Thủ Tục Khởi Kiện Bắt Giữ Tàu Và Thẩm Quyền Ra Quyết Định Bắt Giữ Tầu Biển

1220

Thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu biển:Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có cảng biển, cảng thủy nội địa mà tàu biển bị yêu cầu bắt giữ đang hoạt động hàng hải có thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu biển đó để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải, thi hành án dân sự, thực hiện ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài. Biện pháp bảo đảm tài chính cho yêu cầu bắt giữ tàu biển:

  1. Người yêu cầu bắt giữ tàu biển phải thực hiện biện pháp bảo đảm tài chính theo một hoặc cả hai hình thức sau đây:
  1. a) Nộp cho Tòa án chứng từ bảo lãnh bằng tài sản của ngân hàng hoặc Tổ chức tín dụng khác hoặc của cá nhân, cơ quan, tổ chức khác;
  2. b) Gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc Giấy tờ có giá theo quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm tài chính của Tòa án vào tài khoản phong toả tại ngân hàng nơi có trụ sở của Tòa án có thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu biển trong thời hạn chậm nhất là bốn mươi tám giờ kể từ thời điểm nhận được quyết định đó.

Trường hợp thực hiện biện pháp bảo đảm tài chính cho yêu cầu bắt giữ tàu biển vào ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày lễ thì Tài sản bảo đảm được tạm gửi giữ tại Tòa án; Tòa án chỉ nhận khoản tiền hoặc giấy tờ có giá và tiến hành niêm phong, bảo quản. Vào ngày làm việc tiếp theo, người yêu cầu bắt giữ tàu biển phải gửi ngay tài sản đó vào ngân hàng dưới sự giám sát của Tòa án.

 HỒ SƠ KHỞI KIỆN BẮT GIỮ TÀU.

  1. Đơn Khởi kiện,
  2. Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời,
  3. Giấy đồng ý để Tòa án phong tỏa tiền trong tài khoản Ngân hàng,
  4. Đơn gửi Ngân hàng đề nghị xác nhận số dư trên tài khoản Ngân hàng,
  5. Giấy xác nhận số dư trên tài khoản của Ngân hàng,
  6. Tài liệu chứng minh phần chi phí thiệt hại,
  7. Giấy ủy quyền của Người đại diện theo pháp luật (Tổng Giám Đốc/ Chủ tịch HĐQT),
  8. Quyết định thành lập Công ty,
  9. Giấy đăng ký kinh doanh,
  10. Quyết định bổ nhiệm Tổng Giám Đốc/ Chủ tịch HĐQT (Người đại diện pháp luật)
  11. Sea Protest (bản chính),
  12. Biên Bản Cảng Vụ,
  13. Giấy Chứng nhận đăng ký tàu biển,
  14. Giấy chứng nhận cấp tàu,
  15. Giấy chứng nhận khả năng đi biển,
  16. Biên bản-báo cáo của cơ quan giám định,
  17. Giấy tờ xác minh tài khoản phong tỏa,
  18. Giấy giới thiệu của Công ty.

Sau khi nhận đầy đủ giấy tờ Tòa án sẽ yêu cầu :

Nộp lệ phí Tòa án,(Nộp tại Tòa án)

Nộp tiền tạm ứng án phí (Nộp tại Kho Bạc Nhà Nước- Tổng Cục Thuế)

Khi mọi yêu cầu hoàn tất TÒA ÁN NHÂN DÂN TP. sẽ ra QUYẾT ĐỊNH ÁP DỤNG BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI, người của TÒA ÁN sẽ trực tiếp đưa QUYẾT ĐỊNH cho Cảng vụ để thực hiện việc bắt giữ tàu.

Trong thời gian bắt giữ tàu hai chủ tàu sẽ trao đổi qua lại để thống nhất số tiền bồi thường theo con số cụ thể hoặc trọn gói (lump sum) và tài khoản ngân hàng để chuyển trả. Khi toàn bộ số tiền bồi thường vào tài khoản rồi, người yêu cầu bắt giữ tàu phải làm các công văn sau đây để tòa án ra lệnh giải phóng tàu:

Công văn rút đơn khởi kiện,

Đơn xin giải phóng tàu.

Sau khi nhận được hai công văn trên, Tòa án sẽ ra QUYẾT ĐỊNH HỦY ÁP DỤNG BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI, người của TÒA ÁN sẽ trực tiếp đưa QUYẾT ĐỊNH HỦY cho Cảng vụ để thực hiện việc giải phóng tàu. TÒA ÁN cũng sẽ thông báo cho Ngân hàng hết phong tỏa tài khoản. Phía chủ tàu bị giữ sẽ yêu cầu chủ tàu sau khi đã nhận đủ tiền cung cấp GIẤY BÃI NẠI (RECEIPT & DISCHARGE).

