“So găng” Toyota Raize và Kia Sonet: Khi xe Nhật giá cạnh tranh hơn xe Hàn

755

Hai mẫu xe Toyota Raize và Kia Sonet với mức giá hơn 500 triệu đồng, đều lần đầu “tham chiến” trong phân khúc xe gầm cao đô thị tại Việt Nam, trong đó mỗi sản phẩm đều mang lợi thế riêng.

Sau khi Thaco bất ngờ ra mắt Kia Sonet hồi giữa tháng 10, Toyota Việt Nam cũng chính thức giới thiệu Raize vào đầu tháng 11. Hai “tân binh” đã mở ra phân khúc mới tại thị trường Việt Nam.

Bộ đôi SUV hạng “A+” hay xe gầm cao cỡ nhỏ, được định vị cho nhóm khách hàng lần đầu mua ô tô, những gia đình trẻ hiện đại, hướng tới nhóm người dùng đô thị.

Mức giá và nguồn gốc

Khác với dự đoán cách định giá quen của mình, Toyota Raize 2022 được công bố với giá từ 527 triệu đồng dành cho màu đỏ và đen, cộng thêm 8 triệu đồng cho màu trắng cũng như phiên bản 2 màu sơn. Con số trên khiến không ít người bất ngờ và đánh giá là hấp dẫn. Xe được nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia.

Thaco lại khiến một số khách hàng đặt cọc Kia Sonet 2022 “ngã ngửa” khi chốt giá phiên bản số sàn ở mức 499 triệu đồng. Nếu mua số tự động, khách hàng phải chi ít nhất từ 539 triệu đồng, và cao nhất lên đến 609 triệu đồng. Mức giá này chạm tới một số mẫu xe ở phân khúc cao hơn. Kia Sonet được lắp ráp trong nước.

Khác về nguồn gốc nên Kia Sonet có thể được hưởng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước mà Bộ Tài chính đang đề xuất. Tuy nhiên, ngay cả khi đó, giá lăn bánh Toyota Raize vẫn thấp phiên bản 1.5 Premium cao cấp nhất của Kia Sonet tới hơn 50 triệu đồng.

Kích thước xe

Khi xét về các con số, Kia Sonet có lợi thế hơn về kích thước tổng thể, khi sở hữu chiều dài 4.120 mm, rộng 1.790mm và 1.642 mm chiều cao. Khoảng cách giữa 2 trục bánh xe 2.500 mm và khoảng sáng gầm 205 mm.

Còn “số đo” tương ứng của Toyota Raize là 4.030 x 1.710 x 1.605mm, nhỏ hơn một chút so với Sonet. Tuy nhiên, trục cơ sở của Raize lại dài hơn tới 25 mm, hứa hẹn mang lại không gian nội thất rộng rãi hơn. Khoảng sáng gầm đạt mức 200 mm.

Ngoại thất

Đầu xe

Thiết kế bên ngoài của Sonet toát lên vẻ trẻ trung. Phần cản trước gồ ghề, màu bạc, được làm nhô ra ngoài giúp tạo cảm giác to lớn cho chiếc xe. Mặt ca-lăng phong cách “mũi hổ” đặc trưng của thương hiệu. Logo nhận diện thiết kế mới.

Đèn pha full-LED với dải đèn chạy ban ngày hình “móc câu” phá cách, tuy vậy chỉ có từ bản Luxury (579 triệu đồng), còn hai bản Deluxe là loại halogen nhưng vẫn có tính năng bật/tắt tự động. Đèn sương mù LED hoặc halogen tùy phiên bản.

Về phần Toyota Raize, “gương mặt” góc cạnh với nhiều đường nét, nếp gấp thẳng và góc cạnh. Lưới tản nhiệt lớn, được đặt thấp và tạo hình đa giác, mang đến sự khỏe khoắn và năng động cho xe. Ngay bên trên là logo Toyota và thanh trang trí màu đen bóng nối liền hai cụm đèn.

Hệ thống đèn full-LED tự động bật/tắt hiện đại, đèn LED chạy ban ngày được đặt thấp, đèn sương mù halogen.

Thân xe

Chiếc xe nhà Kia có đường nét hài hòa, điểm thêm một số chi tiết trang trí tạo điểm nhấn khi nhìn ngang. Mui xe và ốp gương sơn đen, đi cùng thanh giá nóc và ốp vòm bánh xe nhựa sần. Tay nắm cửa mạ crôm trên bản Luxury và Premium, tích hợp tính năng mở cửa bằng nút bấm. Antena vây cá mập.

