Những vấn đề cần lưu ý trong công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

2128

Tóm tắt: Kiểm sát khám nghiệm hiện trường là một trong những chức năng quan trọng của Viện kiểm sát (VKS) trong hoạt động kiểm sát điều tra các vụ án hình sự nhằm đảm bảo hoạt động khám nghiệm hiện trường của Cơ quan điều tra (CQĐT) được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục luật định, thu thập được đầy đủ các thông tin, tài liệu, dấu vết phục vụ quá trình điều tra, khám phá vụ án. Trong những năm qua, VKS các cấp đã có nhiều nổ lực trong hoạt động kiểm sát khám nghiệm hiện trường, góp phần quan trọng trong hoạt động điều tra, giải quyết các vụ án. Tuy nhiên, qua thực tiễn kiểm sát khám nghiệm hiện trường, nhất là hiện trường các vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ hiện nay vẫn còn tồn tại một bất cập, hạn chế. Bài viết sẽ nghiên cứu về những tồn tại, hạn chế qua công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường các vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ; từ đó đề xuất những giải pháp khắc phục.

Từ khóa: Khám nghiệm hiện trường; kiểm sát khám nghiệm hiện trường; hiện trường vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ,…

Phần 1. Những bất cập, hạn chế.

Những tồn tại, hạn chế trong hoạt động kiểm sát khám nghiệm hiện trường vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ phổ biến đó là:

Thứ nhất, công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường trong vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ còn chưa được chú trọng và có phần xem nhẹ hơn so với các hoạt động khác trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án về giao thông; trong khi đó “công tác điều tra án giao thông thì khám nghiệm hiện trường là hoạt động có ý nghĩa quyết định đến việc giải quyết vụ án” [1]Một số KSV khi đến hiện trường vụ tai nạn giao thông hầu như không thực hiện hoạt động tác nghiệp nào tại hiện trường, chỉ thụ động chứng kiến việc khám nghiệm của ĐTV và các thành viên Hội đồng khám nghiệm và ký xác nhận vào biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường. KSV chưa ý thức tốt được vị trí, vai trò của mình trong hoạt động kiểm sát khám nghiệm hiện trường nên còn bị động, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình nên còn có trường hợp KSV tham gia khám nghiệm để cho đủ thành phần theo luật định, không chủ động nắm thông tin ban đầu vụ tai nạn, không ghi chép thông tin ban đầu vụ tai nạn giao thông mà sao chụp lại toàn bộ báo cáo vụ tai nạn giao thông của ĐTV hoặc Cảnh sát giao thông; có trường hợp KSV trực nghiệp vụ đã được CQĐT thông báo trước thời gian, địa điểm xảy ra vụ tai nạn giao thông để chuẩn bị tham gia khám nghiệm hiện trường nhưng do KSV còn chậm trễ nên làm mất thời gian của ĐTV và các thành viên khác của Hội đồng khám nghiệm cũng như lực lượng bảo vệ hiện trường dẫn đến trường hợp hiện trường bị xáo trộn do người và phương tiện lưu thông qua lại; có trường hợp ĐTV và các thành viên Hội đồng khám nghiệm lo sợ dấu vết bị mất, hiện trường có nguy cơ bị xáo trộn do KSV chưa đến hiện trường nên ĐTV và các thành viên Hội đồng khám nghiệm đã tiến hành khám nghiệm hiện trường mà không có mặt KSV, đến khi KSV đến hiện trường thì chỉ ký vào biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường cho đúng thủ tục thành phần dẫn đến việc KSV không thể nắm bắt kịp thời, đầy đủ thông tin vụ tai nạn và không kiểm sát được đầy đủ hoạt động khám nghiệm hiện trường của ĐTV và các thành viên khác của Hội đồng khám nghiệm; điều này là vi phạm khoản 8, Điều 5, Quy chế tạm thời công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi,thực nghiệm điều tra và giám định – Ban hành kèm theo Quyết định số 170/QĐ-VKSTC ngày 02 tháng 5 năm 2018 của Viện trưởng VKS nhân dân tối cao (gọi tắt là Quy chế kiểm sát khám nghiệm hiện trường):Mọi trường hợp KSV không trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra thì không được ký vào các loại biên bản trên”. Mặt khác, trong quá trình kiểm sát khám nghiệm hiện trường, KSV chưa tích cực đề ra yêu cầu khám nghiệm đối với ĐTV, chưa đấu tranh và yêu cầu khắc phục sai phạm của ĐTV, thậm chí đồng tình với sai phạm của ĐTV và các thành viên khác của Hội đồng khám nghiệm dẫn đến sai sót, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án như: vẽ sơ đồ hiện trường không chính xác, bỏ lọt dấu vết tại hiện trường dẫn đến thiếu sót trong việc phát hiện, thu thập đánh giá chứng cứ nên buộc phải thực nghiệm điều tra để khắc phục gây khó khăn và kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Bên cạnh đó, KSV cũng chưa thực hiện tốt chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Hội đồng khám nghiệm như Hội đồng khám nghiệm không có ĐTV chủ trì khám nghiệm hiện trường nhưng KSV không yêu cầu CQĐT cử ĐTV khác đến để chủ trì khám nghiệm hiện trường khi ĐTV được phân công trước đó đã không tham gia khám nghiệm hiện trường; đồng thời, không báo cáo Lãnh đạo VKS để Lãnh đạo VKS kiến nghị và yêu cầu CQĐT xử lý vi phạm của ĐTV được phân công mà KSV vẫn đồng ý tiến hành khám nghiệm hiện trường mà không có ĐTV dẫn đến vi phạm Điều 201 BLTTHS năm 2015.