Lưu ý:

Trách nhiệm do yêu cầu bắt giữ tàu biển không đúng

    1. Người yêu cầu bắt giữ tàu biển phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trong trường hợp yêu cầu bắt giữ tàu biển không đúng mà gây thiệt hại thì người yêu cầu bắt giữ tàu biển phải Bồi thường thiệt hại.
    2. Mọi thiệt hại xảy ra do hậu quả của việc yêu cầu bắt giữ tàu biển không đúng do các bên tự thoả thuận giải quyết. Trong trường hợp không thoả thuận được và có tranh chấp thì có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài giải quyết theo quy định của pháp luật.
    3. Tòa án ra quyết định bắt giữ tàu biển không đúng với lý do yêu cầu bắt giữ tàu biển hoặc không đúng tàu biển có yêu cầu bắt giữ mà gây thiệt hại thì Tòa án phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

THỦ TỤC BẮT GIỮ TÀU BIỂN

Bước 1: Người có quyền yêu cầu bắt giữ tàu biển phải gửi đơn tới toà án có thẩm quyền.

Bước 2: Toà án phân công một thẩm phán để xem xét, giải quyết đơn yêu cầu bắt giữ. Trong thời hạn 48 giờ, kể từ thời điểm nhận đơn, thẩm phán sẽ xem xét các căn cứ pháp lí và chứng cứ, tài liệu cần thiết xem có thụ lí đơn yêu cầu bắt giữ tàu hay không.

Bước 3: Nếu đơn đáp ứng đầy đủ các yêu cầu thì ngay khi người có yêu cầu bắt giữ tàu xuất trình các biên lai, chứng từ chứng minh họ đã thực hiện các nghĩa vụ về lệ phí và biện pháp đảm bảo tài chính theo quy định của pháp lệnh 2008, Thẩm phán được phân công sẽ ra quyết định bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải.

Quyết định này có thể bị khiếu nại, kiến nghị bởi những người có thẩm quyền

Bước 4: Giám đốc Cảng vụ ra thông báo thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển và phân công một cán bộ Cảng vụ thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển của Tòa án.

Bước 5:

Trường hợp nhận được quyết định bắt giữ trước khi tàu rời cảng

Trường hợp cán bộ Cảng vụ lên được tàu ngay sau khi được phân công:

Cán bộ cảng vụ lên tàu công bố và giao quyết định bắt giữ tàu biển, thông báo thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển cho Thuyền trưởng để thi hành và thu hồi giấy phép rời cảng nếu tàu biển đã được cấp giấy phép rời cảng.

Trường hợp bất khả kháng, cán bộ Cảng vụ không thể lên tàu để công bố và giao quyết định bắt giữ tàu:

Cán bộ Cảng vụ thông báo ngay bằng các phương thức phù hợp cho Tòa án, Thuyền trưởng hoặc chủ tàu, đại lý của chủ tàu và các cơ quan, tổ chức liên quan tại cảng biết; đồng thời áp dụng ngay các biện pháp thích hợp nhằm kịp thời thông báo và giao quyết định bắt giữ tàu biển.

Trường hợp nhận được quyết định bắt giữ sau khi tàu rời cảng:

Cảng vụ phải liên lạc ngay với Thuyền trưởng hoặc chủ tàu, đại lý của chủ tàu thông báo về quyết định bắt giữ tàu biển của Tòa án để yêu cầu Thuyền trưởng cho tàu neo đậu tại vị trí do Cảng vụ chỉ định để thi hành quyết định bắt giữ tàu biển.

Cảng vụ yêu cầu lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Cảnh sát giao thông đường thủy thực hiện truy đuổi tàu biển có quyết định bắt giữ nếu không liên lạc được với Thuyền trưởng, chủ tàu, đại lý của chủ tàu hoặc Thuyền trưởng không cho tàu neo đậu tại vị trí do Cảng vụ chỉ định hoặc tự ý cho tàu rời vị trí neo đậu sau khi đã nhận được quyết định bắt giữ tàu biển.Văn bản yêu cầu truy đuổi tàu biển được gửi hỏa tốc qua đường công văn, fax hoặc thông qua phương tiện điện tử khác.

