CHÍNH PHỦ
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện việc bắt giữ tàu biển theo quyết định của tòa án để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thi hành án dân sự, theo ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài và quyết định thả tàu biển đang bị bắt giữ; việc xử lý tàu biển trong trường hợp chủ tàu bỏ tàu và bán đấu giá tàu biển đang bị bắt giữ và các vấn đề khác có liên quan.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến tàu biển bị bắt giữ tại Việt Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Bắt giữ tàu biển là việc không cho phép tàu biển di chuyển hoặc hạn chế di chuyển tàu biển bằng quyết định của Tòa án có thẩm quyền để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, theo yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự hoặc theo ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài;
2. Thả tàu biển là việc cho phép tàu biển di chuyển khi thời hạn bắt giữ tàu biển đã hết, quyết định bắt giữ tàu biển bị hủy, hoặc có quyết định của Tòa án về việc thả tàu biển đang bị bắt giữ;
3. Quyết định bắt giữ tàu biển là quyết định của Tòa án có thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, theo yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự hoặc theo ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài;
4. Quyết định thả tàu biển là quyết định của Tòa án có thẩm quyền thả tàu biển đang bị bắt giữ;
5. Cảng vụ là Cảng vụ hàng hải hoặc Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực, nơi tàu biển đang hoạt động hàng hải bị yêu cầu bắt giữ;
6. Bán đấu giá tàu biển đang bị bắt giữ theo bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền là việc bán tàu biển bằng hình thức đấu giá;
7. Truy đuổi là việc sử dụng lực lượng có chức năng, nghiệp vụ phù hợp để đuổi bắt tàu biển có quyết định bắt giữ của tòa án nhưng không chấp hành quyết định bắt giữ, tự ý rời cảng hoặc tàu biển đã rời cảng trước thời điểm có quyết định bắt giữ của Tòa án, trước thời điểm Giám đốc Cảng vụ nhận được quyết định bắt giữ tàu biển của Tòa án.
Chương 2.
THỰC HIỆN VIỆC BẮT GIỮ TÀU BIỂN, THẢ TÀU BIỂN ĐANG BỊ BẮT GIỮ
MỤC 1. THẨM QUYỀN THỰC HIỆN BẮT GIỮ TÀU BIỂN, THẢ TÀU BIỂN ĐANG BỊ BẮT GIỮ
Điều 4. Trách nhiệm và quyền hạn của Giám đốc Cảng vụ
1. Giám đốc Cảng vụ thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển, quyết định thả tàu biển đang bị bắt giữ theo quy định của Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan. Giám đốc Cảng vụ có thể ủy quyền cho cấp phó hoặc trưởng, phó đại diện Cảng vụ thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển, quyết định thả tàu biển đang bị bắt giữ. Việc ủy quyền phải được thực hiện bằng văn bản.
2. Khi thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển, quyết định thả tàu biển đang bị bắt giữ, Giám đốc Cảng vụ có trách nhiệm và quyền hạn sau đây:
a) Chủ trì, điều hành việc phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước liên quan thực hiện việc bắt giữ tàu biển, thả tàu biển đang bị bắt giữ theo quyết định của Tòa án;
b) Chỉ định vị trí neo đậu và đưa ra các yêu cầu hạn chế hoạt động, di chuyển đối với tàu biển bị bắt giữ; thu hồi giấy phép rời cảng nếu tàu biển đã được cấp giấy phép rời cảng;
c) Phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát giao thông đường thủy và các cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên kiểm tra, giám sát tàu biển trong thời gian tàu biển bị bắt giữ;
d) Quyết định việc truy đuổi tàu biển và yêu cầu lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Cảnh sát giao thông đường thủy thực hiện việc truy đuổi tàu biển có quyết định bắt giữ đã rời cảng hoặc tự ý rời vị trí được chỉ định;
đ) Phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Cảnh sát giao thông đường thủy trong quá trình truy đuổi tàu biển.
