Thông tư số 124/2005/NĐ-CP ngày 06/10/2005 quy định về biên lai thu tiền phạt và quản lý, sử dụng tiền nộp phạt vi phạm hành chính

1239

BỘ TÀI CHÍNH

******

Số: 47/2006/TT-BTC

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

******

Hà Nội, ngày 31 tháng 5 năm 2006

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 124/2005/NĐ-CP NGÀY 06/10/2005 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ BIÊN LAI THU TIỀN PHẠT VÀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TIỀN NỘP PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 124/2005/NĐ-CP ngày 06 tháng năm 2005 của Chính phủ quy định về biên lai thu tiền phạt và quản lý, sử dụng tiền nộp phạt vi phạm hành chính.
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính hướng dẫn về biên lại thu tiền phạt và quản lý, sử dụng tiền nộp phạt vi phạm hành chính như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này hướng dẫn việc quản lý, sử dụng biên lai thu tiền phạt và việc thu, nộp, quản lý, sử dụng tiền phạt vi phạm hành chính.

2. Nguyên tắc quản lý, sử dụng biên lai thu tiền phạt và tiền nộp phạt vi phạm hành chính.

a) Biên lai thu tiền phạt vi phạm hành chính phải theo đúng mẫu quy định và phải được quản lý, sử dụng theo quy định của Nghị định số 124/2005/NĐ-CP ngày 06/10/2005 của Chính phủ quy định về biên lai thu tiền phạt và quản lý, sử dụng tiền nộp phạt vi phạm hành chính.

b) Tiền nộp phạt vi phạm hành chính phải nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước qua tài khoản tạm thu, tạm giữ do cơ quan tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước; phải được quản lý, sử dụng theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và hướng dẫn tại Thông tư này.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

A. VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG BIÊN LAI THU TIỀN PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

1. Biên lai thu tiền phạt vi phạm hành chính được quản lý, sử dụng theo quy định về Chế độ in, phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế ban hành kèm theo Quyết định số 30/2001/QĐ-BTC ngày 13/4/2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành chế độ in, phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế và quy định tại Thông tư này.

Biên lai thu tiền phạt vi phạm hành chính phải theo đúng mẫu, được đóng thành quyển, có ký hiệu, số thứ tự, trước khi sử dụng phải đóng dấu của cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thu ở phía trên bên trái chứng từ thu và phải sử dụng theo đúng quy định đối với từng loại biên lai.

2. Biên lai thu tiền phạt vi phạm hành chính gồm hai loại:

a) Biên lai thu tiền phạt in sẵn mệnh giá: mẫu biên lai quy định tại Quyết định số 122/2002/QĐ-BTC ngày 30/9/2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành mẫu Biên lai thu tiền phạt vi phạm hành chính; Quyết định số 58/2003/QĐ-BTC ngày 16 tháng 4 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành biên lai thu tiền phạt vi phạm hành chính.

b) Biên lai thu tiền phạt không in sẵn mệnh giá: mẫu biên lai quy định tại Thông tư số 56 TTLB/TC-NV ngày 17/7/1995 hướng dẫn việc thu và sử dụng tiền phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị.

3. Khi sử dụng biên lai thu tiền phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền thu tiền phạt, cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thu và cơ quan, tổ chức được ủy quyền thu tiền phạt phải bảo đảm quy định sau:

a) Biên lai thu tiền phạt phải được sử dụng theo số thứ tự từ nhỏ đến lớn và phải dùng hết quyển này mới chuyển sang quyển khác; tờ biên lai phát ra không được nhàu nát, nếu nhàu nát, hư hỏng phải được gạch chéo và lưu tại quyển để quyết toán với cơ quan giao hoặc cấp biên lai.

b) Khi sử dụng biên lai không in sẵn mệnh giá, phải viết trước mặt người nộp tiền, phải viết biên lai một lần để in sang các liên khác, bảo đảm sự khớp đúng về nội dung viết trên các liên.

c) Hàng tháng, hàng quý cơ quan, tổ chức sử dụng biên lai thu tiền phạt báo cáo với cơ quan giao hoặc cấp biên lai về tình hình sử dụng biên lai thu tiền phạt. Hết năm phải thực hiện quyết toán số biên lai đã sử dụng với cơ quan thuế (nếu nhận biên lai tại cơ quan thuế); trường hợp nhận biên lai tại Kho bạc Nhà nước thì quyết toán với Kho bạc Nhà nước để Kho bạc Nhà nước quyết toán với cơ quan thuế; số biên lai còn tồn được chuyển sang năm sau sử dụng tiếp.

d) Ủy ban nhân dân cấp xã khi thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định phải sử dụng biên lai thu tiền phạt, không được sử dụng các loại chứng từ khác để thu tiền phạt đối với các vụ vi phạm hành chính tại địa phương.

