Điều kiện sử dụng xe ô tô tham gia giao thông?

2079

Ông Đ là chủ một doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo nhỏ. Do làm ăn có lãi nên ông Đ mua một chiếc xe ô tô để tiện việc đi lại và phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Để ông Đ có thể sử dụng chiếc xe ô tô này tham gia giao thông thì chiếc xe phải đáp ứng các điều kiện nào?

Đối với xe ô tô ngoài việc phải bảo đảm đúng kiểu loại được phép tham gia giao thông còn phải bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định tại Khoản 1 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ cụ thể là:

– Có đủ hệ thống hãm có hiệu lực;

– Có hệ thống chuyển hướng có hiệu lực;

– Tay lái của xe ô tô ở bên trái của xe; trường hợp xe ô tô của người nước ngoài đăng ký tại nước ngoài có tay lái ở bên phải tham gia giao thông tại Việt Nam thì phải đáp ứng các điều kiện sau để được tham gia giao thông tại Việt Nam (Điều 3 Nghị định số 80/2009/NĐ-CP ngày 01/10/2009 của Chính phủ quy định xe ô tô của người nước ngoài đăng ký tại nước ngoài có tay lái ở bên phải tham gia giao thông tại Việt Nam):

+ Phải là xe ô tô chở người;

+ Xe ô tô phải thuộc quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài, đã được đăng ký và gắn biển số nước ngoài;

+ Xe ô tô phải có Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đăng ký xe cấp và còn hiệu lực.

+ Người lái xe phải là người có quốc tịch của quốc gia thực hiện quy tắc giao thông đi bên trái và vượt xe về bên phải, có Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe điều khiển.

+ Có văn bản chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải cho phép xe ô tô được phép tham gia giao thông.

– Có đủ đèn chiếu sáng gần và xa, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu;

– Có bánh lốp đúng kích cỡ và đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại xe;

– Có đủ gương chiếu hậu và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển;

– Kính chắn gió, kính cửa là loại kính an toàn;

– Có còi với âm lượng đúng quy chuẩn kỹ thuật;

– Có đủ bộ phận giảm thanh, giảm khói và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm khí thải, tiếng ồn theo quy chuẩn môi trường;

– Các kết cấu phải đủ độ bền và bảo đảm tính năng vận hành ổn định.

Ngoài các điều kiện trên, xe ô tô muốn tham gia giao thông thì phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Theo đó, xe cơ giới có nguồn gốc hợp pháp, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của Luật giao thông đường bộ năm 2008 thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký và biển số.

Điều 55 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định về việc bảo đảm quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ như sau:

1. Việc sản xuất, lắp ráp, cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng và nhập khẩu xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ phải tuân theo quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Không được cải tạo các xe ô tô khác thành xe ô tô chở khách.

2. Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

3. Xe ô tô và rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô tham gia giao thông đường bộ phải được kiểm tra định kỳ về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (sau đây gọi là kiểm định).

4. Người đứng đầu cơ sở đăng kiểm và người trực tiếp thực hiện việc kiểm định phải chịu trách nhiệm về việc xác nhận kết quả kiểm định.

5. Chủ phương tiện, người lái xe ô tô chịu trách nhiệm duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật của phương tiện theo tiêu chuẩn quy định khi tham gia giao thông đường bộ giữa hai kỳ kiểm định.

6. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định điều kiện, tiêu chuẩn và cấp giấy phép cho cơ sở đăng kiểm xe cơ giới; quy định và tổ chức thực hiện kiểm định xe cơ giới. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định và tổ chức kiểm định xe cơ giới của quân đội, công an sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh.”

Cuối cùng, xe ô tô muốn tham gia giao thông phải còn niên hạn sử dụng. Niên hạn sử dung ô tô được quy định tại Điều 4 Nghị định 95/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009 của Chính phủ quy định niên hạn sử dụng đối với xe ô tô chở hàng và xe ô tô chở người, cụ thể như sau:

“1. Không quá 25 năm đối với xe ô tô chở hàng.

2. Không quá 20 năm đối với xe ô tô chở người.

3. Không quá 17 năm đối với xe ô tô chuyển đổi công năng từ các loại xe khác thành xe ô tô chở người trước ngày 01 tháng 01 năm 2002.”

Thời điểm tính niên hạn sử dụng được tính bắt đầu từ năm sản xuất xe. Một số trường hợp đặc biệt khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép, niên hạn sử dụng được tính từ năm đăng ký xe ô tô lần đầu.