TP HCM bàn việc xây tàu một ray đầu tiên – Giao thông việt nam

853

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc xây dựng tàu một ray (Monorail) tại TP HCM có thể giúp giảm được ùn tắc giao thông, thuận lợi cho việc đi lại, nhưng cần có quy hoạch rõ ràng

Ngày 26/8 tại TP HCM đã diễn ra cuộc hội thảo “Tàu điện một ray trong quy hoạch giao thông đô thị” do Sở Giao thông vận tải TP HCM và Tổng công ty cổ phần Vinaconex tổ chức với sự có mặt của nhiều chuyên gia nghiên cứu về giao thông đô thị.

Theo ông Bùi Xuân Cường, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM, trong quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị thành phố, tuyến Monorail số 2 dài 12 km có điểm đầu tại Nguyễn Văn Linh giao với quốc lộ 50 và điểm cuối là Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuyến Monorail số 3 dài 8 km có điểm đầu từ Ngã sáu Gò Vấp, chạy qua Công viên phần mềm Quang Trung và đến Tân Thới Hiệp, quận 12, TP HCM.

giao thong viet nam
TP HCM hy vọng sẽ có tàu điện một ray vào năm 2015. Ảnh: Vinaconex.

Hiện chưa có nhà đầu tư xây dựng nên việc xác định thời gian đưa tàu điện một ray vào hoạt động vẫn chưa xác định chính xác. Thành phố vẫn đang kêu gọi đầu tư. Nếu các thủ tục được tiến hành sớm trong thời gian tới thì có thể trước năm 2015 người dân có thể sử dụng tàu điện một ray.

Tại hội thảo, các chuyên gia đều cho rằng, việc xây dựng tàu một ray là cần thiết và đưa ra một số ưu điểm của tàu điện một ray đó là chiếm ít diện tích, chi phí xây dựng thấp. Ngoài ra, Monorail có thể chạy luồn lách quanh những tòa nhà, chạy theo các giải phân cách, không gây ô nhiễm môi trường, không gây tiếng ồn và có thể vận chuyển hành khách lớn. Một toa loại lớn có thể vận chuyển gần 200 người.

Tuy nhiên, tiến sĩ – Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, cần quan tâm số lượng hành khách lựa chọn phương tiện này như thế nào? Xây dựng những trạm dựng cho phù hợp cho việc đi lại hành khách và cần thiết kế trạm cho những người già và người tàn tật. “Khi thành phố thực hiện được dự án này cần phải quan tâm đến cảnh quan đô thị. Nếu không sẽ được cái này lại mất cái kia”, tiến sĩ Sơn nêu.

Còn tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm nghiên cứu kinh tế Miền Nam (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho rằng TP HCM chưa có những khu quy hoạch kinh tế rõ ràng mà tàu một ray không phải là phương tiện đưa người tới từng gõ ngách. Vì vậy người dân chọn những loại phương tiện khác để đi lại. Ngoài ra còn có sự so sánh về giá cả về cước phí công cộng.