Văn hoá giao thông Việt Nam – bài toán khó giải

1199

Người ta tranh nhau vào rạp xem phim, tranh nhau ra cáp treo khu du lịch, tranh nhau vào bơm xăng trước, tranh nhau vào ATM rút tiền trước, tranh nhau vào thang máy, và tất nhiên là tranh nhau chen lên phía trước khi tham giao thông. (Thành Nam)

Nói về văn hoá giao thông khi xảy ra tắc đường, nếu kể ra chắc phải vài trang giấy.

Tuy nhiên nhìn nhận sâu xa thì nó xuất phát từ cả những nguyên nhân quy hoạch đô thị, đường xá cộng với ý thức người tham gia giao thông. Nói về quy hoạch đô thị, cơ sở hạ tầng đường xá của Việt Nam thì chắc không phải bàn bạc, chỉ phải nói một từ là quá yếu kém. Xây dựng và phát triển hạ tầng không mang tính lâu dài, chiến lược. Do vậy bây giờ muốn nâng cấp, phát triển lên thì rất tốn kém lãng phí. (Chuyện này đã được đề cập trong các bài viết nói về những con đường đắt nhất thế giới thuộc về Việt nam, do chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn). Có lẽ nên tư nhân hoá những tuyến đường (theo kinh nghiệm và cách làm của nhiều nước) thì may ra hệ thống đường xá của Việt Nam mới có thể cải thiện phần nào. Vì thực tế ngân sách nhà nước không thể cáng được khoản kinh phí khổng lồ này.

Vấn đề thứ hai, mọi người thường đề cập đến chuyện ý thức người tham gia giao thông, đặc biệt trong những tình huống tắc đường.

Theo tôi, việc ý thức người tham gia giao thông kém có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Tại sao mọi người không đặt câu hỏi là người tham gia giao thông trong những tình huống tắc đường lại không nhường nhịn, tuân thủ theo đúng làn đường của mình đi? Phần nhiều đó là do tâm lý ức chế của người tham gia giao thông khi phải gặp trong các trường hợp đó (đường thì xấu, chật chội, người thì đông đúc, nhiều khói bụi, ô nhiễm lại cộng thêm những ứng xử khó coi của đám đông tham gia giao thông..), thử hỏi việc kiên nhẫn, nhường nhịn sẽ duy trì được bao lâu.

Người ta có thể chờ đợi vài giây, vài phút để tránh đường, chứ chờ đợi hàng giờ đồng hồ thì bắt đầu thấy khó chịu, bực mình. Thời gian đối với nhiều người không phải là vàng, nhưng cũng không phải là để đứng giữa đường, hít khói bụi, ồn ào.

Còn nói về văn hoá nhường nhịn thì phải nói ở Việt Nam gần như không có. Đừng đổ tại do dân số đông. Tôi đã từng ở Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất nhì thế giới, dân trí có lẽ cũng không cao hơn dân Việt Nam ta. Có lẽ chính vì dân số đông mà người ta luôn phải xếp hàng, mọi chỗ mọi nơi. Xếp hàng vào thang máy, xếp hàng lấy đồ ăn trong quán, xếp hàng chơi trò chơi, lên tàu điện…Tại sao họ xây dựng được ý thức như vậy? Xin thưa là các chế tài ở Ấn Độ rất nghiêm, họ phạt rất nặng với những hành vi vi phạm pháp luật.

Chính vì các chế tài đã hình thành và áp dụng từ lâu nên đã hình thành trong ý thức của từng con người, họ ý thức là không nên vi phạm luật, thậm chí khi không có cả lực lượng giám sát, bảo vệ, công an…

Còn ở Việt Nam? Người ta tranh nhau vào rạp xem phim, tranh nhau ra cáp treo khu du lịch, tranh nhau vào bơm xăng trước, tranh nhau vào ATM rút tiền trước, tranh nhau vào thang máy, và tất nhiên là tranh nhau chen lên phía trước khi tham giao thông. Ai tỏ ra anh hùng, có ý thức nhường nhịn có khi lại bị chửi, bị mắng. “Đi đi, đứng làm gì thế!”,”Đi đi thằng kia” , “Chen lên đê!”, “Cắt mặt nó luôn đi”… đó là những cụm từ thường thấy khi tham gia giao thông ở Việt nam….

Ngày ngày vẫn phải đi, vẫn phải chứng kiến, vẫn phải cam chịu, vẫn phải bực dọc, mệt mỏi….. Phải chăng niềm vui, niềm hạnh phúc đang bị lấy đi từng ngày, từng ngày ?!?!?!?!?!

GIAO THÔNG VIỆT NAM