Những lầm tưởng về hệ thống chống bó cứng phanh ABS

577

Phanh ABS giúp giảm quãng đường phanh hay phanh tang trống không thể trang bị hệ thống này là những lầm tưởng phổ biến của nhiều người. Tác dụng của phanh ABS là giúp bánh xe không bị khóa cứng dù đạp/bóp phanh ở mức tối đa. Nếu như trước đây, hệ thống chống bó cứng phanh ABS chỉ có thể được tìm thấy trên ôtô hay môtô phân khối lớn, thì ngày nay trang bị này dần trở nên phổ biến hơn và dễ bắt gặp trên nhiều mẫu xe máy phổ thông có giá bán dưới 50 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn có suy nghĩ lầm tưởng về hệ thống hỗ trợ an toàn này. Phanh ABS không giúp giảm quãng đường phanh mà ngược lại còn tăng thêm quãng đường phanh so với việc sử dụng phanh truyền thống đúng cách. Hệ thống phanh ABS hoạt động bằng cách nhấp nhả liên tục piston để đảm bảo bánh xe không bị khóa cứng, điều này khiến cho quãng đường phanh bị kéo dài thêm. Dù vậy, phanh ABS vẫn là trang bị tiêu chuẩn trên nhiều mẫu xe vì giúp người lái có thể tự tin sử dụng phanh trên bất kỳ điều kiện mặt đường nào. Hệ thống ABS không chỉ được trang bị trên phanh đĩa mà còn có thể lắp trên phanh tang trống. Điều này dễ dàng nhận thấy trên các mẫu xe như Kia Morning hay Honda City có phanh sau là loại tang trống. Khác với phanh tang trống trên xe máy, phanh tang trống của ôtô sử dụng piston để ép má phanh vào guốc phanh. Phanh không thể hoạt động khi hệ thống ABS gặp trục trặc là lầm tưởng của rất nhiều người khi lần đầu sử dụng xe có ABS. Hệ thống ABS chỉ được kích hoạt sau khi xe di chuyển được một vận tốc nhất định, điều này khiến cho nhiều người lo sợ khi đèn báo ABS sáng lúc vừa khởi động xe. Trong trường hợp hệ thống ABS gặp trục trặc, phanh trên xe vẫn có thể dùng bình thường mà không gặp bất kỳ vấn đề gì. Phanh ABS giúp xe vào cua không bị trượt cũng là điều nhiều người ngộ nhận. Khi chạy trong cua, việc bánh xe bị trượt thường do lốp mất độ bám với mặt đường chứ không vì lốp bị khóa chặt. Để giảm thiểu việc trượt bánh trong cua khi bóp phanh, các nhà sản xuất đã giới thiệu hệ thống ABS sử dụng trong cua (ABS Cornering) cho phép lực phanh biến thiên theo độ nghiêng của xe. Giảm lực phanh khi hệ thống ABS kích hoạt là điều nhiều người thường gặp phải. Trong lúc ABS được kích hoạt, người dùng dễ dàng nhận thấy tay phanh có một lực tác dụng ngược lên trở lại, thông thường theo bản năng sẽ tự động thả lỏng tay phanh. Hành động này khiến cho lực phanh bị giảm đi và gây nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện. Khi xe có trang bị hệ thống ABS, cần bóp và giữ nguyên lực phanh kể cả khi hệ thống ABS được kích hoạt.

Hệ thống ABS và TCS giống nhau vì đều giúp xe chống trượt, thực tế 2 hệ thống này hoàn toàn khác nhau. Hệ thống kiểm soát lực kéo (TCS) có tác dụng giúp bánh xe không bị trượt khi đạp ga tăng tốc, trong khi hệ thống chống bó cứng phanh (ABS) lại giúp bánh xe không bị trượt khi phanh. Hiện nay, ABS và TCS đều đã xuất hiện trên các mẫu xe máy phân khối lớn, thậm chí là Honda SH150i. Nhìn chung, hệ thống phanh ABS là trang bị cần thiết và bắt buộc ở một vài quốc gia. Tuy nhiên không nên phụ thuộc quá nhiều vào trang bị này, người điều khiển phương tiện cần tự trang bị cho mình những kỹ năng phanh cũng như xử lý tình huống để lưu thông trên đường an toàn hơn.

Nguồn Zing