3. Giám đốc Cảng vụ có quyền từ chối thực hiện việc bắt giữ tàu biển theo quyết định của Tòa án trong trường hợp tàu biển có quyết định bắt giữ của Tòa án đã rời khỏi khu vực quản lý của Cảng vụ.
Điều 5. Trách nhiệm và quyền hạn của lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Cảnh sát giao thông đường thủy và các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước khác
1. Lực lượng Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát giao thông đường thủy khu vực có trách nhiệm:
a) Tổ chức giám sát tàu biển trong thời gian tàu biển bị bắt giữ tại vị trí neo đậu được chỉ định trong phạm vi hoạt động của mình theo yêu cầu của Giám đốc Cảng vụ;
b) Phát hiện, ngăn ngừa và thông báo kịp thời cho Cảng vụ biết khi tàu tự ý di chuyển hoặc không thực hiện các yêu cầu hạn chế di chuyển trong thời gian tàu biển bị bắt giữ.
2. Lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Cảnh sát giao thông đường thủy khu vực tổ chức truy đuổi tàu biển bị bắt giữ theo quy định tại Điều 9 của Nghị định này theo yêu cầu của Giám đốc Cảng vụ.
3. Các cơ quan quản lý nhà nước về hàng hải, an ninh, kiểm dịch, hải quan, thuế, văn hóa – thông tin, phòng chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường, tổ chức hoa tiêu và các cơ quan, tổ chức liên quan khác có trách nhiệm phối hợp thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển, thả tàu biển đang bị bắt giữ khi có yêu cầu của Giám đốc Cảng vụ và chịu sự điều hành trong việc phối hợp thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển, thả tàu biển đang bị bắt giữ của Giám đốc Cảng vụ.
Điều 6. Trách nhiệm của Thuyền trưởng tàu biển bị bắt giữ hoặc được thả
1. Chấp hành quyết định bắt giữ tàu biển, quyết định thả tàu biển đang bị bắt giữ của tòa án.
2. Ngay sau khi nhận được quyết định bắt giữ tàu biển, quyết định thả tàu biển đang bị bắt giữ, Thuyền trưởng thông báo cho chủ tàu, người thuê tàu, người khai thác tàu và những người có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan biết về việc tàu biển bị bắt giữ hoặc được thả.
3. Tổ chức duy trì hoạt động của tàu biển, bảo quản tàu biển, tài sản của tàu và hàng hóa chở trên tàu theo quy định của pháp luật.
4. Thực hiện các yêu cầu của Cảng vụ về hạn chế hoạt động, di chuyển của tàu trong thời gian tàu biển bị bắt giữ.
MỤC 2. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH BẮT GIỮ TÀU BIỂN
Điều 7. Trình tự, thủ tục thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển
1, Ngay sau khi nhận được quyết định bắt giữ tàu biển của Tòa án, Giám đốc Cảng vụ ra thông báo thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển và phân công một cán bộ Cảng vụ thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển của Tòa án. Nội dung thông báo thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Ngay sau khi được phân công, cán bộ Cảng vụ phải lên tàu công bố và giao quyết định bắt giữ tàu biển, thông báo thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển cho Thuyền trưởng để thi hành. Trường hợp Thuyền trưởng vắng mặt trên tàu thì giao cho Đại phó hoặc Sỹ quan trực ca boong. Trường hợp không có người ký nhận việc giao quyết định bắt giữ tàu biển thì cán bộ Cảng vụ lập biên bản có chữ ký của người làm chứng (nếu có) và dán quyết định của Tòa án, thông báo thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển tại hành lang boong chính khu vực lối lên của tàu.
3. Cán bộ Cảng vụ có trách nhiệm thực hiện việc thu hồi giấy phép rời cảng nếu tàu biển đã được cấp giấy phép rời cảng.
4. Việc công bố, giao, nhận quyết định bắt giữ tàu biển, thông báo thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển và thu hồi giấy phép rời cảng (nếu có) phải được lập thành biên bản theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.