“Dàn chân” của Kia Sonet có kích thước 16 inch, với 5 chấu tạo thành hình cánh quạt, mang lại hiệu ứng khá bắt mắt khi di chuyển trên đường. Phanh đĩa được trang bị ở hai bánh trước, trong khi phanh sau là loại tang trống.

Trong khi đó, Raize mang thiết kế “hộp diêm” của dòng xe kei-car, với cửa cốp gần như thẳng đứng, giúp tối ưu không gian nội thất. Khoảng cách từ trục bánh xe đến cản (overhang) ngắn cũng góp phần tăng độ linh hoạt. Phần trụ C được thiết kế tăng tính thẩm mỹ.

Mui xe và ốp gương sơn đen trên phiên bản 2 tông màu, đi cùng tay nắm cửa mạ crôm tích hợp nút bấm mở cửa. Logo “Turbo” thể hiện xe có khối động cơ tăng áp. Antena dạng vây cá mập giống đối thủ, nhưng không có thanh giá nóc.

Chi tiết đáng chú ý là bộ vành hợp kim 17 inch dạng 5 chấu, lớn hơn một cỡ so với Kia Sonet, được tạo thành hình xoáy trông khá bắt mắt. Cấu hình phanh đĩa/tang trống tương tự đối thủ.

Đuôi xe

Phần “mông” của Sonet khá đầy đặn. Vòm bánh xe phía sau “phình”, cộng thêm cản sau ốp nhựa đen sần kết hợp mảng màu kim loại có kích thước lớn, mang dáng vẻ của một chiếc SUV.

Cụm đèn hậu LED trên các phiên bản (trừ Deluxe MT), có đồ họa 5 vạch và dải đèn hình móc câu tương tự đầu xe. Thanh phản quang nối liền bộ đèn, tích hợp camera lùi được ẩn khéo léo. Tạo hình ống xả giả hai bên, trong khi ống xả thật giấu dưới gầm xe.

Trong khi đó, phần sau của Raize đơn giản, vẫn mang kiểu dáng hộp vuông, với các chi tiết to bản. Cản sau sử dụng hai tấm ốp nhựa đen giả hốc gió khá to. Khu vực lắp biển số đặt thấp hẳn xuống.

Cụm đèn hậu cũng dùng công nghệ LED như đối thủ, với 4 “chấm” cùng dải LED mỏng. Nối 2 cụm đèn này là thanh trang trí màu đen cùng logo. Ngay phía dưới là khu vực mở cốp có kích thước lớn, tích hợp camera lùi.

Nội thất và khoang hành lý

Kia Sonet tương đối “chiều chuộng” người dùng về mặt thẩm mĩ, với các đường chỉ đỏ, cửa gió đặt dọc có họa tiết viền độc đáo hay màn hình nối liền cùng bảng đồng hồ. Các trang bị cơ bản bao gồm điều hòa tự động, vô lăng bọc da có nhiều phím điều khiển, bệ tì tay hay nút bấm Start/Stop.

Tùy phiên bản mà xe có những trang bị đáng chú ý như bảng đồng hồ analog/điện tử với màn hình hiển thị 3,5 inch, màn hình giải trí lên tới 10,25 inch (Premium) hoặc 8 inch.

Ghế bọc da có tính năng thông gió ghế, ghế lái chỉnh điện 6 hướng, sạc điện thoại không dây, đề nổ từ xa, cửa sổ trời, gương chiếu hậu chống chói tự động và kiểm soát hành trình (Cruise Control).

Hàng ghế sau của mẫu xe thương hiệu Hàn Quốc có độ rộng thuộc mức khá. Lưng ghế có thể gập/ngả theo tỉ lệ 60:40, đi kèm bệ tỳ tay tích hợp cổng USB và cửa gió điều hòa, điều mà nhiều khách hàng rất thích khi mua xe.

Cốp của Sonet có dung tích 392L, đủ cho những chuyến đi chơi xa hoặc cắm trại cùng gia đình. Xe có tấm chắn cốp – chi tiết mà đối thủ không có, cùng khả năng gập hàng ghế thứ 2 để tăng không gian chứa đồ.

Raize cũng không hề kém cạnh khi sở hữu nhiều trang bị đáng giá, như vô lăng bọc da có lẫy chuyển số, bảng đồng hồ kỹ thuật số 7 inch có 4 chế độ hiển thị, màn hình trung tâm 9 inch hỗ trợ Apple CarPlay/Android Auto, điều hòa tự động, bệ tỳ tay thiết kế nghiêng về hướng người lái hay nút bấm khởi động Start/Stop.