Thứ hai, do tính chất, đặc điểm hiện trường các vụ tai nạn giao thông đường bộ khi xảy ra thì việc cấp cứu nạn nhân là cấp thiết nên hiện trường dễ bị xáo trộn do hoạt động cấp cứu người, nhiều dấu vết bị thay đổi hoặc bị mất như vết máu, vết cày, vết sơn, vị trí phương tiện ngã, vị trí của nạn nhân; đặc biệt rất khó xác định được vùng va chạm nên gây khó khăn cho việc xác định lỗi của những người tham gia giao thông trong vụ tai nạn. Bên cạnh đó, do tính hiếu kỳ của người dân nên sau vụ tai nạn giao thông xảy ra người dân thường tụ tập đông tại khu vực hiện trường gây khó khăn cho lực lượng bảo vệ hiện trường dẫn đến hiện trường dễ bị thay đổi, xáo trộn. Mặt khác, khi vụ tai nạn giao thông xảy ra thì lực lượng bảo vệ hiện trường (Công an xã, thị trấn, Cảnh sát giao thông,…) thường chậm trễ đến hiện trường, nhất là trong điều kiện thời tiết xấu như mưa, bão… nên các dấu vết tại hiện trường nhanh chóng bị xóa hoặc đến hiện trường nhưng chưa bảo đảm tốt công tác phân luồng giao thông, khoanh vùng hiện trường nên để người và phương tiện qua lại trong khu vực hiện trường làm mất dấu vết, gây khó khăn cho công tác khám nghiệm hiện trường. Có trường hợp lực lượng bảo vệ hiện trường như Công an xã, thị trấn do chưa nhận định đúng phạm vi hiện trường vụ tai nạn nên việc khoanh vùng hiện trường không đúng, bỏ lọt nhiều dấu vết quan trọng; có trường hợp Công an xã, thị trấn không có nhiệm vụ trực tiếp tiến hành khám nghiệm hiện trường nhưng vẫn vào sâu khu vực hiện trường để xem xét hiện trường, quan sát, theo dõi việc khám nghiệm hiện trường cũng dẫn đến việc hiện trường bị xáo trộn.

Thứ ba, trước khi tổ chức khám nghiệm hiện trường, CQĐT phải thành lập Hội đồng khám nghiệm, sau khi kết thúc khám nghiệm có tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm. Tuy nhiên trên thực tế, khi tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông, CQĐT thường không có quyết định thành lập Hội đồng khám nghiệm và sau khi kết thúc khám nghiệm hiện trường, ĐTV cũng ít chú ý đến việc tổ chức họp đánh giá kết quả khám nghiệm hiện trường và rút kinh nghiệm. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Quy chế kiểm sát khám nghiệm hiện trường quy định “biên bản khám nghiệm hiện trường phải được lập, sơ đồ hiện trường phải được vẽ ngay tại nơi khám nghiệm”Tuy nhiên, trong thực tế khám nghiệm hiện trường vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, nhiều trường hợp sau khi kết thúc khám nghiệm hiện trường nhưng ĐTV chỉ cho người chứng kiến ký trước tại hiện trường, trong khi đó các thành viên khác của Hội đồng khám nghiệm như ĐTV, KSV, người có chuyên môn (thường là Cảnh sát giao thông tham gia khám nghiệm hiện trường) chưa ký đầy đủ vào biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường mà thường chỉ ký sau khi hồ sơ khám nghiệm hiện trường được nghiên cứu, chỉnh sửa, hoàn thiện xong biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường mới mang đến trụ sở CQĐT, VKS để ĐTV, KSV ký vào cho đúng thủ tục. Có trường hợp, khi việc khám nghiệm hiện trường chưa kết thúc nhưng KSV đã rời khỏi hiện trường (sau khi KSV thống nhất với ĐTV về việc xác định vùng va chạm thì KSV đã rời khỏi hiện trường dẫn đến việc KSV sẽ không thể kiểm sát được toàn diện vụ khám nghiệm như việc ghi nhận, đo vẽ của ĐTV, người có chuyên môn tại hiện trường có phù hợp với sơ đồ hiện trường không, biên bản có lập tại hiện trường hay không… KSV không kiểm sát được những hoạt động trên nên không thể đánh giá đầy đủ việc ĐTV và các thành viên khác của Hội đồng khám nghiệm có vi phạm pháp luật trong quá trình khám nghiệm hiện trường hay không.