5. Trường hợp bất khả kháng, cán bộ Cảng vụ không thể lên tàu để thực hiện các công việc quy định tại khoản 2 Điều này, Cảng vụ phải thông báo ngay bằng các phương thức phù hợp cho Tòa án, Thuyền trưởng hoặc chủ tàu, đại lý của chủ tàu và các cơ quan, tổ chức liên quan tại cảng biết; đồng thời áp dụng ngay các biện pháp thích hợp nhằm kịp thời thông báo và giao quyết định bắt giữ tàu biển.
6. Ngay sau khi kết thúc việc thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển, Giám đốc Cảng vụ có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho tòa án, Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tại cảng biết về việc thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển.
Điều 8. Trường hợp tàu biển rời cảng khi có quyết định bắt giữ
1. Trường hợp Cảng vụ nhận quyết định bắt giữ tàu biển sau khi tàu rời bến cảng, vùng neo đậu thì Cảng vụ phải liên lạc ngay với Thuyền trưởng hoặc chủ tàu, đại lý của chủ tàu thông báo về quyết định bắt giữ tàu biển của Tòa án để yêu cầu Thuyền trưởng cho tàu neo đậu tại vị trí do Cảng vụ chỉ định để thi hành quyết định bắt giữ tàu biển.
2. Trường hợp không liên lạc được với Thuyền trưởng, chủ tàu, đại lý của chủ tàu hoặc Thuyền trưởng không cho tàu neo đậu tại vị trí do Cảng vụ chỉ định hoặc tự ý cho tàu rời vị trí neo đậu sau khi đã nhận được quyết định bắt giữ tàu biển thì Cảng vụ yêu cầu lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Cảnh sát giao thông đường thủy thực hiện truy đuổi tàu biển có quyết định bắt giữ.
Điều 9. Phối hợp thực hiện truy đuổi tàu biển có quyết định bắt giữ của Tòa án
1. Trường hợp phải thực hiện truy đuổi tàu biển có quyết định bắt giữ của tòa án, căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế, vị trí tàu biển đang hoạt động và phạm vi hoạt động của các lực lượng thực hiện truy đuổi, Giám đốc Cảng vụ yêu cầu Vùng Cảnh sát biển hoặc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát giao thông đường thủy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi tàu đang hoạt động chủ trì hoặc phối hợp truy đuổi. Việc yêu cầu truy đuổi tàu biển phải được thực hiện bằng văn bản.
2. Văn bản yêu cầu truy đuổi tàu biển được gửi hỏa tốc qua đường công văn, fax hoặc thông qua phương tiện điện tử khác. Nội dung văn bản phải nêu rõ tên tàu, quốc tịch tàu, số IMO, cảng đăng ký, đặc điểm nhận dạng của tàu; số quyết định, ngày tháng năm ký quyết định bắt giữ tàu biển, Tòa án ra quyết định và lý do bắt giữ, thời gian rời cảng, vị trí, hướng đi dự kiến và cảng đến của tàu biển (nếu có).
3. Ngay sau khi nhận được văn bản yêu cầu truy đuổi của Giám đốc Cảng vụ, Thủ trưởng lực lượng Vùng Cảnh sát biển hoặc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát giao thông đường thủy được yêu cầu chủ trì truy đuổi, điều động lực lượng và phương tiện chuyên dùng thuộc quyền tổ chức truy đuổi tàu biển có quyết định bắt giữ của Tòa án, đồng thời thông báo cho Cảng vụ biết. Trường hợp không thể tổ chức truy đuổi, phải nêu rõ lý do. Khi thực hiện truy đuổi, lực lượng chủ trì việc truy đuổi có quyền yêu cầu các lực lượng khác phối hợp truy đuổi nếu thấy cần thiết.
4. Trong quá trình truy đuổi, lực lượng truy đuổi phải thường xuyên liên lạc và thông báo tình hình cho Cảng vụ biết để phối hợp thực hiện truy đuổi tàu biển có quyết định bắt giữ của Tòa án.