4. Đối với những vùng xa xôi, hẻo lánh, trên sông, trên biển, những vùng đi lại gặp khó khăn không tổ chức được điểm thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính, Kho bạc Nhà nước có thể uỷ quyền thực hiện việc thu, nộp tiền phạt cho cơ quan có tư cách pháp nhân khác có khả năng thu và nộp kịp thời tiền phạt vào Kho bạc Nhà nước. Việc ủy quyền thu tiền phạt được lập thành hợp đồng giữa Kho bạc Nhà nước và cơ quan được ủy quyền, trong đó phải nêu cụ thể quyền và trách nhiệm của cán bên, bao gồm cả phí ủy quyền. Kho bạc Nhà nước phải giao biên lai thu tiền phạt cho cơ quan được ủy quyền và có trách nhiệm hướng dẫn cơ quan được ủy quyền sử dụng biên lai theo đúng chế độ quy định.

Cơ quan được ủy quyền thu tiền phạt chỉ được sử dụng biên lai thu tiền phạt theo hợp đồng ủy quyền để thu tiền phạt.

5. Khi thu tiền phạt của cá nhân, tổ chức bị xử phạt, Kho bạc Nhà nước, người có thẩm quyền, người được phép thu tiền phạt tại chỗ và cơ quan được ủy quyền thu tiền phạt phải căn cứ vào số tiền ghi trong quyết định xử phạt để thu và phải cấp biên lai thu tiền phạt hoặc giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước (nếu tổ chức bị xử phạt sử dụng giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước để nộp tiền phạt) theo đúng mẫu quy định cho tổ chức, cá nhân nộp phạt để chứng nhận số tiền đã thu.

6. Tổng cục Thuế chịu trách nhiệm in, cấp phát và hướng dẫn việc quản lý, sử dụng biên lai thu tiền phạt thống nhất trong phạm vi cả nước.

B. VỀ THU, NỘP, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TIỀN PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

1. Thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính:

a) Việc thu tiền phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực.

b) Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải xuất trình quyết định xử phạt của người có thẩm quyền với Kho bạc Nhà nước nơi đến nộp phạt và phải nộp tiền phạt theo đúng số tiền, thời hạn ghi trong quyết định xử phạt.

c) Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm thu tiền phạt theo đúng quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền xử phạt.

d) Người có thẩm quyền thu tiền phạt khi thu tiền phạt tại chỗ trong thời hạn theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 124/2005/NĐ-CP, phải lập bảng kê biên lai thu tiền phạt và nộp toàn bộ số tiền đã thu vào tài khoản tạm thu, tạm giữ của cơ quan tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước. Kho bạc Nhà nước phải rà soát, đối chiếu để bảo đảm khớp đúng giữa tổng số tiền của người có thẩm quyền thu tiền phạt tại chỗ nộp với tổng số tiền tính theo các liên biên lai lưu tại cuốn biên lai đối với loại không in sẵn mệnh giá nộp cùng với bảng kê.

đ) Cơ quan được ủy quyền thu tiền phạt phải thu đúng, thu đủ số tiền phạt ghi trên quyết định xử phạt, định kỳ nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước theo thỏa thuận ghi trong hợp đồng ủy quyền thu tiền phạt vi phạm hành chính ký với Kho bạc Nhà nước ủy quyền.

e) Kho bạc Nhà nước trung ương có trách nhiệm chỉ đạo hệ thống Kho bạc Nhà nước mở các điểm thu tiền phạt tạo thuận tiện cho người nộp phạt, hướng dẫn nghiệp vụ thu, quản lý tiền phạt bảo đảm hạch toán đầy đủ, kịp thời và quản lý chặt chẽ số tiền thu phạt vi phạm hành chính.

2. Quản lý tiền phạt vi phạm hành chính.

a) Cơ quan tài chính (cấp tỉnh, cấp huyện) có trách nhiệm mở tài khoản tạm thu, tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước để quản lý toàn bộ số tiền thu phạt vi phạm hành chính. Tiền thu phạt vi phạm hành chính điều tiết 100% cho ngân sách địa phương. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc điều tiết khoản thu phạt hành chính giữa các cấp ngân sách địa phương.

b) Tiền nộp phạt vi phạm hành chính do người có thẩm quyền xử phạt thuộc cấp huyện, cấp xã ra quyết định xử phạt phải nộp vào tài khoản tạm thu, tạm giữ của cơ quan tài chính cấp huyện mở tại Kho bạc Nhà nước; cơ quan tài chính cấp huyện phải thực hiện theo dõi chi tiết khoản tiền nộp phạt theo từng xã. Tiền nộp phạt vi phạm hành chính do người có thẩm quyền xử phạt ở trung ương và cấp tỉnh ra quyết định xử phạt phải nộp vào tài khoản tạm thu, tạm giữ ghi trên quyết định xử phạt của Sở Tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước. Trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính được chuyển để thi hành theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 thì tiền phạt được nộp vào tài khoản tạm thu, tạm giữ của cơ quan tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước ghi trên quyết định xử phạt.