Thứ , một số quy định của Bộ Công an về công tác khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông còn chưa hợp lý. Theo quy định tại Điều 8 quy định về “Khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ” của Thông tư số 77/2012/TT-BCA ngày 28/12/2012 của Bộ Công an quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông đường bộ và khoản 2 Điều 4 Thông tư số 76/2011/TT-BCA ngày 22/11/2011 của Bộ Công an quy định phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của lực lượng Cảnh sát nhân dân quy định:“Lực lượng Cảnh sát điều tra chủ trì, phối hợp với Cảnh sát giao thông có mặt ngay tại hiện trường để tiến hành điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông có người chết tại hiện trường; các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ nghiêm trọng trở lên; thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để kiểm sát việc điều tra theo quy định của pháp luật…”. Theo các quy định trên thì tất cả các vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra không làm chết người hoặc gây hậu quả ít nghiêm trọng thì đều do lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện công tác khám nghiệm hiện trường mà không có sự tham gia của ĐTV, KSV. Thực tế khi đến hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ, Cảnh sát giao thông chưa thể kết luận thương tích, thiệt hại về tài sản hoặc chưa tiến hành giám định tỉ lệ thương tật được vì thế không thể kết luận được tính chất, hậu quả của vụ tai nạn giao thông đó là ít nghiêm trọng hay là nghiêm trọng và cần phải báo cho CQĐT, VKS để tham gia khám nghiệm hiện trường. Có vụ việc nạn nhân ban đầu chỉ bị thương nhẹ nhưng sau khi điều trị thì nạn nhân chết hoặc tỷ lệ thương tật nặng hơn ban đầu; lúc này, Cảnh sát giao thông mới tiến hành chuyển hồ sơ vụ việc cho CQĐT để thụ lý nguồn tin về tội phạm theo thẩm quyền. Sau khi thụ lý nguồn tin về tội phạm, CQĐT tiến hành xác minh, trưng cầu giám định pháp y về tử thi, trưng cầu giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể và kết quả xác định nguyên nhân tử vong (trường hợp nạn nhân chết) hoặc tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân qua giám định xác định đủ định lượng cấu thành tội phạm (trường hợp nạn nhân bị thương) do tai nạn giao thông và có căn cứ khác xác định lỗi thuộc về người gây tai nạn (ví dụ: người gây tai nạn nhận tội phù hợp với lời khai của những người làm chứng và người bị hại) thì CQĐT tiến hành khởi tố vụ án hình sự. Thế nhưng, để giải quyết vụ án một cách đúng đắn, khách quan và đúng theo trình tự thủ tục pháp luật quy định thì CQĐT còn phải căn cứ vào các chứng cứ quan trọng khác, trong đó có kết quả khám nghiệm hiện trường. Do việc khám nghiệm hiện trường ở giai đoạn trước được thực hiện hoàn toàn bởi Cảnh sát giao thông, không có ĐTV, KSV nên vi phạm thủ tục tố tụng. Do đó, để giải quyết được vụ án bắt buộc phải thực nghiệm điều tra dựng lại hiện trường vụ tai nạn giao thông với sự tham gia của ĐTV và KSV. Công tác thực nghiệm điều tra dựng lại hiện trường ở giai đoạn này sẽ gặp rất nhiều khó khăn do các dấu vết, vật chứng tại hiện trường đã không còn hoặc đã bị thay đổi. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 7 Điều 7 quy định về “Những việc làm ngay khi đến hiện trường vụ tai nạn giao thông” của Thông tư số 77/2012/TT-BCA ngày 28/12/2012 của Bộ Công an quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông đường bộ thì “Khi đến hiện trường hoặc trong quá trình giải quyết vụ tai nạn giao thông theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và khoản 6 Điều này[2], nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm phải kịp thời báo cáo lãnh đạo phân công lực lượng Cảnh sát điều tra đến giải quyết theo thẩm quyền”; theo đó, khi lực Cảnh sát giao thông đến hiện trường vụ tai nạn giao thông hoặc trong quá trình giải quyết vụ tai nạn giao thông mà phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì phải kịp thời báo cáo lãnh đạo phân công lực lượng Cảnh sát điều tra đến tổ chức khám nghiệm hiện trường theo quy định. Tuy nhiên, trên thực tế thì Cảnh sát giao thông rất khó để nhận định vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu hay không bởi lẽ Cảnh sát giao thông không được đào tạo chuyên nghiệp về nghiệp vụ điều tra nên đa số các vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra không làm chết người hoặc gây hậu quả ít nghiêm trọng, thậm chí có vụ tai nạn giao thông gây thiệt hại nặng về tài sản, sức khỏe nhưng do Cảnh sát giao thông nhận định chưa đầy đủ về mức độ, hậu quả nên cho rằng không có dấu hiệu tội phạm nên trực tiếp tiến hành khám nghiệm hiện trường mà không thông báo cho CQĐT và VKS tham gia khám nghiệm. Ngoài ra, có nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, thậm chí có người chết nhưng do những người gây tai nạn và nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân tự thỏa thuận bồi thường nên lực lượng Cảnh sát giao thông không tiến hành khám nghiệm hiện trường hoặc trực tiếp tiến hành khám nghiệm hiện trường mà không thông báo cho CQĐT và VKS tham gia khám nghiệm hiện trường. Nhiều trường hợp ban đầu người gây tai nạn và nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân thỏa thuận các khoản tiền bồi thường được nhưng sau đó họ không thống nhất, không thỏa thuận được nên có đơn yêu cầu xử lý hình sự thì lúc đó CQĐT buộc phải dựng lại hiện trường và việc dựng lại hiện trường gặp rất nhiều khó khăn do hệ thống dấu vết đã mất hoàn toàn, việc dựng lại hiện trường trong những trường hợp này chỉ căn cứ vào lời khai của những người tham gia tố tụng nên không đảm bảo tính chính xác và khách quan.

