‘Thích thoải mái xe cá nhân thì phải chấp nhận tắc đường’

842

“Trung Quốc dân số đông, thủ đô lớn, nhưng họ vẫn cấm được xe máy, đó là do ý chí quản lý của mỗi đất nước. Còn mình, nếu thích thoải mái đủ loại phương tiện thì phải chấp nhận việc tắc đường nhiều hơn”, Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị trao đổi với báo chí sáng 4/10.

Bộ Giao thông Vận tải vừa đề xuất hạn chế xe cá nhân để giảm ùn tắc. Là Bí thư Hà Nội, ông nói gì về đề xuất trên?

– Cách đây hơn 10 năm khi người dân cũng như đất nước còn nghèo, phương tiện giao thông công cộng, xe công ít, ôtô cá nhân rất hiếm. Nhưng hiện nay, khi kinh tế phát triển, đã có sự mất cân đối giữa số lượng phương tiện với khả năng lưu thông. do đó phải nghĩ tới việc điều hòa cho hợp lý.

ông Phạm Quang Nghị

Nhiều nước trên thế giới đã điều hòa bằng việc ưu tiên giao thông công cộng, giảm xe cá nhân. Giao thông công cộng gồm có xe buýt, đường sắt trên cao và tàu điện ngầm. Hà Nội và TP HCM cũng vậy, phải giảm bớt phương tiện cá nhân. Điều này xuất phát từ yêu cầu thực tiễn chứ không phải là thích hay không thích. Nếu cho phát triển thoải mái thì đến lúc phương tiện cá nhân nhiều đến mức người dân đi lại trên đường khó khăn, cản trở sự phát triển của xã hội.

Nhiều người băn khoăn, phương tiện công cộng chưa đáp ứng được mà lại hạn chế xe cá nhân thì người dân đi lại bằng gì. Nhưng muốn tăng phương tiện công cộng thì phải giảm xe cá nhân, khi đó mới tăng tương đối được đầu xe buýt lưu thông trên đường, mới có đất làm đường sắt trên cao. Nếu không hạn chế ngay, cứ để cho phương tiện cá nhân phát triển thì đến lúc quá muộn, lãng phí cho xã hội.

– Nhiều chuyên gia cho rằng việc hạn chế xe máy là bất công trong khi ôtô mới là phương tiên nhiều diện tích mặt đường. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

– Tại sao nhiều đô thị lớn trên thế giới không những hạn chế xe máy mà còn cấm xe máy? Trung Quốc dân số đông hơn mình nhiều, thủ đô của họ lớn hơn ta nhiều, nhưng họ vẫn cấm được xe máy. Đó là do ý chí quản lý của mỗi đất nước. Còn mình nếu thích thoải mái đủ loại phương tiện thế này thì phải chấp nhận việc tắc đường nhiều hơn.

Nếu người dân, ai cũng đưa mình vào kỷ cương kỷ luật giao thông thì không có chuyện tắc đường. Họ có thể chấp nhận chậm một chút nhưng không bị tắc nghẽn, hỗn loạn.

– Theo ông, cần hạn chế phương tiện cá nhân ở các đô thị như thế nào?

– Tôi cho rằng phải có nhiều biện pháp đồng bộ từ phí, lệ phí và hạn chế những điều kiện để mua xe. Áp dụng cả 2 biện pháp hành chính và kinh tế song song. Khi áp dụng những biện pháp kinh tế mà người nào đó cố tình vi phạm thì phải có những biện pháp hành chính nghiêm ngặt, ví dụ như phạt ở mức rất cao, khi đó vừa là biện pháp hành chính, vừa là kinh tế.

Hiện nay chúng ta quá dễ dãi cho phép mua sắm phương tiện giao thông cá nhân. Những người mua sắm phương tiện ấy không có đóng góp thỏa đáng cho những chi phí của xã hội đảm bảo cho xe hoạt động bình thường. Nếu anh đi xe đạp như người dân ở miền núi, anh đi bộ như người nông thôn thì hầu như anh không đóng góp gì cho xã hội là chuyện đương nhiên. Nhưng anh sử dụng ôtô khí thải lớn, chiếm chỗ trên đường, lưu thông trên đường, đèn xanh đèn đỏ và cả cảnh sát giao thông, công an phải quản lý trật tự đường thì anh phải đóng góp cho chi phí chung của xã hội một cách tương xứng.

– Với sự bùng phát ôtô hiện nay, theo ông, trước mắt cần giải quyết bài toán điểm đỗ xe thế nào để không gây ùn tắc?

– Diện tích đường và điểm đỗ tĩnh cho ôtô của Hà Nội hiện không đúng với tiêu chuẩn đô thị hiện đại. Người ta cần 20 -25% diện tích đường thì Hà Nội chỉ có 7-8%. Muốn tăng điểm đỗ thì phải giảm phương tiện cá nhân, không cho mua nhiều và thoải mái như hiện nay. Nếu cho mua sắm thoải mái thì người có phương tiện không đỗ chỗ này phải đỗ chỗ kia, ôtô không thể như cái túi, cái cặp mang theo người được.

Theo tôi, phải điều chỉnh phí dừng đỗ ô tô, phí thấp như hiện nay không ai dám đầu tư xây bãi đỗ. Ai có khả năng chịu được chi phí cao thì mới mua xe cá nhân, còn nếu không hãy đi phương tiện công cộng.

Theo Vnexpress.