Xe máy đâm vào ôtô đỗ bên đường – ai sai?

1510

Xe máy tránh xe tải đâm vào xe SUV đỗ ở đường cấm dừng đỗ, hai xe đều bị hư hỏng, theo luật xe nào sai. (Thế Dũng)

Tại hiện trường, chiếc xe máy của nam thanh niên giao hàng bị vỡ nát toàn bộ phần yếm trước. Hàng hóa trên chiếc xe máy đổ xuống mặt đường. Trong khi đó, chiếc Lexus LX570 bị vỡ và trầy xước sơn khá nặng ở góc đuôi xe bên trái.

Hiện trường sau vụ va chạm giao thông.

Theo nhân chứng tại hiện trường, trước khi vụ tai nạn xảy ra, nam thanh niên đi xe máy chở hàng vì tránh xe tải nên mới đâm vào chiếc SUV. Chưa rõ người đi xe máy và chủ nhân của chiếc SUV hạng sang này đã thỏa thuận với nhau như thế nào sau vụ tai nạn, nhưng xin hỏi, trường hợp này theo luật xử lý thế nào là đúng.

Xe máy đâm vào xe ô tô đang đỗ, việc xác định cách xử lí thiệt hại còn phụ thuộc vào việc xe máy và ô tô có thực hiện đúng luật giao thông đường bộ hay không.

Xe máy đâm vào ô tô đang đỗ, xe nào sai? Đây đúng là một tình huống khá trớ trêu mà không hẳn ai cũng biết cách xử lý. Chúng tôi xin cung cấp hai trường hợp trong tình huống này để độc giả tham khảo.

Trường hợp 1: Ô tô đỗ đúng nơi quy định

Trong trường hợp ô tô đúng nơi quy định và xe máy đâm vào ô tô, Điều 584 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Như vậy, trong tình huống này, hiển nhiên người đi xe máy có trách nhiệm phải bồi thường cho chủ xe ô tô theo quy định. Tuy nhiên, để tránh trường hợp bị “ăn vạ”, chủ xe máy cần xác định mức bồi thường cụ thể để chi trả. Cụ thể, Điều 589 của Bộ Luật Dân sự 2015 quy định mức bồi thường thiệt hại đối với người có trách nhiệm bồi thường như sau:

Điều 589. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:

1. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.

2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.

3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

4. Thiệt hại khác do luật quy định.

Như vậy, chủ xe máy chỉ cần bồi thường phần thiệt hại đã làm và có quyền yêu cầu chủ xe ô tô cung cấp hóa đơn, chứng từ về chi phí sửa chữa, khắc phục.

Trường hợp 2: Ô tô đỗ không đúng nơi quy định

Trong trường hợp ô tô đỗ sai quy định và xe máy đâm vào xe ô tô thì lỗi này được xác định do cả hai bên. Khi ô tô đỗ sai quy định vô tình dẫn đến việc xe máy đâm vào ô tô gây thiệt hại, Khoản 2 Điều 584 và Khoản 3 Điều 585 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Bộ Luật Dân sự 2015 quy định như sau:

Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Điều 585: Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

Như vậy, trong trường hợp này, người đi xe máy không có trách nhiệm phải bồi thường cho chủ xe ô tô vì chủ xe ô tô đỗ xe sai quy định dẫn đến sự việc không đáng có.

Đối với chủ xe ô tô đỗ xe sai quy định sẽ bị xử phạt căn cứ theo Điều 5 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Cụ thể như sau:

Điều 5. Xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

–  Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng

+ Khi dừng xe, đỗ xe không có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;

+ Khi đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy không đặt ngay báo hiệu nguy hiểm theo quy định.

– Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng

+ Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường rộng; dừng xe, đỗ xe không sát mép đường phía bên phải theo chiều đi ở nơi đường có lề đường hẹp hoặc không có lề đường; dừng xe, đỗ xe ngược với chiều lưu thông của làn đường; dừng xe, đỗ xe trên dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy; đỗ xe trên dốc không chèn bánh; mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn;

+ Dừng xe không sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố quá 0,25 m; dừng xe trên đường xe điện, đường dành riêng cho xe buýt; dừng xe trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước; rời vị trí lái, tắt máy khi dừng xe; dừng xe, đỗ xe không đúng vị trí quy định ở những đoạn có bố trí nơi dừng xe, đỗ xe; dừng xe, đỗ xe trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; dừng xe nơi có biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”.

–  Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng

+ Không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; dừng xe, đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 49 Nghị định này;

+ Dừng xe, đỗ xe tại vị trí: nơi đường bộ giao nhau hoặc trong phạm vi 05 m tính từ mép đường giao nhau; điểm dừng đón, trả khách của xe buýt; trước cổng hoặc trong phạm vi 05 m hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức có bố trí đường cho xe ô tô ra vào; nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe; che khuất biển báo hiệu đường bộ; nơi mở dải phân cách giữa;

+ Đỗ xe không sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố quá 0,25 m; đỗ xe trên đường xe điện, đường dành riêng cho xe buýt; đỗ xe trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước; đỗ, để xe ở hè phố trái quy định của pháp luật; đỗ xe nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”.

 Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng

+ Dừng xe, đỗ xe tại vị trí: Bên trái đường một chiều hoặc bên trái (theo hướng lưu thông) của đường đôi; trên đoạn đường cong hoặc gần đầu dốc nơi tầm nhìn bị che khuất; trên cầu, gầm cầu vượt, song song với một xe khác đang dừng, đỗ.

+ Dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông;

+ Lùi xe, quay đầu xe trong hầm đường bộ; dừng xe, đỗ xe, vượt xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định.

– Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng: Dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; không có báo hiệu để người lái xe khác biết khi buộc phải dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; quay đầu xe trên đường cao tốc;

– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng: Không chú ý quan sát, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông; dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe, lùi xe, tránh xe, vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông; không đi đúng phần đường, làn đường, không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông hoặc đi vào đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” gây tai nạn giao thông.