Cảnh sát giao thông đường thủy được yêu cầu chủ trì truy đuổi, điều động lực lượng và phương tiện chuyên dùng thuộc quyền tổ chức truy đuổi tàu biển có quyết định bắt giữ của Tòa án, đồng thời thông báo cho Cảng vụ biết. Trường hợp không thể tổ chức truy đuổi, phải nêu rõ lý do. Khi thực hiện truy đuổi, lực lượng chủ trì việc truy đuổi có quyền yêu cầu các lực lượng khác phối hợp truy đuổi nếu thấy cần thiết.

Trong quá trình truy đuổi, lực lượng truy đuổi phải thường xuyên liên lạc và thông báo tình hình cho Cảng vụ biết để phối hợp thực hiện truy đuổi tàu biển có quyết định bắt giữ của Tòa án.

Bước 6:

Trường hợp không phải truy đuổi để bắt giữ tàu:

Ngay sau khi kết thúc việc bắt giữ tàu biển, Giám đốc Cảng vụ thông báo bằng văn bản cho tòa án, Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tại cảng biết về việc thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển.

Trường hợp phải truy đuổi để bắt giữ tàu:

Sau khi hoàn thành việc truy đuổi, lực lượng truy đuổi áp giải tàu đến vị trí neo đậu được chỉ định, bàn giao cho lực lượng giám sát tàu biển bị bắt giữ và thông báo cho Cảng vụ để thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển của Tòa án theo quy định.

Trường hợp không liên lạc được với tàu hoặc việc truy đuổi không thể thực hiện được hay truy đuổi không thành công, Giám đốc Cảng vụ thông báo ngay bằng văn bản và thông qua phương tiện điện tử cho Tòa án và các cơ quan có liên quan biết.

Căn cứ pháp luật:

Pháp lệnh bắt giữ tàu biển năm 2008

Bộ luật hàng hải năm 2015

    1. Việc bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải được thực hiện theo quy định tại Mục 2 Chương này và pháp luật về thủ tục bắt giữ tàu biển.
    2. Việc bắt giữ tàu biển trong trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, để bảo đảm thi hành án dân sự và thực hiện tương trợ tư pháp được thực hiện theo pháp luật về tố tụng dân sự, về thủ tục bắt giữ tàu biển và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 138. Áp dụng pháp luật trong việc bắt giữ tàu biển

  1. –  Nghị định 57/2010/NĐ-CP ngày 25/5/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển.
  2. MỤC 2. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH BẮT GIỮ TÀU BIỂN
  3. Điều 7. Trình tự, thủ tục thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển
  4. 1, Ngay sau khi nhận được quyết định bắt giữ tàu biển của Tòa án, Giám đốc Cảng vụ ra thông báo thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển và phân công một cán bộ Cảng vụ thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển của Tòa án. Nội dung thông báo thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
    1. Ngay sau khi được phân công, cán bộ Cảng vụ phải lên tàu công bố và giao quyết định bắt giữ tàu biển, thông báo thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển cho Thuyền trưởng để thi hành. Trường hợp Thuyền trưởng vắng mặt trên tàu thì giao cho Đại phó hoặc Sỹ quan trực ca boong. Trường hợp không có người ký nhận việc giao quyết định bắt giữ tàu biển thì cán bộ Cảng vụ lập biên bản có chữ ký của người làm chứng (nếu có) và dán quyết định của Tòa án, thông báo thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển tại hành lang boong chính khu vực lối lên của tàu.
    2. Cán bộ Cảng vụ có trách nhiệm thực hiện việc thu hồi giấy phép rời cảng nếu tàu biển đã được cấp giấy phép rời cảng.
    3. Việc công bố, giao, nhận quyết định bắt giữ tàu biển, thông báo thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển và thu hồi giấy phép rời cảng (nếu có) phải được lập thành biên bản theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.
    4. Trường hợp bất khả kháng, cán bộ Cảng vụ không thể lên tàu để thực hiện các công việc quy định tại khoản 2 điều này, Cảng vụ phải thông báo ngay bằng các phương thức phù hợp cho Tòa án, Thuyền trưởng hoặc chủ tàu, đại lý của chủ tàu và các cơ quan, tổ chức liên quan tại cảng biết; đồng thời áp dụng ngay các biện pháp thích hợp nhằm kịp thời thông báo và giao quyết định bắt giữ tàu biển.
    5. Ngay sau khi kết thúc việc thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển, Giám đốc Cảng vụ có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho tòa án, Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tại cảng biết về việc thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển.