Thứ năm, công tác phối hợp của KSV với ĐTV, người có chuyên môn (Kỹ thuật hình sự, Cảnh sát giao thông) khi thực hiện công tác khám nghiệm hiện trường vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong một chừng mực nhất định còn chưa được thực hiện tốt, một số ĐTV còn xem nhẹ vai trò của KSV. ĐTV còn có tư tưởng xem KSV tham gia kiểm sát cho đủ thành phần theo quy định của pháp luật nên trong quá trình khám nghiệm hiện trường, những yêu cầu của KSV nhiều trường hợp không được ĐTV nghiên cứu thực hiện. Mặt khác, năng lực một số ĐTV được phân công tiến hành cuộc khám nghiệm hiện trường còn hạn chế và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhất là kiến thức về dấu vết còn hạn chế nên việc thu thập, bảo quản dấu vết, vật chứng không đảm bảo yêu cầu nghiệp vụ và quy định của pháp luật làm ảnh hưởng đến chất lượng khám nghiệm hiện trường. Bên cạnh đó, một số ĐTV do mới bổ nhiệm nên còn thiếu kinh nghiệm trong khám nghiệm hiện trường, việc điều động, luân chuyển cán bộ giữa các bộ phận nghiệp vụ trong lực lượng Công an như Cảnh sát giao thông sang làm Cảnh sát điều tra, Cán bộ quản lý giam giữ sang làm Cán bộ kỹ thuật hình sự, ĐTV sang làm Trưởng Công an xã trọng điểm…cũng ảnh hưởng đến công tác khám nghiệm hiện trường do những Cán bộ kỹ thuật hình sự, Cảnh sát giao thông chuyển từ bộ phận nghiệp vụ khác chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ nên không đảm bảo yêu cầu chất lượng trong việc trong công tác khám nghiệm hiện trường.

Thứ sáu, một số KSV do mới bổ nhiệm nên còn thiếu kinh nghiệm thực tế; đồng thời chưa được tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu kiến thức kỹ năng kiểm sát khám nghiệm hiện trường vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, chưa được đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật hình sự, giám định pháp y nên khi kiểm sát khám nghiệm hiện trường vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ thường bị động, lúng túng, không phát hiện được những thiếu sót, vi phạm trong quá trình khám nghiệm hiện trường của ĐTV và Hội đồng khám nghiệm. Một số KSV còn vì nể nang, ngại va chạm, chậm yêu cầu hoặc không yêu cầu ĐTV khắc phục ngay những vi phạm, thiếu sót khi kiểm sát khám nghiệm hiện trường. Ngoài ra, chế độ đãi ngộ đối ngộ đối với KSV còn hạn chế nên chưa tạo được động lực cho KSV nâng cao trách nhiệm trong hoạt động kiểm sát khám nghiệm hiện trường.

* Nguyên nhân của những hạn chế

– Nguyên nhân khách quan

Một số quy định của pháp luật về khám nghiệm hiện trường còn chưa hợp lý: Thông tư số 76/2011/TT-BCA ngày 22/11/2011 và Thông tư số 77/2012/TT-BCA ngày 28/12/2012 của Bộ Công an quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông đường bộ còn chưa phù hợp với quy định của Điều 201 BLTTHS năm 2015. Việc quy định trên dẫn đến trường hợp Cảnh sát giao thông có thể nhận định, đánh giá sai lầm tính chất, mức độ của vụ tai nạn vì cho rằng là những vụ tai nạn giao thông ít nghiêm trọng nên tiến hành khám nghiệm hiện trường ban đầu mà không có sự tham gia của ĐTV, KSV; sau khi phát hiện có dấu hiệu của tội phạm do nạn nhân tử vong, qua giám định thương tích xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc định giá được thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên đủ điều kiện khởi tố vụ án hình sự theo Điều 260 BLHS năm 2015 thì mới tiến hành thực nghiệm điều tra gây khó khăn cho quá trình điều tra giải quyết vụ án. Ngoài ra, tại Điều 201 BLTTHS hiện hành chưa quy định cụ thể quy trình khám nghiệm hiện trường gồm những giai đoạn nào cũng như chưa quy định rõ ràng về tư cách pháp lý, quyền hạn, trách nhiệm của các lực lượng tham gia vào công tác khám nghiệm hiện trường, trong đó có KSV khi tham gia kiểm sát khám nghiệm hiện trường thì những hoạt động cụ thể của KSV tại hiện trường là gì nên khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, ĐTV thường xem vai trò của KSV tại hiện trường là thứ yếu, mang tính thủ tục. Bên cạnh đó, so với Điều 150 BLTTHS năm 2003, thì Điều 201 BLTTHS hiện hành đã quy định rõ hơn vai trò của ĐTV trong khám nghiệm hiện trường, theo đó ĐTV là người chủ trì tiến hành khám nghiệm hiện trường, tuy nhiên, thực tế tiến hành khám nghiệm hiện trường người có chuyên môn mới thực sự là người trực tiếp tiến hành khám nghiệm từ đầu đến khi kết thúc khám nghiệm như ghi nhận, đo vẽ, thu lượm, bảo quản dấu vết, vật chứng, chụp ảnh hiện trường đến hoàn chỉnh hồ sơ khám nghiệm (lập biên bản khám nghiệm hiện trường, vẽ sơ đồ hiện trường). Từ đó làm cho ĐTV thường có thái độ trông chờ, ỷ lại vào lực lượng này dẫn đến thiếu trách nhiệm trong việc hướng dẫn, chủ trì quá trình khám nghiệm hiện trường của ĐTV; trong khi đó, theo Điều 201 BLTTHS thì người có chuyên môn không phải là thành phần bắt buộc phải tham gia khám nghiệm hiện trường.

+ Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường trong ngành kiểm sát, nhất là VKS cấp huyện còn yếu và thiếu: cơ sở vật chất phục vụ cho công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường của VKS còn hạn chế như phương tiện đi lại (xe công vụ) còn thiếu, điều kiện phục vụ cho công tác khám nghiệm còn thiếu như máy ảnh kỹ thuật số, đèn pin khám nghiệm chuyên dụng, chế độ bồi dưỡng cho KSV trực nghiệp vụ còn chưa hợp lý. Việc hướng dẫn nghiệp vụ khám nghiệm hiện trường nói chung, hiện trường vụ tai nạn giao thông nói riêng của VKS cấp trên với cấp dưới còn chưa thường xuyên. Lực lượng KSV trực nghiệp vụ (nhất là ban đêm) còn hạn chế và mất cân đối, chủ yếu là KSV nam. Một số KSV mới bổ nhiệm nên còn thiếu kinh nghiệm trong công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường cũng ảnh hưởng đến chất lượng của hoạt động khám nghiệm hiện trường.