5. Sau khi hoàn thành việc truy đuổi, lực lượng truy đuổi có trách nhiệm áp giải tàu đến vị trí neo đậu được chỉ định, bàn giao cho lực lượng giám sát tàu biển bị bắt giữ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của Nghị định này và thông báo cho Cảng vụ để thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển của Tòa án theo quy định.
6. Trường hợp không liên lạc được với tàu hoặc việc truy đuổi không thể thực hiện được hay truy đuổi không thành công, Giám đốc Cảng vụ phải thông báo ngay bằng văn bản và thông qua phương tiện điện tử cho Tòa án và các cơ quan có liên quan biết. Nội dung thông báo phải nêu rõ thời gian tàu rời bến cảng và cảng đến dự kiến, các biện pháp liên lạc, truy đuổi tàu mà Cảng vụ và các cơ quan, tổ chức áp dụng.
7. Cảng vụ chủ trì, phối hợp với Vùng Cảnh sát biển, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát giao thông đường thủy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quy chế phối hợp thực hiện truy đuổi tàu biển có quyết định bắt giữ của Tòa án trong khu vực quản lý của Cảng vụ.
Điều 10. Chi phí thực hiện bắt giữ tàu biển
1. Chi phí thực hiện bắt giữ tàu biển bao gồm chi phí thực hiện việc bắt giữ tàu biển theo quyết định của Tòa án, chi phí giám sát tàu biển trong thời gian bị bắt giữ và chi phí truy đuổi tàu biển (nếu có).
2. Chi phí thực hiện bắt giữ tàu biển được thanh toán theo nguyên tắc sau đây:
a) Chủ tàu có trách nhiệm thanh toán nếu yêu cầu bắt giữ tàu biển là đúng;
b) Người yêu cầu bắt giữ tàu biển có trách nhiệm thanh toán nếu yêu cầu bắt giữ tàu biển là không đúng;
c) Thanh toán từ tiền bán đấu giá tàu biển trong trường hợp chủ tàu bỏ tàu;
d) Ngân sách nhà nước thanh toán trong các trường hợp sau đây:
– Các trường hợp truy đuổi tàu biển mà không truy đuổi được và yêu cầu bắt giữ tàu biển là đúng;
– Các trường hợp đặc biệt khác do Bộ Giao thông vận tải quyết định.
Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết việc bảo đảm chi phí thực hiện bắt giữ tàu biển từ ngân sách nhà nước quy định tại điểm d khoản này.
Điều 11. Chi phí duy trì hoạt động của tàu biển trong thời gian bị bắt giữ
1. Chủ tàu, người khai thác tàu có trách nhiệm cung cấp kinh phí bảo đảm duy trì hoạt động của tàu biển bị bắt giữ.
2. Trường hợp chủ tàu, người khai thác tàu không cung cấp hoặc không còn khả năng cung cấp kinh phí duy trì hoạt động của tàu biển, Thuyền trưởng, đại lý của chủ tàu có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết bảo đảm duy trì hoạt động của tàu biển bị bắt giữ.
3. Trường hợp các tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không còn khả năng cung cấp tài chính duy trì hoạt động của tàu, Cảng vụ thực hiện việc bắt giữ tàu biển có trách nhiệm cung cấp tài chính bảo đảm duy trì hoạt động cần thiết của tàu biển.
4. Mọi chi phí liên quan đến việc duy trì hoạt động của tàu biển trong thời gian bị bắt giữ được chi trả theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quyết định của Tòa án. Chi phí này được thanh toán theo nguyên tắc sau đây:
a) Chủ tàu có trách nhiệm thanh toán nếu yêu cầu bắt giữ tàu biển là đúng;
b) Người yêu cầu bắt giữ tàu biển có trách nhiệm thanh toán nếu yêu cầu bắt giữ tàu biển là không đúng;
c) Thanh toán từ tiền bán đấu giá tàu biển trong trường hợp chủ tàu bỏ tàu;
d) Ngân sách nhà nước thanh toán trong các trường hợp khác; Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải quy định và hướng dẫn chi tiết việc bảo đảm chi phí cần thiết duy trì hoạt động an toàn của tàu biển trong các trường hợp được ngân sách nhà nước thanh toán.