Điều 8. Trường hợp tàu biển rời cảng khi có quyết định bắt giữ

  1. Trường hợp Cảng vụ nhận quyết định bắt giữ tàu biển sau khi tàu rời bến cảng, vùng neo đậu thì Cảng vụ phải liên lạc ngay với Thuyền trưởng hoặc chủ tàu, đại lý của chủ tàu thông báo về quyết định bắt giữ tàu biển của Tòa án để yêu cầu Thuyền trưởng cho tàu neo đậu tại vị trí do Cảng vụ chỉ định để thi hành quyết định bắt giữ tàu biển.
  2. Trường hợp không liên lạc được với Thuyền trưởng, chủ tàu, đại lý của chủ tàu hoặc Thuyền trưởng không cho tàu neo đậu tại vị trí do Cảng vụ chỉ định hoặc tự ý cho tàu rời vị trí neo đậu sau khi đã nhận được quyết định bắt giữ tàu biển thì Cảng vụ yêu cầu lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Cảnh sát giao thông đường thủy thực hiện truy đuổi tàu biển có quyết định bắt giữ.

Điều 9. Phối hợp thực hiện truy đuổi tàu biển có quyết định bắt giữ của Tòa án

  1. Trường hợp phải thực hiện truy đuổi tàu biển có quyết định bắt giữ của tòa án, căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế, vị trí tàu biển đang hoạt động và phạm vi hoạt động của các lực lượng thực hiện truy đuổi, Giám đốc Cảng vụ yêu cầu Vùng Cảnh sát biển hoặc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát giao thông đường thủy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi tàu đang hoạt động chủ trì hoặc phối hợp truy đuổi. Việc yêu cầu truy đuổi tàu biển phải được thực hiện bằng văn bản.
  2. Văn bản yêu cầu truy đuổi tàu biển được gửi hỏa tốc qua đường công văn, fax hoặc thông qua phương tiện điện tử khác. Nội dung văn bản phải nêu rõ tên tàu, quốc tịch tàu, số IMO, cảng đăng ký, đặc điểm nhận dạng của tàu; số quyết định, ngày tháng năm ký quyết định bắt giữ tàu biển, Tòa án ra quyết định và lý do bắt giữ, thời gian rời cảng, vị trí, hướng đi dự kiến và cảng đến của tàu biển (nếu có).
  3. Ngay sau khi nhận được văn bản yêu cầu truy đuổi của Giám đốc Cảng vụ, Thủ trưởng lực lượng Vùng Cảnh sát biển hoặc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát giao thông đường thủy được yêu cầu chủ trì truy đuổi, điều động lực lượng và phương tiện chuyên dùng thuộc quyền tổ chức truy đuổi tàu biển có quyết định bắt giữ của Tòa án, đồng thời thông báo cho Cảng vụ biết. Trường hợp không thể tổ chức truy đuổi, phải nêu rõ lý do. Khi thực hiện truy đuổi, lực lượng chủ trì việc truy đuổi có quyền yêu cầu các lực lượng khác phối hợp truy đuổi nếu thấy cần thiết.
  4. Trong quá trình truy đuổi, lực lượng truy đuổi phải thường xuyên liên lạc và thông báo tình hình cho Cảng vụ biết để phối hợp thực hiện truy đuổi tàu biển có quyết định bắt giữ của Tòa án.
  5. Sau khi hoàn thành việc truy đuổi, lực lượng truy đuổi có trách nhiệm áp giải tàu đến vị trí neo đậu được chỉ định, bàn giao cho lực lượng giám sát tàu biển bị bắt giữ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của Nghị định này và thông báo cho Cảng vụ để thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển của Tòa án theo quy định.
  6. Trường hợp không liên lạc được với tàu hoặc việc truy đuổi không thể thực hiện được hay truy đuổi không thành công, Giám đốc Cảng vụ phải thông báo ngay bằng văn bản và thông qua phương tiện điện tử cho Tòa án và các cơ quan có liên quan biết. Nội dung thông báo phải nêu rõ thời gian tàu rời bến cảng và cảng đến dự kiến, các biện pháp liên lạc, truy đuổi tàu mà Cảng vụ và các cơ quan, tổ chức áp dụng.
  7. Cảng vụ chủ trì, phối hợp với Vùng Cảnh sát biển, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát giao thông đường thủy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quy chế phối hợp thực hiện truy đuổi tàu biển có quyết định bắt giữ của Tòa án trong khu vực quản lý của Cảng vụ.

