Triển khai hiệu quả quy hoạch phát triển Thủ đô Hà nội

766

Luật sư Dragon: Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội hoàn thiện toàn bộ hồ sơ bản vẽ đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng trước ngày 1/8 tới.

Trước đó, đầu tháng 7, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với quan điểm xây dựng và phát triển Thủ đô thành động lực thúc đẩy phát triển đất nước.

Để làm rõ hơn về nội dung, ý nghĩa của các bản quy hoạch này, đặc biệt là việc tổ chức thực hiện và những vấn đề liên quan, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Thế Thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

– Với quan điểm xây dựng và phát triển Thủ đô thành động lực thúc đẩy phát triển đất nước, xin ông cho biết ý nghĩa của Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt?

– Ông Nguyễn Thế Thảo: Thứ nhất, đây là quy hoạch tổng thể phát triển đầu tiên của thủ đô Hà Nội trên bình diện mới, sau khi được điều chỉnh địa giới hành chính.

Thứ hai, đây là quy hoạch có những nội dung hết sức quan trọng, bao gồm quan điểm, mục tiêu (cả mục tiêu tổng quát, mục tiêu chủ yếu), định hướng phát triển các ngành, các lĩnh vực, phương hướng tổ chức không gian, trọng tâm, danh mục các chương trình, dự án ưu tiên… Đặc biệt là một số giải pháp chủ yếu như huy động các nguồn vốn đầu tư, các cơ chế chính sách đào tạo nhân lực, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, mở rộng hợp tác, phối hợp với các bộ ngành Trung ương, đẩy mạnh cải cách hành chính nâng cao hiệu lực hiệu quả bộ máy quản lý và một số giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch khác.

Có thể nói đây là những tiền đề quan trọng, những cơ sở cả khoa học và thực tiễn để tới đây Hà Nội phát huy hiệu quả hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của mình, từ đó phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, phấn đấu với mục tiêu hoàn thành công nghiệp hóa-hiện đại hóa trước 1-2 năm so với cả nước. Vì vậy, quy hoạch này đối với Thủ đô có ý nghĩa cực kỳ to lớn.

Trong quy hoạch này cũng xác định mục tiêu, quan điểm quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô phải gắn với chiến lược phát triển của đất nước, gắn với quy hoạch phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, bảo đảm sự thống nhất trong chiến lược phát triển chung để xây dựng và phát triển thủ đô Hà Nội là động lực phát triển cho đất nước. Cho nên quy hoạch này có ý nghĩa vô cùng to lớn không chỉ đối với riêng Thủ đô mà còn đối với cả nước.

– Xin ông cho biết có những giải pháp nào để thực hiện hiệu quả quy hoạch này?

– Ông Nguyễn Thế Thảo: Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch này, công việc đầu tiên của thành phố là tiến hành công bố, quán triệt tới các cấp, các ngành, đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến, tạo sự thống nhất trong nhận thức, đồng thuận trong thực hiện.

Tiếp theo, trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt này, thành phố đang tiếp tục chỉ đạo rà soát lại hoặc xây dựng mới các quy hoạch chuyên ngành của các lĩnh vực; các quy hoạch tổng thể phát triển của các quận, huyện, thị xã để bảo đảm tính thống nhất.

Riêng về Quy hoạch chung xây dựng đô thị Hà Nội thì tới đây sẽ được Thủ tướng phê duyệt. Từ đó, thành phố sẽ tiếp tục triển khai đẩy mạnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch chung các quận, huyện, thị xã; thiết kế các không gian đô thị để làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng phát triển đô thị và nông thôn trong thời gian tới; phấn đầu làm sao để xây dựng đô thị Hà Nội xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, tiên tiến và giàu bản sắc dân tộc.

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể, thành phố sẽ lập kế hoạch trung hạn, dài hạn, ngắn hạn, đồng thời căn cứ vào nội dung quy hoạch để nghiên cứu trình Hội đồng Nhân dân thành phố ban hành một số cơ chế chính sách huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để triển khai từng công việc.

Trước mắt, thành phố phấn đấu hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 và chuẩn bị Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, mà trọng tâm là cùng cả nước tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11 của Chính phủ.

– Bên cạnh sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền thành phố trong việc triển khai quy hoạch, cần có sự vào cuộc của các cơ quan Trung ương cũng như địa phương trong cả nước. Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?

– Ông Nguyễn Thế Thảo: Hà Nội là Thủ đô, bộ mặt quốc gia, trái tim của cả nước. Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển vừa qua, Thủ đô luôn luôn nhận được sự quan tâm của Trung ương, của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, sự quan tâm hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương trong cả nước, sự hợp tác của bạn bè quốc tế.

Để quy hoạch này được triển khai hiệu quả trong thời gian tới, Hà Nội rất mong muốn nhận được sự lãnh đạo của Trung ương, sự hỗ trợ, phối hợp của các bộ, ngành, địa phương trong cả nước.

Chúng tôi mong muốn tới đây, các bộ, ngành giúp Hà Nội lập các quy hoạch chuyên ngành cho phù hợp với Thủ đô đồng thời phù hợp với mục tiêu chung của đất nước, nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, đáp ứng được yêu cầu phát triển hiện nay của Thủ đô; chú trọng đến các chương trình, dự án của các bộ, ngành ở Thủ đô; hỗ trợ cho thành phố thu hút được các nguồn lực nhằm khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng thế mạnh của mình.

Đối với các tỉnh, thành bạn trong cả nước, nhất là trong vùng đồng bằng sông Hồng tiếp tục phối hợp với Hà Nội xây dựng quy hoạch vùng, nhất là trong việc rà soát, sắp xếp, lựa chọn, phối hợp, hợp tác đầu tư để cùng phát triển.

Về phần mình, Đảng bộ, chính quyền Thủ đô sẽ tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, sự phối hợp của các bộ ngành, sự hợp tác của các địa phương và dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Hà Nội sẽ tập trung triển khai có hiệu quả quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

– Chân thành cảm ơn ông!

Theo TTXVN/Vietnam