Tư vấn luật giao thông đường bộ – Giao thông Việt Nam

972

Em đang có những băn khoăn muốn hỏi Ban tư vấn luật trực tuyến giao thông Việt Nam như  sau:

Người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Campuchia, được nước Campuchia cấp Giấy phép lái xe thi giấy phép lái xe đó có sử dụng được trên lãnh thổ Việt Nam mình k?

Em hỏi điều này vì em có đọc qua Hiệp định Vận tải đường bộ được Việt Nam và Campuchia ky kết thi GPLX của hai bên ký kết dung được 1 trong hai bên quoc gia ký kết.

Nhưng theo em được biết thi Việt Nam quy định phải đổi GPLX do Việt Nam cấp đối với người nước ngoài. Băn khoăn quá……

Nếu k cần đổi GPLX mà vẫn sử dụng được thì tiện hơn.

Còn việc Việt Nam chuẩn bi cấp bằng lái xe Quốc tế mà sử dụng được trên 70 quốc gia thi tai sao bằng quốc tế của nước khác lại không được công nhận trên lãnh thổ Việt Nam mà phải đổi sang GPLX do Việt Nam cấp?

Em cám ơn ban Tư vấn luật giao thông đường bộ.

Tư vấn luật – Công ty Luật Dragon giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ.

Căn cứ Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT ngày 07/11/2012 của Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ có quy định:

Khoản 5 Điều 49. Sử dụng và quản lý giấy phép lái xe

“5. Người nước ngoài hoặc người Việt Nam cư trú ở nước ngoài có giấy phép lái xe nước ngoài, nếu có nhu cầu lái xe ở Việt Nam phải làm thủ tục đổi sang giấy phép lái xe tương ứng của Việt Nam. Trường hợp điều ước quốc tế về giấy phép lái xe mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.”

Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Thông tư 48/2014/TT-BGTVT sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT ngày 07/11/2012

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT ngày 07 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 49 như sau:

“5. Người nước ngoài hoặc người Việt Nam cư trú ở nước ngoài có nhu cầu lái xe ở Việt Nam thực hiện như sau:

a) Nếu có giấy phép lái xe quốc gia phải làm thủ tục đổi sang giấy phép lái xe tương ứng của Việt Nam;

b) Nếu có giấy phép lái xe quốc tế do cơ quan có thẩm quyền của các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp, còn thời hạn sử dụng thì được lái loại xe quy định đã ghi trong giấy phép lái xe mà không phải đổi sang giấy phép lái xe Việt Nam;

Nội dung giấy phép lái xe quốc tế theo quy định tại Phụ lục 32 của Thông tư này;

c) Trường hợp điều ước quốc tế về giấy phép lái xe mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.”

Khoản 5 Điều 53. Đổi giấy phép lái xe (Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT ngày 07/11/2012)

5. Đối tượng được đổi giấy phép lái xe:

“…e) Người nước ngoài cư trú, làm việc, học tập tại Việt Nam với thời gian từ 03 tháng trở lên, có giấy phép lái xe quốc gia còn thời hạn sử dụng, nếu có nhu cầu lái xe ở Việt Nam được xét đổi sang giấy phép lái xe tương ứng của Việt Nam;

g) Khách, du lịch nước ngoài lái xe đăng ký nước ngoài vào Việt Nam, có giấy phép lái xe quốc gia còn thời hạn sử dụng, nếu có nhu cầu lái xe ở Việt Nam được xét đổi sang giấy phép lái xe tương ứng của Việt Nam;

h) Người Việt Nam (mang quốc tịch Việt Nam) trong thời gian cư trú, học tập, làm việc ở nước ngoài được nước ngoài cấp giấy phép lái xe quốc gia, còn thời hạn sử dụng, nếu có nhu cầu lái xe ở Việt Nam được xét đổi sang giấy phép lái xe tương ứng của Việt Nam.”

Khoản 6 Điều 53 Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT có quy định các trường hợp không đổi giấy phép lái xe

6. Không đổi giấy phép lái xe đối với các trường hợp sau:

“a) Giấy phép lái xe tạm thời của nước ngoài; giấy phép lái xe quốc tế; giấy phép lái xe của nước ngoài, quân sự, công an quá thời hạn sử dụng theo quy định; có biểu hiện tẩy xóa, rách nát không còn đủ các yếu tố cần thiết để đổi giấy phép lái xe hoặc có sự khác biệt về nhận dạng; giấy phép lái xe nước ngoài có dấu hiệu không do cơ quan có thẩm quyền cấp mà không được xác minh;

b) Giấy phép lái xe do ngành giao thông vận tải cấp nhưng không có trong bảng kê danh sách cấp giấp phép lái xe (sổ quản lý);

c) Quyết định ra quân tính đến ngày làm thủ tục đổi quá thời hạn 06 tháng đối với giấy phép lái xe quân sự do Bộ Quốc phòng cấp.”