Điều 10. Chi phí thực hiện bắt giữ tàu biển

      1. Chi phí thực hiện bắt giữ tàu biển bao gồm chi phí thực hiện việc bắt giữ tàu biển theo quyết định của Tòa án, chi phí giám sát tàu biển trong thời gian bị bắt giữ và chi phí truy đuổi tàu biển (nếu có).
      2. Chi phí thực hiện bắt giữ tàu biển được thanh toán theo nguyên tắc sau đây:
  1. a) Chủ tàu có trách nhiệm thanh toán nếu yêu cầu bắt giữ tàu biển là đúng;
  2. b) Người yêu cầu bắt giữ tàu biển có trách nhiệm thanh toán nếu yêu cầu bắt giữ tàu biển là không đúng;
  3. c) Thanh toán từ tiền bán đấu giá tàu biển trong trường hợp chủ tàu bỏ tàu;
  4. d) Ngân sách nhà nước thanh toán trong các trường hợp sau đây:

– Các trường hợp truy đuổi tàu biển mà không truy đuổi được và yêu cầu bắt giữ tàu biển là đúng;

– Các trường hợp đặc biệt khác do Bộ Giao thông vận tải quyết định.

Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết việc bảo đảm chi phí thực hiện bắt giữ tàu biển từ ngân sách nhà nước quy định tại điểm d khoản này.

Điều 11. Chi phí duy trì hoạt động của tàu biển trong thời gian bị bắt giữ:

Chủ tàu, người khai thác tàu có trách nhiệm cung cấp kinh phí bảo đảm duy trì hoạt động của tàu biển bị bắt giữ.

Trường hợp chủ tàu, người khai thác tàu không cung cấp hoặc không còn khả năng cung cấp kinh phí duy trì hoạt động của tàu biển, Thuyền trưởng, đại lý của chủ tàu có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết bảo đảm duy trì hoạt động của tàu biển bị bắt giữ.

Trường hợp các tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này không còn khả năng cung cấp tài chính duy trì hoạt động của tàu, Cảng vụ thực hiện việc bắt giữ tàu biển có trách nhiệm cung cấp tài chính bảo đảm duy trì hoạt động cần thiết của tàu biển.

  1. Mọi chi phí liên quan đến việc duy trì hoạt động của tàu biển trong thời gian bị bắt giữ được chi trả theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quyết định của Tòa án. Chi phí này được thanh toán theo nguyên tắc sau đây:
  2. a) Chủ tàu có trách nhiệm thanh toán nếu yêu cầu bắt giữ tàu biển là đúng;
  3. b) Người yêu cầu bắt giữ tàu biển có trách nhiệm thanh toán nếu yêu cầu bắt giữ tàu biển là không đúng;
  4. c) Thanh toán từ tiền bán đấu giá tàu biển trong trường hợp chủ tàu bỏ tàu;
  5. d) Ngân sách nhà nước thanh toán trong các trường hợp khác; Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải quy định và hướng dẫn chi tiết việc bảo đảm chi phí cần thiết duy trì hoạt động an toàn của tàu biển trong các trường hợp được ngân sách nhà nước thanh toán.

Ngoài ra còn có các văn bản liên quan như:

  1. CÔNG ƯỚC CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ LUẬT BIỂN (Ký kết ngày 10 tháng 12 năm 1982)
  2. Pháp Lệnh Thủ Tục Bắt Giữ Tầu Biển Số 05/2008/UBTVQH12 Ngày 27 Tháng 8 Năm 2008

  3. Luật Hàng Hải Việt Nam Số 95/2015/QH13 Ngày 25 Tháng 11 Năm 2015

  4. Văn Bản Hợp Nhất Số 25/VBHN-VPQH Hướng Dẫn Về Luật Hàng Hải Việt Nam Ban Hành Ngày 10/12/2018

  5. Thông Tư Số 220/2012/TTLT-BTC-BGTVT Hướng Dẫn Về Chi Phí Bắt Giữ Tầu Biển Từ Ngân Sách Nhà Nước

  6. CÔNG ƯỚC NĂM 1999 CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ BẮT GIỮ TÀU

  7. Nghị Định 57/2010/NĐ-CP Hướng Dẫn Chi Tiết Về Thủ Tục Bắt Giữ Tầu Biển

Trên đây là một số ý kiến pháp lý của Công ty Luật Dragon về những nội dung mà anh/chị đã đề nghị luật sư tư vấn. Để biết thêm thông tin chi tiết anh/chị có thể liên hệ theo địa chỉ dưới đây:

Tên tổ chức: CÔNG TY LUẬT TNHH DRAGON

Đại diện: Thạc sĩ Luật sư Nguyễn Minh Long

Chức vụ: Giám đốc

Điện thoại: 1900.599.979                        Hotline: 0983 019 109.

Trụ sở chính: Phòng 6, Tầng 14, Tòa nhà VIMECO, Đường Phạm Hùng, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.

Chi nhánh: Số 102, Lô 14 đường Lê Hồng Phong, phường Đằng Lâm, quận Hải An, thành phố Hải Phòng.

Trân trọng!