Quy hoạch thủ đô phát triển hạ tầng giao thông Việt Nam

881

Giao thông Việt Nam – Khu vực được quan tâm nhất là sa bàn thể hiện bộ mặt Hà Nội năm 2030 tầm nhìn 2050 nằm ở trung tâm tầng một cung triển lãm. Tại đây, hàng chục người đứng quây kín chỉ trỏ bàn tán. Gần đó, các bản đồ thể hiện định hướng quy hoạch giao thông của thành phố cũng có rất đông khách tới xem. Không ít người mang theo máy ảnh, máy quay phim để ghi lại những hình ảnh được trưng bày.

Ảnh: Nguyễn Hưng.
Sa bàn trung tâm triển lãm luôn chật kín người xem. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Mặc dù triển lãm mở cửa miễn phí, song nếu muốn ghi lại hình ảnh người xem sẽ phải trả phí 150.000 đối với mỗi máy ảnh hoặc máy quay phim. Đến từ Phú Xuyên, vợ chồng anh Bùi Văn Đức chăm chú tìm hiểu bộ mặt của đô thị vệ tinh này trong vài chục năm tới.

“Triển lãm lần này hoành tráng hơn triển lãm Vân Hồ năm ngoái nhưng tôi thấy có vẻ vẫn chung chung lắm, chưa có gì cụ thể”, anh Đức nhận xét.

Trong khi đó, những người sống ở trung tâm Hà Nội đặc biệt xem kỹ định hướng giao thông. Theo anh Nguyễn Thanh Hải (phố Hào Nam, quận Đống Đa), muốn phát triển được, Hà Nội phải có hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại. Đây lại đang là điểm yếu nhất của thủ đô.

“Phố Hào Nam nơi tôi sống, theo quy hoạch sẽ có đường chạy thẳng ra Giảng Võ nhưng tôi không biết trong tương lai sẽ xây như thế nào khi mà ở các khu vực được quy hoạch người dân vẫn tiếp tục xây nhà, thậm chí là các nhà cao tầng”, anh Hải nói.

Cũng theo anh, tới năm 2030, để Hà Nội có được bộ mặt như đồ án là điều rất khó vì cần đầu tư rất nhiều vào hạ tầng, trong khi 20 năm là khoảng thời gian không hề dài. Chủ trương đổi đất lấy hạ tầng của thành phố và Bộ Xây dựng thực ra là bài toán không hề đơn giản. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào thị trường, vào cung cầu. “Trên toàn thành phố theo tôi biết đã có trên 700 dự án chưa triển khai, tôi không biết sắp tới sẽ lấy đất đâu ra nữa mà đổi”, anh Hải nói.

Các định sơ đồ định hướng giao thông cũng nhận được sự quan tâm lớn của người dân. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Cùng chung tâm lý hoài nghi về tính khả thi của đồ án, anh Lê Quang Sự (khu đô thị Ciputra) cho rằng, để làm được, Hà Nội phải thay đổi cung cách quản lý cũng như có quyết tâm thực thi quy hoạch vô cùng lớn. “Điều dễ thấy là các tuyến đường vành đai, đường cao tốc mất cả chục năm vẫn chưa hoàn thành”, anh Sự dẫn chứng.

Mặc dù vậy, anh Sự cũng cho rằng, việc hoàn thiện đồ án quy hoạch sẽ mở ra tiềm năng lớn cho thị trường bất động sản của Hà Nội trong thời gian tới. Tuy nhiên, không thể chỉ căn cứ vào các bản vẽ, sa bàn mà có thể quyết định đầu tư vào chỗ nào cụ thể vì đây chỉ mới là các đường hướng chung, cần phải chờ tới những quy hoạch cụ thể hơn.

Theo ghi nhận của VnExpress, trong ngày đầu mở cửa, một lượng lớn những người làm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản hoặc những nhà đầu tư “tay trái” tới xem. Hầu hết đều khẳng định không thể căn cứ vào đồ án để đi tắt đón đầu trong việc mua bán đất.

“Đây chỉ là định hướng chung, muốn đầu tư, cần phải có thông tin từ việc quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết”, một nhà đầu tư giấu tên nói.

Theo các nhân viên của Cung triển lãm, trong ngày đầu mở cửa, khoảng trên 1.000 người đã tới xem. Triển lãm mở cửa vào giờ hành chính, từ thứ 3 tới chủ nhật, thứ 2 dành để bảo trì.

Văn Phòng  Luật sư Dragon