Khoản 7 Điều 53 Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT có quy định thời hạn sử dụng và hạng xe được phép điều khiển:

7. Thời hạn sử dụng và hạng xe được phép điều khiển:

“a) Thời hạn sử dụng giấy phép lái xe Việt Nam đổi cho người nước ngoài phù hợp với thời hạn ghi trong thị thực nhập cảnh hoặc thẻ tạm trú, phù hợp với thời hạn sử dụng giấy phép lái xe nước ngoài nhưng không vượt quá thời hạn quy định của giấy phép lái xe Việt Nam;

b) Thời hạn sử dụng giấy phép lái xe Việt Nam đổi cho khách du lịch nước ngoài lái xe đăng ký nước ngoài vào Việt Nam phù hợp với thời gian du lịch ở Việt Nam (từ khi nhập cảnh đến khi xuất cảnh) nhưng không vượt quá thời hạn quy định của giấy phép lái xe Việt Nam;

Đối với khách du lịch nước ngoài lái xe vào Việt Nam chưa có điều kiện xuất trình hộ chiếu và giấy phép lái xe nước ngoài, khi đổi giấy phép lái xe có thể căn cứ vào danh sách xuất nhập cảnh của Bộ Công an và bản dịch giấy phép lái xe (kèm theo bản sao chụp giấy phép lái xe nước ngoài), làm sẵn giấy phép lái xe cho số người đăng ký. Giấy phép lái xe chỉ được cấp cho những người thực sự vào Việt Nam sau khi đối chiếu giấy phép lái xe nước ngoài và hộ chiếu;

c) Giấy phép lái xe quốc gia cấp cho người đổi được điều khiển nhiều hạng xe khác nhau được đổi sang giấy phép lái xe để điều khiển các hạng xe tương ứng của Việt Nam;

d) Giấy phép lái xe quân sự có hiệu lực được phép lái nhiều hạng xe khác nhau được đổi sang giấy phép lái xe ngành giao thông vận tải có hiệu lực lái các hạng xe tương ứng.”

Khoản 8 Điều 53 Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT có quy định thời gian đổi giấy phép lái xe

8. Thời gian đổi giấy phép lái xe:

“a) Đối với giấy phép lái xe đang trực tiếp quản lý hoặc giấy phép lái xe của nước ngoài: Không quá 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định;

b) Đối với giấy phép lái xe không trực tiếp quản lý: Không quá 25 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định.

Khi đổi giấy phép lái xe, cơ quan cấp giấy phép lái xe cắt góc giấy phép lái xe cũ (trừ giấy phép lái xe do nước ngoài cấp).

Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 1 Thông tư 48/2014/TT-BGTVT

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT ngày 07 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ

4. Sửa đổi khoản 8 Điều 53 như sau:

“8. Thời gian đổi giấy phép lái xe

a) Không quá 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định;

b) Khi đổi giấy phép lái xe, cơ quan cấp giấy phép lái xe cắt góc giấy phép lái xe cũ (trừ giấy phép lái xe do nước ngoài cấp).”

II. Ý KIẾN TƯ VẤN LUẬT GIAO THÔNG.

Như vậy theo quy định hiện hành, thì giấy phép lái xe ô tô do nước ngoài cấp hiện chưa được sử dụng để lái xe ở Việt Nam. Tuy nhiên, người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã được cấp giấy phép lái xe của nước ngoài và còn giá trị sử dụng thì được làm thủ tục để cấp đổi lấy giấy phép lái xe của Việt Nam mà không cần phải thi sát hạch lại.

Đồng thời các quy định cũng có nêu rõ nếu có Giấy phép lái xe quốc tế do cơ quan có thẩm quyền của các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp, còn thời hạn sử dụng thì được lái loại xe quy định đã ghi trong giấy phép lái xe mà không phải đổi sang giấy phép lái xe Việt Nam.

Trên đây là ý kiến tư vấn của Công ty Luật Dragon để phục vụ Quý khách vào mục đích tham khảo.

Trân trọng!

CÔNG TY LUẬT DRAGON