MỤC 3. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THỰC HIỆN VIỆC THẢ TÀU BIỂN ĐANG BỊ BẮT GIỮ
Điều 12. Trình tự, thủ tục thực hiện quyết định thả tàu biển theo quyết định của tòa án
1. Ngay sau khi nhận được quyết định thả tàu biển đang bị bắt giữ của tòa án, Giám đốc Cảng vụ ra thông báo thực hiện quyết định thả tàu biển và phân công một cán bộ Cảng vụ thực hiện quyết định thả tàu biển của tòa án. Nội dung thông báo thực hiện quyết định thả tàu biển đang bị bắt giữ theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Ngay sau khi được phân công, cán bộ Cảng vụ phải lên tàu công bố và giao quyết định thả tàu biển đang bị bắt giữ, thông báo thực hiện quyết định thả tàu biển cho Thuyền trưởng để thi hành. Trường hợp Thuyền trưởng vắng mặt trên tàu thì giao cho Đại phó hoặc Sỹ quan trực ca boong. Trường hợp không có người ký nhận việc giao quyết định thả tàu biển đang bị bắt giữ thì cán bộ Cảng vụ lập biên bản có chữ ký của người làm chứng (nếu có) và dán quyết định của Tòa án, thông báo thực hiện quyết định thả tàu biển tại hành lang boong chính khu vực lối lên của tàu.
3. Việc công bố và giao, nhận quyết định thả tàu biển đang bị bắt giữ, thông báo thực hiện quyết định thả tàu biển đang bị bắt giữ được lập thành biên bản theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.
4. Trường hợp bất khả kháng, cán bộ Cảng vụ không thể lên tàu để giao quyết định thả tàu biển quy định tại khoản 2 Điều này, Cảng vụ phải thông báo ngay bằng các phương thức phù hợp cho Tòa án, Thuyền trưởng hoặc chủ tàu, người khai thác tàu, đại lý của chủ tàu và các cơ quan, tổ chức liên quan tại cảng biết; đồng thời tìm biện pháp để thực hiện ngay khi có thể.
5. Ngay sau khi kết thúc việc thực hiện quyết định thả tàu biển đang bị bắt giữ, Giám đốc Cảng vụ có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho tòa án, Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tại cảng biết về việc thực hiện quyết định thả tàu biển đang bị bắt giữ. Đồng thời, Giám đốc Cảng vụ có trách nhiệm cấp giấy phép rời cảng cho tàu biển quy định của pháp luật.
Điều 13. Trình tự, thủ tục thực hiện việc thả tàu biển khi quyết định bắt giữ tàu của tòa án bị hủy
Trình tự, thủ tục thực hiện việc thả tàu biển khi quyết định bắt giữ tàu của Tòa án bị hủy được thực hiện như quy định nêu tại Điều 12 của Nghị định này.
Điều 14. Trình tự, thủ tục thực hiện việc thả tàu biển khi thời hạn bắt giữ tàu biển theo quy định bắt giữ của tòa án đã hết
Ngay sau khi thời hạn bắt giữ tàu biển theo quyết định của Tòa án đã hết, nếu không nhận được yêu cầu, quyết định bằng văn bản của Tòa án về việc tiếp tục bắt giữ tàu biển, Giám đốc Cảng vụ có trách nhiệm cấp giấy phép rời cảng cho tàu biển theo quy định của pháp luật, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Tòa án, Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tại cảng biết về việc cấp giấy phép rời cảng cho tàu biển.
Chương 3.