– Nguyên nhân chủ quan

+ Sự phối hợp giữa VKS với CQĐT còn chưa thực hiện tốt: một số VKS và CQĐT cùng cấp còn chưa xây dựng được quy chế phối hợp trong hoạt động khám nghiệm hiện trường trong vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ; chưa có quy chế phối hợp giữa VKS với các lực lượng khác như Kỹ thuật hình sự, Cảnh sát giao thông trong công tác khám nghiệm hiện trường nên việc phối hợp giữa VKS với các lượng này khi tham gia tiến hành khám nghiệm hiện trường còn chưa thật sự hiệu quả. Việc kiến nghị sai phạm của CQĐT trong hoạt động khám nghiệm hiện trường trong vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ của VKS còn ít được thực hiện; bên cạnh đó, các kiến nghị của VKS đối với các sai phạm, thiếu sót của ĐTV, Cảnh sát giao thông trong hoạt động khám nghiệm hiện trường vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ do chưa có cơ chế đảm bảo thi hành các nên còn chưa được CQĐT nghiên cứu thực hiện, rút kinh nghiệm dẫn đến hiệu quả phối hợp giữa CQĐT và VKS trong hoạt động khám nghiệm hiện trường các vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ còn chưa cao.

+ Trình độ, năng lực, kinh nghiệm, nhận thức của KSV: một số KSV chưa được đào tạo chuyên môn sâu, chưa thường xuyên tham gia tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng kiểm sát khám nghiệm hiện trường vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, kiến thức khoa học về kỹ thuật hình sự nên trong quá trình kiểm sát khám nghiệm hiện trường thường bị động, lúng túng, thiếu tự tin, kinh nghiệm nên không phát hiện hết được những thiếu sót, những vi phạm của ĐTV và các thành viên khác của Hội đồng khám nghiệm. Bên cạnh đó, một số VKS cấp huyện, nhất là các huyện miền núi, biên giới, hải đảo có diện tích rộng, địa hình đi lại khó khăn nhưng lực lượng KSV còn thiếu thiếu và không ổn định do thường xuyên luân chuyển, chuyển đổi bộ phận công tác cũng ảnh hưởng đến hiệu quả công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường; mặt khác, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm của các KSV cũng không đồng đều nên cũng ảnh hưởng nhất định đến công tác tham kiểm sát khám nghiệm hiện trường nói chung và kiểm sát khám nghiệm hiện trường các vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ nói riêng. Ngoài ra, nhận thức của các KSV về vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường còn hạn chế, còn tư tưởng xuề xòa, thiếu trách nhiệm, ỷ lại vào ĐTV, chưa kiên quyết đấu tranh với những vi phạm thiếu sót của ĐTV trong hoạt động kiểm sát khám nghiệm hiện trường nên hiệu quả công tác khám nghiệm hiện trường còn chưa cao. Một số KSV khi kiểm sát khám nghiệm hiện trường còn mang nặng tư tưởng truyền thống là chỉ kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Hội đồng khám nghiệm trong quá trình khám nghiệm hiện trường mà không chủ động đề ra yêu cầu khám nghiệm theo Quy chế kiểm sát khám nghiệm hiện trường đã quy định nên KSV chưa thể hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình khi tham gia kiểm sát khám nghiệm hiện trường; làm ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả, chất lượng của hoạt động khám nghiệm.

+ Nguyên nhân khác: việc đánh giá, nhận định ban đầu về vùng va chạm trong vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ của Hội đồng khám nghiệm còn chưa thật sự khoa học, còn mang tính nhận định chủ quan dẫn đến việc xác định lỗi trong vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ chưa chính xác. Nhiều hiện trường vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ không thể xác định được vùng va chạm do hiện trường đã bị xáo trộn hoặc do nhận định sai lầm của Hội đồng khám nghiệm khi xem xét dấu vết hiện trường để xác định vùng va chạm. Những vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ do không xác định được dấu vết va chạm nên buộc phải trưng cầu giám định vùng va chạm. Việc trưng cầu giám định vùng va chạm chủ yếu dựa trên hồ sơ nên Cơ quan tiến hành giám định cũng khó có thể xác định được vùng va chạm nên dẫn đến nhiều vụ án sau khi khởi tố đã không xác định được lỗi của người gây tai nạn do không xác định được vùng va chạm dẫn đến phải tạm đình chỉ điều tra vụ án kéo dài./.

Các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm sát khám nghiệm hiện trường vụ án vi phạm qui định về tham gia giao thông đường bộ

Để nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới thì cần áp dụng đồng bộ hệ thống các giải pháp.

