Việc chấp hành hệ thống tín hiệu giao thông đường sắt được thực hiện theo những quy tắc nào?

3616

Khoản 1 Điều 63 Luật đường sắt năm 2005 quy định hệ thống tín hiệu giao thông đường sắt bao gồm hiệu lệnh của người tham gia điều khiển chạy tàu, tín hiệu đèn màu, tín hiệu cánh, biển báo hiệu, pháo hiệu phòng vệ, đuốc và tín hiệu của tàu. Biểu thị của tín hiệu là mệnh lệnh và điều kiện chạy tàu, dồn tàu. Trong đó:

– Hiệu lệnh của người tham gia điều khiển chạy tàu gồm cờ, còi, điện thoại, đèn và tín hiệu tay.

– Tín hiệu đèn màu là tín hiệu để báo cho lái tàu điều khiển tàu ra, vào ga, thông qua ga, dừng tàu.

– Tín hiệu cánh là tín hiệu để báo cho lái tàu điều khiển tàu ra, vào ga, thông qua ga, dừng ở những nơi chưa có tín hiệu đèn màu.

– Biển báo hiệu gồm hai nhóm sau đây:

   + Biển báo để cung cấp những thông tin cần biết cho lái tàu;

   + Biển hiệu, mốc hiệu để bắt buộc lái tàu phải chấp hành.

– Pháo hiệu phòng vệ, đuốc, đèn đỏ, vật cầm trên tay quay tròn để báo hiệu dừng tàu khẩn cấp.

– Tín hiệu của tàu gồm đèn, còi, biển báo ở đuôi tàu và cờ.

          Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể về tín hiệu giao thông đường sắt.

          Việc chấp hành hệ thống tín hiệu giao thông đường sắt được thực hiện theo những quy tắc sau: (Điều 72 Luật đường sắt năm 2005)

– Người trực tiếp tham gia chạy tàu phải chấp hành tín hiệu giao thông đường sắt.

– Lái tàu phải chấp hành tín hiệu an toàn nhất cho người và phương tiện khi cùng một lúc nhận được nhiều tín hiệu khác nhau hoặc tín hiệu không rõ ràng; trường hợp có tín hiệu của người điều khiển trực tiếp thì phải tuân theo tín hiệu của người điều khiển đó.

– Trường hợp tàu điện bánh sắt tham gia giao thông đường bộ thì lái tàu phải tuân theo tín hiệu giao thông đường bộ.