Tuy nhiên, khi so với Sonet, xe lại thiếu đi cửa sổ trời, sạc điện thoại không dây và gây tiếc nuối hơn cả với nhiều khách hàng là hệ thống kiểm soát hành trình (Cruise Control).

Hàng ghế sau của Toyota Raize có độ rộng tương đương đối thủ, đi cùng ô cửa sổ lớn tạo cảm giác thoáng đãng và thoải mái cho hành khách. Khoảng để chân được hãng giới thiệu là lên tới 900mm. Lưng ghế cũng có khả năng gập theo tỉ lệ 60:40, mở rộng dung tích cho khoang hành lý. Tuy vậy, không có sự xuất hiện của cửa gió điều hòa, cổng USB và bệ tỳ tay ở khu vực này.

Khoang hành lý của Toyota Raize có dung tích nhỏ hơn đối thủ Hàn Quốc một chút (369L), có thể điều chỉnh độ cao thấp của sàn xe theo 2 nấc và gập phẳng băng ghế sau giúp tăng lên 1.133L. Xung quanh xe được bố trí 10 hộc chứa đồ tiện dụng đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng đa dạng cho mọi hành khách.

Hệ truyền động

Tại Việt Nam, Kia Sonet 2021 có duy nhất cấu hình động cơ Smartstream 4 xi-lanh 1.5L hút khí tự nhiên, sản sinh công suất tối đa 113 mã lực và mô-men xoắn cực đại 144 Nm, đi kèm hộp số sàn 6 cấp hoặc CVT. Xe có 3 chế độ lái và 3 chế độ của hệ thống kiểm soát lực kéo (TCS).

Trong khi đó, Toyota mang động cơ 3 xi-lanh 1.0L Turbo lên Raize, có công suất tối đa 98 mã lực, mô-men xoắn cực đại 140 Nm chỉ từ dải vòng tua 2.400-4.000 vòng/phút, giúp xe có lực kéo tốt hơn khi di chuyển ở tốc độ thấp. Hộp số biến thiên vô cấp kép (D-CVT) đi cùng chế độ lái Power và hệ dẫn động cầu trước.

Xét về sức mạnh vận hành, động cơ trên Kia Sonet nhỉnh hơn Toyota Raize khoảng 15 mã lực và 4 Nm. Tuy nhiên, động cơ tăng áp trên Raize cho mô-men xoắn đạt cực đại ở vòng tua sớm hơn. Bên cạnh đó, với động cơ “chấm nhỏ”, mẫu xe Nhật hứa hẹn cho khả năng tiết kiệm nhiên liệu. Ngược lại, Sonet sẽ là lựa chọn tốt dành cho những người “ăn chắc mặc bền”, còn nghi ngại về động cơ tăng áp, cũng như không thích độ trễ của turbo.

Trang bị an toàn

Các trang bị an toàn trên Sonet thuộc mức khá, với 2 hoặc 6 túi khí, hệ thống chống bó cứng phanh (ABS), phân bổ lực phanh điện tử (EBD), cân bằng điện tử (ESC), hỗ trợ khởi hành ngang dốc (HAC), cảm biến trước/sau, camera lùi và cảm biến áp suất lốp.

Trong khi đó, ngoài các trang bị nói trên thì Toyota Raize lại chỉ có 2 cảm biến trước thay vì 4 và không có cảm biến áp suất lốp. Bù lại, xe lại sở hữu 2 hệ thống an toàn chủ động hiện đại là cảnh báo điểm mù trên gương (BSM) và cảnh báo phương tiện cắt ngang phía sau (RCTA). Đây là một trong những xe hiếm hoi có giá dưới 600 triệu đồng được trang bị công nghệ trên.

Tổng kết

Nhìn chung, cả hai “tân binh” Toyota Raize và Kia Sonet đều là lựa chọn đáng cân nhắc trong phân khúc xe gầm cao dành cho đô thị tại Việt Nam. Toyota Raize hấp dẫn với những ai chuộng xe nhập, đề cao yếu tố an toàn và đặc biệt là thương hiệu Toyota gắn liền với sự bền bỉ, giữ giá đã “ăn sâu vào tiềm thức” của người Việt. Ngược lại, Kia Sonet sẽ cho những người thích yếu tố thời trang, hiện đại và thích “option”.

Gia An (Dân Trí)