 Giải pháp hoàn thiện pháp luật và hướng dẫn áp dụng pháp luật đối với hoạt động kiểm sát khám nghiệm hiện trường

BLTTHS năm 2015 cần quy định cụ thể, chi tiết hơn về tư cách pháp lý, quyền hạn, trách nhiệm của các lực lượng tham gia vào công tác khám nghiệm hiện trường; trong đó có vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của KSV khi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường để từ đó thúc đẩy công tác này được thực hiện theo một quy trình nhất định, nâng cao trách nhiệm của KSV trong hoạt động kiểm sát khám nghiệm hiện trường. Trước đây, BLTTHS năm 2003 đã quy định sự có mặt bắt buộc của KSV trong quá trình khám nghiệm hiện trường: “Trong mọi trường hợp, trước khi tiến hành khám nghiệm, ĐTV phải thông báo cho VKS cùng cấp biết. KSV phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường”[1] nhưng không quy định cụ thể ĐTV phải thông báo cho VKS biết về vấn đề gì. BLTTHS năm 2015 đã quy định bổ sung cụ thể hơn những vấn đề ĐTV phải thông báo cho VKS biết “thời gian, địa điểm tiến hành khám nghiệm để cử Kiểm sát viên kiểm sát khám nghiệm hiện trường[2]. Tuy nhiên, quy định này còn chưa đầy đủ vì chưa quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của KSV khi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường. Các văn bản hướng dẫn của liên ngành tư pháp trung ương cũng không hướng dẫn cụ thể vấn đề này. Hiện nay, mỗi ngành tư pháp trung ương đều ban hành quy định riêng để áp dụng cho ngành mình (ngành kiểm sát đang áp dụng Quy chế tạm thời số 170/QĐ-VKSTC ngày 02/5/2018 về Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra và giám định của VKS nhân dân tối cao) mà chưa thống nhất ban hành Thông tư liên tịch về hoạt động khám nghiệm hiện trường để áp dụng chung nên dẫn đến việc ngành nào nấy làm, tạo ra sự không thống nhất trong việc thực hiện. Do đó, để nâng cao vai trò, trách nhiệm của KSV trong hoạt động kiểm sát khám nghiệm hiện trường đòi hỏi BLTTHS cần bổ sung thêm quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của KSV khi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường mà trước mắt liên ngành tư pháp trung ương (trong đó có VKS nhân dân tối cao) cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về vị trí, vai trò, trách nhiệm, quyền hạn cụ thể của từng thành viên và mối quan hệ giữa các thành viên khi tham gia vào hoạt động khám nghiệm hiện trường; trong đó có vị trí, vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của KSV khi tham gia kiểm sát khám nghiệm hiện trường.

Công tác điều tra hình sự nói chung và trong lĩnh vực khám nghiệm hiện trường nói riêng, BLTTHS giữ một vai trò rất quan trọng. Việc quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các lực lượng tham gia vào công tác này trong đó có KSV là cần thiết, điều này sẽ thúc đẩy công tác khám nghiệm hiện trường hoạt động theo một quy trình nhất định. Do đó, BLTTHS cần quy định rõ ràng nhiệm vụ, quyền hạn, vai trò cũng như mối quan hệ giữa lực lượng tham gia khám nghiệm hiện trường. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 201 BLTTHS năm 2015 có quy định Khi khám nghiệm hiện trường phải có người chứng kiến; có thể cho bị can, người bào chữa, bị hại, người làm chứng tham gia và mời người có chuyên môn tham dự việc khám nghiệm”. So với quy định tương ứng tại khoản 2 Điều 150 BLTTHS năm 2003 thì cũng không có nhiều khác biệt về sự tham dự của người có chuyên môn. Theo quy định trên thì người có chuyên môn tham dự không mang tính bắt buộc mà tùy vào từng loại hiện trường của từng vụ án mà có thể tham dự hoặc không. Do đặc thù của hiện trường vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ là việc ghi nhận, đo vẽ dấu vết, vật chứng, phương tiện là tương đối phức tạp nên việc tham dự của người có chuyên môn cần được quy định mang tính bắt buộc. Trong thời gian tới, để công tác khám nghiệm hiện trường, kiểm sát khám nghiệm hiện trường đạt hiệu quả, đề nghị VKS nhân dân tối cao cần phối hợp với Bộ Công an thống nhất ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn cụ thể, chi tiết quy trình khám nghiệm hiện trường, trong đó có mục quy định riêng đối với trình tự, thủ tục tiến hành khám nghiệm hiện trường đối với hiện trường vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ; cần có quy định cụ thể trình tự, thủ tục và biểu mẫu về việc thành lập Hội đồng khám nghiệm hiện trường để bảo đảm tính hợp pháp của việc thành lập Hội đồng khám nghiệm.

 Các giải pháp khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả trong công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