XỬ LÝ TÀU BIỂN TRONG TRƯỜNG HỢP CHỦ TÀU BỎ TÀU VÀ BÁN ĐẤU GIÁ TÀU BIỂN
Điều 15. Chủ tàu bỏ tàu biển đang bị bắt giữ
Tàu biển đang bị bắt giữ được coi là bị chủ tàu bỏ tàu trong các trường hợp sau đây:
1. Chủ tàu tuyên bố bằng văn bản việc từ bỏ tàu biển đang bị bắt giữ mà không chuyển quyền và nghĩa vụ liên quan đến tàu biển đó cho tổ chức bảo hiểm hợp pháp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác. Văn bản tuyên bố bỏ tàu của chủ tàu phải được gửi cho Tòa án ra quyết định bắt giữ tàu biển và Cảng vụ thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển;
2. Chủ tàu tự bỏ tàu trong thực tế và sau 30 ngày kể từ ngày Cảng vụ có văn bản gửi chủ tàu và thông báo ba lần liên tiếp trên phương tiện thông tin đại chúng trung ương và địa phương về trách nhiệm của chủ tàu đối với tàu đang bị bắt giữ mà chủ tàu không liên lạc với cơ quan ra thông báo.
Điều 16. Chủ tàu bỏ tàu bị bắt giữ theo quyết định bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải
Việc xử lý đối với trường hợp chủ tàu bỏ tàu biển đang bị bắt giữ theo quyết định của Tòa án để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải được thực hiện như sau:
1. Trường hợp người yêu cầu bắt giữ tàu biển khởi kiện vụ án tại Tòa án để giải quyết tranh chấp và Tòa án thụ lý thì việc xử lý tàu biển do Tòa án quyết định căn cứ bản án, quyết định của Tòa án;
2. Trường hợp người yêu cầu bắt giữ tàu biển không khởi kiện ra Tòa án hoặc khởi kiện nhưng bị Tòa án bác đơn yêu cầu thì tàu biển đó được bán đấu giá để sung vào ngân sách nhà nước.
Điều 17. Chủ tàu bỏ tàu bị bắt giữ theo quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bắt giữ tàu biển
Trường hợp chủ tàu bỏ tàu biển bị bắt giữ theo quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, việc xử lý tàu biển do Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bắt giữ tàu biển đó quyết định thông qua bản án, quyết định của Tòa án.
Điều 18. Chủ tàu bỏ tàu bị bắt giữ theo quyết định bắt giữ tàu biển để thi hành án
Trường hợp chủ tàu bỏ tàu biển bị bắt giữ để thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm bán đấu giá tàu biển theo bản án, quyết định của Tòa án để thực hiện thi hành án. Trường hợp nghĩa vụ thi hành án là việc phải trả lại tàu biển đó cho người được thi hành án thì cơ quan thi hành án tổ chức giao cho tàu biển đó cho người được thi hành án.
Điều 19. Chủ tàu bỏ tàu bị bắt giữ bởi quyết định bắt giữ tàu biển theo ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài
Việc xử lý đối với trường hợp chủ tàu bỏ tàu biển đang bị bắt giữ bởi quyết định bắt giữ tàu biển theo ủy thác của Tòa án nước ngoài được thực hiện như sau:
1. Tòa án ra quyết định bắt giữ tàu biển theo ủy thác tư pháp căn cứ bản án, quyết định, yêu cầu của Tòa án nước ngoài đã ủy thác bắt giữ tàu biển để xử lý tàu biển bị bắt giữ;
2. Trường hợp quá thời hạn bắt giữ mà không có yêu cầu của Tòa án nước ngoài đã ủy thác tư pháp thì tàu biển đó được đem bán đấu giá để sung vào ngân sách nhà nước.
