thì có quyền “sân khấu hóa”, kịch bản đưa lên có thể không phản ánh hết, nhưng đã tuyên truyền về luật thì nó phải đồng bộ cả về đạo cụ, trang phục cho đến lời thoại sao cho phù hợp.

Theo tuyên truyền miệng thì tôi được biết chương trình có nội dung rất là tốt nhưng theo dõi vở kịch hôm đó thì kèm theo hơi nhiều bài hát nên nói đây là chương trình tuyên truyền thì không phải. Việc đưa rất nhiều bài hát từ chống Mỹ cho đến tận bây giờ khiến cho tiêu điểm, trọng tâm để đưa ra thông điệp thì không phản ánh được. Chứ chhưa nói đến chuyện mọi người phải chờ rất lâu cho đến 9 rưỡi mới được xem, tới 11h tối mới xong chương trình. Chờ đợi, háo hức mãi cuối cùng tất cả không gian đó đã làm giảm đi sự hào hứng của người xem.

Điều tra riêng của PLVN Online về chương trình nghệ thuật ca múa nhạc hài kịch “An toàn giao thông cho tôi, cho bạn và cho chúng ta” cho thấy chương trình do công ty truyền thông Vision One “cầm trịch”, xin tài trợ của 9 đơn vị doanh nghiệp lớn, trong đó có tới 5 đơn vị thuộc ngành dầu khí- đơn vị vừa cam kết tiết giảm chi phí hàng ngàn tỷ đồng trong năm 2012. Việc các đơn vị “họ” dầu khí “vung tiền” cho một chương trình văn hóa nghệ thuật với nhiều tiết mục bị người xem đánh giá là phản cảm đặt ra nhiều dấu hỏi về cam kết “tiết giảm chi phí” mà lãnh đạo Tập đoàn này hô hào và nói rằng sẽ còn làm được nhiều hơn thế nếu đồng lòng, nhất trí.Trong danh sách các nhà tài trợ cho chương trình còn có các đơn vị thuộc ngành GTVT- một số đơn vị đang còn nợ lương công nhân hoặc để công nhân sống ở mức thấp trong xã hội. Không biết lãnh đạo các đơn vị này nghĩ gì khi “ném tiền qua cửa sổ” cho một chương trình như vậy?

Sân khấu hóa văn hóa giao thông là một cách tiếp cận tốt nhưng mà giữa ý tưởng và mục tiêu đặt ra với cách tổ chức thực hiện và làm thế nào để thể hiện được điều đó lại là vấn đề khác.

Việc sử dụng “sân khấu hóa”, thông qua con vật “lợn, chó” thì đưa vào cách trường mầm non, các khu mẫu giáo sẽ hợp lý hơn. Còn đối với công nhân lao động (CNLĐ) thì chưa đạt yêu cầu.

Lãnh đạo ngành Giao thông vận tải “khen” việc thú hóa người tham gia giao thông là hình thức tuyên truyền sáng tạo, dưới góc độ là đơn vị đại diện cho công nhân viên chức lao động trong cả nước, ông có nghĩ sẽ “phát huy” hay “hưởng ứng” sự sáng tạo này hay không?

Tổng Liên đoàn(TLĐ) chúng tôi cũng đã từng đưa ra rất nhiều tình huống pháp luật, kịch bản truyền thông đưa lên sân khấu hóa, rồi phối hợp VTV2 – Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã, Đài tiếng nói Việt Nam cung cấp các kịch bản truyền thanh liên quan đến tình huống pháp luật để cho CNLĐ biết xử lí như thế nào khi tham gia giao thông, để họ biết vi phạm giao thông sẽ có hậu quả như thế nào.

Năm vừa rồi TLĐ đã phối hợp với Ủy ban an toàn giao thông Quốc Gia  tổ chức thành công hội viên tuyên truyền giỏi về an toàn giao thông trên toàn quốc và được đánh giá rất cao. Chúng tôi đưa ra các tình huống như đôi tình nhân sắp cưới chỉ vì vội vội vàng vàng đi xe máy ra đường mà không đội mũ hay sơ suất không mang theo giấy tờ, nhanh một phút mà chậm cả một đời. Thông qua những tình huống đó, họ mới thấy được hậu quả của việc vi phạm giao thông. Không nhất thiết là phải lấy hình ảnh con vật, đưa hình ảnh khôi hài mới là hiệu quả.

Thực sự cách tuyên truyên về văn hóa giao thông như thế nào đang là vấn đề trăn trở. Do đó, theo tôi cần phải có hình thức tuyên truyền đa dạng, phù hợp với nhận thức của từng đối tượng, hiệu quả, thiết thực nhưng cũng không nên lãng phí hoặc trục lợi từ đó.

Xin cảm ơn ông!