+ Nâng cao vai trò, trách nhiệm của KSV trong hoạt động kiểm sát khám nghiệm hiện trường: KSV cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình hơn nữa trong hoạt động kiểm sát khám nghiệm hiện trường. Trong quá trình trực nghiệp vụ, KSV phải kịp thời nắm bắt thông tin và tiếp nhận đầy đủ các nguồn tin về tai nạn giao thông thông qua chế độ trực nghiệp vụ 24/24 giờ trong ngày, kể cả ngày nghỉ, lễ, tết theo quy định của ngành kiểm sát nhân dân. Khi nhận được nguồn tin của người dân đối với vụ tai nạn giao thông thì tiến hành phân loại sơ bộ để xác định mức độ thiệt hại, hậu quả vụ tai nạn. Nếu sau khi phân loại sơ bộ xác định vụ tai nạn có hậu quả nghiêm trọng (có người chết, người bị thương nặng hoặc thiệt hại về tài sản lớn) xảy ra trên địa bàn thuộc thẩm quyền của cấp mình thì KSV cần chủ động thông báo cho CQĐT biết thông tin về vụ tai nạn giao thông để CQĐT phân công ĐTV phối hợp với VKS và các lực lượng khác tiến hành khám nghiệm hiện trường theo Điều 201 BLTTHS năm 2015. Đối với những vụ tai nạn giao thông do CQĐT tiếp nhận thì ngay sau khi nhận được thông báo của CQĐT về chuẩn bị tiến hành khám nghiệm hiện trường, KSV được phân công kiểm sát khám nghiệm hiện trường cần yêu cầu ĐTV cung cấp cụ thể về nội dung, thời gian, địa điểm của vụ tai nạn giao thông và nhanh chóng đến hiện trường để tiến hành nắm thông tin vụ việc, tránh trường hợp trì hoãn, chậm trễ dẫn đến việc ĐTV và các thành viên khác của Hội đồng khám nghiệm đã hoặc đang tiến hành khám nghiệm hiện trường thì KSV mới đến. Khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, KSV cần kiểm sát chặt chẽ thành phần khám nghiệm hiện trường bảo đảm đúng thẩm quyền, thành phần theo quy định của BLTTHS và các văn bản pháp luật khác có liên quan. KSV phải kiểm tra tư pháp pháp lý của các thành viên Hội đồng khám nghiệm trước khi thành lập Hội đồng khám nghiệm; việc thành lập Hội đồng khám nghiệm phải có quyết định thành lập để ràng buộc trách nhiệm pháp lý của từng thành viên Hội đồng khám nghiệm, nhất là đối với ĐTV – người chủ trì khám nghiệm hiện trường, tránh trường hợp ĐTV không có tham gia khám nghiệm hiện trường nhưng lại có ký vào các biên bản khám nghiệm hiện trường hoặc ĐTV này chủ trì khám nghiệm nhưng ĐTV khác lại ký vào biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường. Trong trường hợp thành phần không đầy đủ thì KSV phải lập tức yêu cầu CQĐT triệu tập đầy đủ và đúng thành phần mới được tiến hành khám nghiệm. Kiểm sát chặt chẽ hoạt động khám nghiệm hiện trường của ĐTV và các thành viên khác của Hội đồng khám nghiệm khi tiến hành hoạt động khám nghiệm hiện trường. Yêu cầu ĐTV hoặc những người biết về vụ việc cung cấp các thông tin liên quan đến vụ việc khám nghiệm hiện trường. Yêu cầu ĐTV, lực lượng bảo vệ hiện trường, người biết việc,… xác định chính xác phạm vi hiện trường, tình trạng hiện trường. KSV phải thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động khám nghiệm hiện trường mà Quy chế kiểm sát khám nghiệm hiện trường đã quy định; chú trọng kịp thời đề ra yêu cầu khám nghiệm đối với ĐTV và các thành viên của Hội đồng khám nghiệm trong quá trình kiểm sát khám nghiệm hiện trường. KSV được phân công kiểm sát khám nghiệm hiện trường phải có mặt từ khi bắt đầu đến khi kết thúc, ký tên vào sơ đồ hiện trường, biên bản khám nghiệm hiện trường theo quy định. KSV không trực tiếp kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường thì không được ký vào các loại biên bản trên. Sau khi kết thúc khám nghiệm hiện trường, KSV phối hợp cùng ĐTV và các thành viên Hội đồng khám nghiệm họp rút kinh nghiệm đánh giá đúng kết quả khám nghiệm hiện trường. KSV tham gia kiểm sát khám nghiệm hiện trường tuyệt đối không ỷ lại vào CQĐT trong việc tổ chức khám nghiệm hiện trường, có mặt mang tính hình thức rồi ký vào biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường cho đủ thành phần. Mặt khác, để tăng cường công tố, gắn công tố với điều tra thì Lãnh đạo VKS nên bố trí KSV nào tham gia khám nghiệm hiện trường ban đầu thì phải có trách nhiệm tham mưu, đề xuất giải quyết vụ việc đó trong các giai đoạn tiếp theo để tránh tình trạng như hiện nay một số KSV tham gia khám nghiệm hiện trường nhưng đang đảm nhiệm nhiệm vụ ở lĩnh vực công tác khác như kiểm sát dân sự, khiếu tố, kiểm sát giam giữ, thi hành án… nên khi tham gia khám nghiệm chưa thật sự trách nhiệm vì sau đó không tiếp tục tham mưu, đề xuất giải quyết mà giao cho KSV khác[3].

– Các biện pháp bảo đảm việc thực hiện các kiến nghị và xử lý vi phạm của CQĐT và các cơ quan liên quan trong hoạt động khám nghiệm hiện trường: Lãnh đạo VKS các cấp cần có những biện pháp tác động đối với Thủ trưởng CQĐT trong việc thực hiện các kiến nghị của VKS đối với những vi phạm của ĐTV, Cán bộ điều tra trong công tác khám nghiệm hiện trường vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Những vi phạm phổ biến của ĐTV, Cán bộ điều tra trong khám nghiệm hiện trường vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ phổ biến như: ĐTV được phân công nhưng không có mặt để chủ trì việc khám nghiệm hiện trường, Cán bộ điều tra không phải là chủ thể của hoạt động khám nghiệm hiện trường nhưng lại được phân công chủ trì khám nghiệm hiện trường; ĐTV còn thiếu trách nhiệm trong việc chủ trì khám nghiệm hiện trường cũng như còn có thái độ xem nhẹ vai trò của KSV trong hoạt động khám nghiệm hiện trường. Đồng thời, yêu cầu Thủ trưởng CQĐT có những biện pháp xử lý ĐTV theo quy định cũng như có những giải pháp để nâng cao vai trò, năng lực, trách nhiệm của ĐTV, tăng cường hơn nữa quan hệ phối hợp với KSV, thực hiện đầy đủ các yêu cầu của KSV trong công tác khám nghiệm hiện trường.