Điều 20. Bán đấu giá tàu biển đang bị bắt giữ
1. Việc bán đấu giá tàu biển đang bị bắt giữ thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án.
2. Trình tự, thủ tục bán đấu giá tàu biển đang bị bắt giữ thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.
Điều 21. Nguyên tắc chi trả phí, lệ phí, chi phí thực hiện bắt giữ tàu biển và các khoản nợ từ tiền bán đấu giá tàu biển
Tiền thu được từ bán đấu giá tàu biển được chi trả cho các loại phí, lệ phí, chi phí thực hiện bắt giữ tàu biển và các khoản nợ theo thứ tự ưu tiên sau:
1. Phí, lệ phí thi hành án, chi phí thực hiện bắt giữ tàu biển và chi phí bán đấu giá tàu biển, chi phí duy trì hoạt động của tàu trong thời gian bị bắt giữ;
2. Tiền cấp dưỡng, tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động; tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần của thuyền viên làm việc trên tàu;
3. Án phí, lệ phí tòa án;
4. Các loại phí, lệ phí hàng hải;
5. Các khoản nợ khác theo bản án, quyết định của Tòa án.
Việc chi trả các khoản phí, lệ phí và các khoản nợ quy định tại Điều này phải được thực hiện trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày thu được tiền bán đấu giá tàu biển.
Chương 4.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 22. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09 tháng 7 năm 2010.
Điều 23. Tổ chức thực hiện
1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Nơi nhận: – Ban Bí thư Trung ương Đảng; – Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; – Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; – VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng; – HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW; – Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; – Văn phòng Chủ tịch nước; – Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; – Văn phòng Quốc hội; – Tòa án nhân dân tối cao; – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; – Kiểm toán Nhà nước; – Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; – Ngân hàng Chính sách Xã hội; – Ngân hàng Phát triển Việt Nam; – UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; – Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; – VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; – Lưu: Văn thư, NC (5b). |
TM. CHÍNH PHỦ THỦ TƯỚNG Nguyễn Tấn Dũng |
PHỤ LỤC I
ANNEX I
(Ban hành kèm theo Nghị định số 57/2010/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ)
(As promulgated together with Decree No 57/2010/NĐ-CP date 25/5/2010 by the Government)
*CỤC HÀNG HẢI VIỆT NAM VIETNAM MARITIME ADMINISTRATION CẢNG VỤ HÀNG HẢI ……….. MA OF ——- |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc Independence – Freedom – Happiness ————– |
Số: /CVHH ……- TB No: |
…………., ngày tháng năm 20 dated month year |
THÔNG BÁO
FORMAL NOTICE
Thực hiện quyết định bắt giữ
The Implementation the Decisions on Arrest of Ship
Cảng vụ hàng hải ……………………………………………………………. thông báo:
The Maritime Administration of announces that:
Tàu: …………………………….. Quốc tịch: ……………………… Số IMO: ………………………….
Ship Nationality IMO No
Chủ tàu: …………………………….. Quốc tịch: ……………………… Địa chỉ: ……………………
Shipowner Nationality Registered Address
Đã bị bắt giữ theo Quyết định số: ………….. ngày …./……./…….. của Tòa án nhân dân …………
Is arrested pursuant to Decision No dated of the People’s Court of
Trong thời gian bị bắt giữ, yêu cầu tàu …………………thực hiện các quy định sau:
During the arrest period, the ship is requested to carry out her duties as follows:
……………………………………………………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………………………………………………………
Thuyền trưởng và các bên liên quan có trách nhiệm thực hiện theo Quyết định trên của Tòa án và Thông báo này.
The Master and all parties concerned are responsible for implementing these Court’s Decision and Formal Notice.
Nơi nhận: To: – Cục HHVN (để b/c); Vietnam Maritime Administration; (for reporting) – Tòa án ND …………… (để th/b); People Court of (for notification) – Các CQ Quản lý nhà nước tại cảng (để ph/h); State administrations at port; (for co-ordination) – Cảnh sát biển Việt Nam (để ph/h); Vietnam Marine Police; (for co-ordination) – Thuyền trưởng, đại lý tàu … (để th/h); Master, Agent of (for implementing) – Cơ quan thi hành án (trường hợp tàu biển bị bắt giữ để thi hành án) Law Enforcement Body (in case ship is arrested for the Court proceedings) Lưu: Văn thư Filed |
GIÁM ĐỐC DIRECTOR (Ký tên, đóng dấu) (Signed, sealed) |