Cầu Vĩnh Tuy: Thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô

1198
Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy và tuyến đường hai đầu cầu (giai đoạn I) là một trong những dự án giao thông trọng điểm của Thủ đô. Sau một năm thông xe đưa vào khai thác, cây cầu này đã mang lại hiệu quả KT-XH to lớn, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông đô thị Hà Nội.

Việc tổ chức khánh thành và đưa giai đoạn I của dự án vào sử dụng có ý nghĩa quan trọng trong dịp thành phố (TP) tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và chào mừng Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XV, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Cây cầu của sức mạnh nội lực


Cầu vượt QL5 – dự án cầu Vĩnh Tuy đã cơ bản hoàn thành. Ảnh: Anh Tôn – TTXVN

Những ngày này, Ban QLDA Hạ tầng Tả ngạn (chủ đầu tư) và các nhà thầu đang khẩn trương hoàn tất những công đoạn cuối cùng như dọn dẹp vệ sinh công trường, sơn kẻ, lắp đặt biển báo giao thông… trước khi bàn giao cho TP tổ chức lễ gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Trao đổi với PV Báo Hànộimới, ông Đặng Vũ Nhật Thăng, Giám đốc Ban QLDA Hạ tầng Tả ngạn không giấu nổi niềm tự hào về cầu Vĩnh Tuy, cây cầu được “phong” một loạt kỷ lục của ngành cầu đường Việt Nam. Đó là công trình lớn nhất, dài nhất từ trước tới nay (5,8km), kết cấu chuỗi nhịp chính vượt sông lớn nhất, 8 nhịp liên tục đúc hẫng dài 990m, chiều dài cầu chính và cầu dẫn bằng bê tông và bê tông cốt thép dự ứng lực dài nhất (3,7km)… Ngoài ra, có một điểm khác biệt nữa so với những cây cầu lớn khác ở chỗ cầu Vĩnh Tuy là sản phẩm nội hoàn toàn. Đây là công trình lớn đầu tiên do TP Hà Nội tự thực hiện, quản lý thi công. CBCNV các đơn vị mạnh của ngành GTVT thiết kế, giám sát và xây dựng như, Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế GTVT, Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông (Cienco) 1, Cienco4, Cienco8, Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng đô thị – UDIC… Việc hoàn thành cây cầu này chính là khẳng định thế và lực của Thủ đô. Từ thành công của dự án, TP Hà Nội đủ tự tin để triển khai những công trình cầu đường lớn khác trên địa bàn bằng nội lực.

Ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc điều hành gói thầu S16 (nhà thầu Cienco1 thực hiện) cho biết, gói thầu này gồm nút giao vượt quốc lộ 5, đường trong nút và đường hai đầu cầu vượt, được coi là một trong những gói thầu phức tạp nhất của toàn dự án. Nhà thầu vừa thi công vừa phải bảo đảm giao thông cho tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng hoạt động bình thường, bảo đảm tiêu thoát nước khu vực, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) có nhiều khó khăn phát sinh do phải di chuyển các công trình ngầm, nổi không có trong thiết kế… nên đến ngày 17-9 vừa qua mới có thể hoàn thành thảm bê tông những mét cuối cùng của hạng mục đường dẫn phía Bắc lên cầu.

Hiệu quả to lớn

Trong dịp thông xe đưa một phần dự án vào khai thác cách đây tròn 1 năm (ngày 25-9-2009), sau khi biểu dương sự nỗ lực của chủ đầu tư, các nhà thầu, tư vấn thiết kế, giám sát đã góp phần xây dựng nên một cây cầu quy mô lớn, xứng đáng với tầm vóc và vị thế của Thủ đô, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ cảm ơn hàng ngàn người dân đã vì sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước mà phải di dời đến tái định cư tại nơi ở mới. Để thực hiện dự án, đã có 1.568 hộ dân và 13 cơ quan thuộc hai quận Long Biên và Hai Bà Trưng phải GPMB.

Nhiều người dân trong diện di dời GPMB bày tỏ: Ban đầu, cứ nghĩ tới chuyện phải chia tay mảnh đất đã nhiều thế hệ sinh sống để tới nơi ở mới, bà con cũng có nhiều tâm trạng. Nhưng được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, các gia đình động viên nhau vì quyền lợi chung của TP nên đã sớm bàn giao mặt bằng. Bây giờ, sinh hoạt ở nơi mới đã “quen hơi bén tiếng”, thấy đường và cầu đẹp, đi lại thuận tiện nên bà con rất phấn khởi.

Như đánh giá của UBND TP Hà Nội và Sở GTVT, từ khi thông xe đưa dự án vào khai thác đến nay, trung bình mỗi ngày đêm có khoảng 34.000 lượt xe qua lại. Tuy nhiên, lưu lượng xe có thể thống kê nhưng hiệu quả KT-XH của dự án thật khó đo đếm được. Ngoài nhiệm vụ giảm tải cho cầu Chương Dương, Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy còn góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH giữa Hà Nội với các tỉnh miền Duyên hải và Đồng bằng sông Hồng…

Ngay trong thời điểm giai đoạn I của dự án sắp hoàn thành, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3322/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn II. Với tổng mức đầu tư dự kiến 2.008 tỷ đồng, dự án sẽ xây dựng hoàn thiện cầu theo quy hoạch; tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bờ sông Hồng phục vụ nhu cầu phát triển KT-XH của TP. Trong giai đoạn II, Hà Nội sẽ hoàn thiện nửa mặt cắt cầu còn lại theo quy hoạch với tổng chiều dài 3,5km. Dự kiến, giai đoạn II sẽ được khởi công vào tháng 8-2011 và hoàn thành trong năm 2014. Sau khi hoàn thành giai đoạn II, cầu Vĩnh Tuy sẽ khớp nối với đường Vành đai 2 theo quy hoạch, tạo nên một tuyến giao thông huyết mạch hiện đại của Thủ đô.