– Tăng cường vai trò lãnh đạo của VKS các cấp trong việc kiểm sát khám nghiệm hiện trường: Lãnh đạo VKS các cấp cần quan tâm nhiều hơn nữa trong việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên theo định kỳ và kiểm tra chuyên đề, đột xuất về nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự nói chung, các vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ nói riêng; trong đó, có hoạt động kiểm sát khám nghiệm hiện trường các vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ để đánh giá được hiệu quả, năng lực của từng KSV nhằm kịp thời phát hiện những vi phạm, thiếu sót để có biện pháp khắc phục, rút kinh nghiệm đối với KSV. Lãnh đạo VKS các cấp cần thường xuyên mở sổ báo cáo kết quả khám nghiệm hiện trường để kịp thời theo dõi, chỉ đạo nghiệp vụ đối với KSV và kịp thời phát hiện vi phạm thiếu sót trong hoạt động kiểm sát khám nghiệm hiện trường của KSV để kịp thời chỉ đạo sửa chữa, khắc phục. Đối với những vi phạm mang tính lặp lại hoặc vi phạm nghiêm trọng trong công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường của KSV dẫn đến vụ án tạm đình chỉ hoặc Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung do vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong công tác khám nghiệm hiện trường thì có hình thức xử lý kỷ luật theo quy định đối với KSV đó. Hàng năm, VKS các cấp cần phối họp với CQĐT và các cơ quan hữu quan cùng cấp tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác khám nghiệm hiện trường các vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ nhằm rút ra những việc đã làm được, những khuyết điểm, thiếu sót trong công tác này và đề ra biện pháp cụ thể để khắc phục. VKS nhân dân tối cao cần thường xuyên quan tâm, giải đáp vướng mắt về nghiệp vụ trong hoạt động kiểm sát khám nghiệm hiện trường các vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ cho VKS các cấp nhằm đảm bảo hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát khám nghiệm hiện trường nói chung và kiểm sát khám nghiệm hiện trường các vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ nói riêng ngày càng có hiệu quả.

Bên cạnh đó, Lãnh đạo VKS các cấp cần quán triệt sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ nhằm nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ cho Cán bộ, KSV. Mỗi đơn vị cần phát động phong trào thi đua, có chính sách khen thưởng, nêu gương những KSV có tinh thần trách nhiệm với công việc, có năng lực và làm tốt công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường; đồng thời, có biện pháp xử lý kịp thời theo quy chế xử lý kỷ luật trong ngành kiểm sát nhân dân và quy định của pháp luật đối với những KSV không tận tụy và vi phạm trong công tác này.

 Giải pháp tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động kiểm sát khám nghiệm hiện trường và nâng cao chế độ đãi ngộ đối với KSVĐề nghị Nhà nước có chính sách quan tâm đầu tư những trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường như: khẩu trang chuyên dụng, quần áo chống độc, găng tay, mũ…đảm bảo tránh hiện tượng lây lan, truyền nhiễm bệnh tật khi KSV tham gia kiểm sát khám nghiệm hiện trường các vụ tai nạn giao thông có phương tiện bị cháy nổ, hàng hóa trên các phương tiện trong vụ tai nạn là các hóa chất hoặc chất thải độc hại. Trang bị đầy đủ các phương tiện kỹ thuật cần thiết như máy ảnh, máy quay camera, máy ghi âm, đèn chiếu…giúp KSV ghi nhận lại chính xác, trung thực hiện trường làm cơ sở đối chiếu với tài liệu của CQĐT; trang bị ô tô nhằm giúp KSV chủ động, nhanh chóng có mặt tại hiện trường để tiến hành kiểm sát khám nghiệm hiện trường, tránh trình trạng KSV đến muộn vì yếu tố phương tiện.

 Giải pháp tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ kiểm sát khám nghiệm hiện trường vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ cho Cán bộ kiểm sát

VKS nhân dân tối cao cần thường xuyên mở các lớp đào tạo chuyên sâu, tập huấn ngắn hạn về nghiệp vụ kiểm sát khám nghiệm hiện trường các vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ cho KSV các cấp; trong đó chủ yếu là KSV cấp huyện, nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện phương pháp, kỹ năng kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ làm căn cứ để KSV thực hiện. Xây dựng phương pháp khoa học, kỹ năng kiểm sát cả trước, trong và sau khi khám nghiệm hiện trường cho KSV./.

ThS. Nguyễn Văn Khánh – VKSND huyện Ba Tri


[1] Xem khoản 2 Điều 150 BLTTHS năm 2003

[2] Xem khoản 2 Điều 201 BLTTHS năm 2015

[3] Lưu Trọng Nguyên (2010) “Một số kiến nghị, giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong quá trình kiểm sát việc giải quyết các vụ án về tai nạn giao thông”, Tạp chí Kiểm sát, số 21, tr. 19-23.

[1]Tạ Thanh Bình (2011) “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường trong các vụ tai nạn giao thông”, Tạp chí Kiểm sát, số 13, tr. 36-41.

[2] Khoản 1 “Cấp cứu người bị nạn”, khoản 2 “Kiểm tra, tạm giữ giấy tờ của người và phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông…ghi nhận vị trí của phương tiện, vị trí các dấu vết phương tiện rồi đưa phương tiện vào vị trí thích hợp để bảo vệ:, khoản 3 “Khoanh vùng bảo vệ hiện trường…vụ tai nạn, khoản 4 “Thu thập thông tin”, khoản 5 “Tổ chức giao thông”, khoản 6 “…gây tai nạn giao thông bỏ chạy…”.