Phân làn giao thông Hà nội bỏ ngỏ thời hạn

959

Ngày 29/3, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã phát đi thông báo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo tại cuộc họp về các giải pháp giảm ùn tắc giao thông.Theo đó, ông Thảo yêu cầu tiếp tục duy trì phân làn, phân luồng phương tiện trên 5 tuyến phố và triển khai trên một số tuyến khác có đủ điều kiện, kể cả dùng dải phân cách cưỡng bức.

Từ sơn kẻ vạch đến đổ bê tông

Sau 3 lần phân làn thất bại, ngày 20/9/2011, Hà Nội đã tổ chức phân làn lần thứ 4 trên các tuyến phố Trần Khát Chân – Đại Cồ Việt, Giải Phóng, phố Huế – Hàng Bài, Bà Triệu, Kim Liên – Xã Đàn. Sau một tháng phân làn, Sở GTVT Hà Nội thống kê được hàng trăm vụ cột biển báo phân làn bị đâm hỏng, hàng chục vụ thanh tra giao thông tham gia hướng dẫn phân làn bị thương tích.

Hai tháng sau, Chủ tịch UBND thành phố thừa nhận: “Trong thực hiện còn có mặt hạn chế cần khắc phục như hạ tầng còn thiếu đồng bộ, ý thức chấp hành luật của một bộ phận công dân khi tham gia giao thông còn kém, công tác chỉ đạo còn thiếu quyết liệt…”. Ba tháng sau, vào đúng dịp cận Tết, khi mọi người đều mải miết lo cho gia đình một cái Tết ấm cúng, Sở Giao Thông Vận Tải lặng lẽ “bê tông hóa” các vạch sơn phân làn. Những ngày cuối tháng 3/2012, trên 2 tuyến phố đã được phân làn là Phố Huế – Hàng Bài và Bà Triệu, việc “bê tông hóa” tiếp tục diễn ra, những dải phân cách bằng bê tông tiếp tục được dựng lên và nối dài thêm.Từ việc dựng biển báo, sơn kẻ đường và có lực lượng hướng dẫn người tham gia giao thông đi đúng làn đường, ngành giao thông Hà Nội đã đổi “chiến thuật”, xây dải phân cách bê tông phân làn (theo cách gọi của lãnh đạo thành phố đó là dải phân cách cưỡng bức), không có lực lượng hướng dẫn và để người dân tự do đi lại. “Chiến thuật” mới trên cũng làm lợi cho ngành giao thông khi số vụ đâm đổ cột biển báo giảm rõ rệt. Nhưng với người tham gia giao thông, nếu đâm vào dải phân cách này thì thương tích chắc chắn sẽ trầm trọng hơn khi va vào cột biển báo phân làn.

Tiếp tục mở rộng phân làn

Ngay từ khi bắt đầu tổ chức phân làn lần thứ 4, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đã khẳng định rằng đây là “làm thật” chứ không phải thí điểm và sau khi thực hiện tại 5 tuyến phố sẽ rút kinh nghiệm để thực hiện phân làn trên nhiều tuyến phố khác.

Quan điểm này có vẻ là “thật” khi đầu tháng 12/2011, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu Sở GTVT và Công an thành phố khẩn trương tổ chức phân làn, phân luồng giao thông theo phương tiện thêm 8 tuyến đường phố (Nguyễn Trãi – Trần Phú – Quang Trung; Yên Phụ -Trần Quang Khải – Trần Nhật Duật – Đê 401; Tuyến Kim Mã, đoạn Từ Voi Phục đến bến xe Kim Mã; Trần Duy Hưng – Nguyền Chí Thanh – Liễu Giai; Lê Văn Lương- Nguyễn Văn Linh, đoạn từ nút giao QL5 – Nguyễn Văn Cừ đến cầu Vĩnh Tuy; Bắc Thăng Long – Nội Bài; Hoàng Quốc Việt).

Cũng trong tháng 12/2011, kế hoạch phân làn tại 3 trong số 8 tuyến phố trên (3 tuyến phố Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Trãi – Trần Phú và tuyến Yên Phụ – Trần Nhật Duật – Trần Quang Khải – Trần Khánh Dư) đã được Sở GTVT trình lên thành phố và được UBND thành phố chấp thuận. Tuy nhiên, 4 tháng trôi qua, việc phân làn tại các tuyến phố trên vẫn không được thực hiện. Tại cuộc họp toàn TP Hà Nội cuối tháng 3 vừa qua, khi nói về các giải pháp tổ chức giao thông trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khôi nêu: “Tiếp tục mở rộng thực hiện phân làn giao thông trên các tuyến phố có đủ điều kiện…”.

Chưa có một cơ quan, tổ chức nào đứng ra nghiên cứu đánh giá một cách khoa học và toàn diện về phương án tổ chức phân làn của Hà Nội. Còn thực tế tại các tuyến phố đã phân làn cho thấy, giải pháp trên không mang lại hiệu quả như mong muốn, việc tổ chức phân làn các tuyến phố tiếp theo dường như đang đi vào ngõ cụt, còn người dân vẫn phải đối mặt với hiểm họa… cột phân làn.

Theo báo gd&xh

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DRAGON

Luật sư  Nguyễn Minh Long