Phẩm chất văn hóa của người điều khiển phương tiện giao thông

1160
Những ngày gần đây, tai nạn giao thông tiếp tục gia tăng là nỗi bức xúc trong xã hội. Hầu như ngày nào báo chí cũng đăng tải tin tức về tai nạn giao thông, về số người thương vong với những hoàn cảnh bi thương… Ðây là vấn đề hết sức nguy hại nhưng kéo dài đã quá lâu. Các cơ quan chức năng và dư luận nói chung đã cố gắng tìm hiểu, phân tích, chỉ ra nguyên nhân khách quan, chủ quan, đồng thời tiến hành nhiều biện pháp khắc phục, nhưng trên thực tế, vấn đề dường như ngày càng trở nên trầm trọng.

Xã hội phát triển theo hướng hiện đại, cần một hệ thống đường sá chất lượng cao, cùng với đó là sự phong phú của các loại phương tiện giao thông. Trong những năm qua, dưới các hình thức khác nhau, Nhà nước và các địa phương đã triển khai nhiều kế hoạch, dự án để mở mang hệ thống đường sá, nhưng sự mở mang ấy chưa tương ứng với sự gia tăng nhanh chóng của các loại phương tiện. Tuy nhiên, đó không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn tới tai nạn giao thông, vì vấn nạn còn liên quan trực tiếp tới ý thức văn hóa của người điều khiển phương tiện.

Về mặt luật pháp, do phương tiện giao thông cơ giới có khả năng gây nguy hiểm khi vận hành, cho nên người điều khiển phải có ‘giấy phép lái xe’. Nhưng xét về mặt văn hóa, ‘giấy phép lái xe’ chưa hàm chứa ý nghĩa chủ nhân của nó đã hội đủ các phẩm chất cần thiết để có thể luôn ứng xử một cách có văn hóa mỗi khi điều khiển phương tiện. Nói cách khác, ‘giấy phép lái xe’ chưa xác nhận việc chủ nhân của nó đủ tư cách văn hóa mỗi khi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường, chưa bảo đảm rằng người có ‘giấy phép lái xe’ là người biết giữ gìn tính mạng của chính mình, biết tôn trọng tính mạng của người khác. Vì thế lâu nay, tuy đã có ‘giấy phép lái xe’ nhưng nhiều người vẫn phóng xe máy với tốc độ cao, rồi lạng lách, ‘đánh võng’, vượt đèn đỏ, rẽ ngang không cần phát tín hiệu,… Khi số lượng ô-tô trong xã hội tăng lên, các hành vi này tiếp tục lặp lại, không ít người đã áp dụng thói quen xấu khi điều khiển xe máy vào việc điều khiển ô-tô. Dẫn đến hiện tượng nhiều lái xe không tuân thủ Luật Giao thông, phóng nhanh vượt ẩu, ngang nhiên đỗ giữa đường, cố chèn nhau để vượt lên, đi vào đường ngược chiều, dàn hàng ngang ở ngã ba ngã tư, thậm chí chỉ vì có va chạm nhỏ mà lái xe cũng dừng xe lại để chửi bới, hoặc gây gổ đánh nhau… Và họ không chỉ là nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông, mà còn là một trong các nguyên nhân gây nên nhiều vụ tai nạn giao thông.

Trong hệ thống các yếu tố xác nhận sự phát triển phẩm chất văn hóa của mỗi cá nhân, có một yếu tố hết sức quan trọng là sự phát triển của ý thức tự giác về hành vi của mình. Ý thức ấy là ‘bộ chỉnh’ để mỗi người có khả năng quyết định nên và cần phải làm việc gì, không nên và không được làm việc gì. Ðối với người điều khiển phương tiện giao thông, nhất là phương tiện có kích thước và tải trọng lớn, ý thức tự giác về hành vi là vô cùng quan trọng, bởi nó giúp họ biết tự điều chỉnh mỗi khi lưu thông trên đường. Muốn có ý thức tự giác đó, không ai khác, chính mỗi người cần tự mình nhận thức và trau dồi, để bổ sung phần văn hóa vào chiếc ‘giấy phép lái xe’ vốn mới chỉ là một bảo đảm về mặt luật pháp.

(sưu tầm)

Công ty Luật Dragon, Luật sư, Luật sư Hà Nội, Luật sư Việt Nam