c) Chậm nhất vào ngày 10 hàng tháng, cơ quan tài chính là chủ tài khoản tạm thu, tạm giữ phối hợp với cơ quan, tổ chức của người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt để rà soát, xác định các trường hợp xử phạt vi phạm hành chính hết thời hạn khiếu nại, tố cáo hoặc khiếu nại, tố cáo đã giải quyết xong để chuyển kịp thời số tiền thu phạt trên tài khoản tạm thu, tạm giữ vào ngân sách địa phương các cấp theo đúng tỷ lệ điều tiết do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Kết thúc năm, chậm nhất vào ngày 31 tháng 01 của năm sau, cơ quan tài chính là chủ tài khoản tạm thu, tạm giữ phối hợp với cơ quan, tổ chức của người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt thực hiện việc tổng rà soát các quyết định xử phạt vi phạm hành chính phát sinh trong năm để bảo đảm toàn bộ số tiền phạt theo các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã hết thời hạn khiếu nại hoặc khiếu nại đã giải quyết xong trên tài khoản tạm thu, tạm giữ phải được chuyển vào ngân sách địa phương các cấp theo đúng tỷ lệ điều tiết do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

3. Sử dụng tiền phạt vi phạm hành chính hỗ trợ kinh phí cho cơ quan, tổ chức xử lý vi phạm hành chính.

a) Đối với các vụ vi phạm hành chính khi xử lý có tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu thì việc hỗ trợ kinh phí cho cơ quan xử lý vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Thông tư số 72/2004/TT-BTC ngày 15/7/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, xử lý tang vật, phương tiện bị tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính và Thông tư số 04/2006/TT-BTC ngày 18/01/2006 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 72/2004/TT-BTC.

b) Đối với các vụ vi phạm hành chính khi xử lý không có tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu thì được sử dụng tiền phạt vi phạm hành chính đã nộp vào ngân sách nhà nước để xem xét, hỗ trợ các chi phí hợp lý, hợp lệ sau:

– Chi phí điều tra, xác minh, bắt giữ gồm: chi thông tin liên lạc cho cán bộ tham gia xử lý; chi giám định, kiểm nghiệm, kiểm định tang vật, phương tiện; chi lưu kho, lưu bãi; chi bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, chi xăng, dầu cho phương tiện kiểm tra, bắt giữ, dẫn giải, bảo vệ đối tượng; chi sửa chữa phương tiện kiểm tra bị hư hỏng khi tiến hành kiểm tra, truy đổi, bắt giữ.

– Chi phí mua tin (nếu có): mức chi mua tin của mỗi vụ việc không quá 10% mức xử phạt và tối đa không quá 5.000.000 đ (năm triệu đồng).

Việc thanh toán chi mua tin phải căn cứ vào phiếu chi với đầy đủ chữ ký của người trực tiếp chi tiền cho người cung cấp tin, của thủ quỹ, kế toán và Thủ trưởng đơn vị trực tiếp điều tra, xử lý vi phạm hành chính. Thủ trưởng đơn vị trực tiếp điều tra, xử lý vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm về sự chính xác, trung thực trong việc thanh toán chi mua tin, đảm bảo chi đúng người, đúng việc và hiệu quả.

– Chi bồi dưỡng làm thêm giờ; chi bồi dưỡng công tác kiêm nhiệm của cá nhân tham gia điều tra, bắt giữ theo quy định hiện hành.

– Chi khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng.

– Các khoản chi khác có liên quan trực tiếp đến việc xử phạt vi phạm hành chính.

c) Thủ tục xem xét, hỗ trợ chi phí hợp lý, hợp lệ quy định tại điểm b khoản 3 nêu trên được thực hiện như sau:

Cơ quan, tổ chức của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính căn cứ vào thực tế chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện xử phạt vi phạm hành chính có văn bản đề nghị cơ quan tài chính chủ tài khoản tạm thu, tạm giữ (hướng dẫn tại điểm b, khoản 2, phần B mục này) xem xét, hỗ trợ kinh phí.

Căn cứ vào văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí, tính chất hợp lý, hợp lệ của các khoản chi phí đề nghị hỗ trợ và các chứng từ có liên quan, cơ quan tài chính có trách nhiệm kiểm tra, xác định số kinh phí hỗ trợ trình Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định trong phạm vi nguồn thu tiền phạt vi phạm hành chính của từng cơ quan, tổ chức đã thực nộp vào ngân sách nhà nước và được điều tiết theo quyết định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tại Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước.

d) Riêng đối với việc thu, nộp và quản lý, sử dụng tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 25/2003/TT-BTC ngày 28/3/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc thu, nộp, quản lý, sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông; Thông tư số 47/2003/TT-BTC ngày 15/5/2003 của Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 25/2003/TT-BTC và Thông tư số 106/2004/TT-BTC ngày 09/11/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc sử dụng kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông do ngân sách trung ương cấp.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Những quy định trước đây về biên lai thu tiền phạt; về thu, nộp và quản lý, sử dụng tiền nộp phạt vi phạm hành chính trái với quy định của Thông tư này đều hết hiệu lực thi hành. Bãi bỏ quy định về biên lai thu tiền phạt, về thu, nộp và quản lý, sử dụng tiền nộp phạt vi phạm hành chính tại các văn bản sau:

– Thông tư số 52 TC/CSTC ngày 12/9/1996 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc thu và sử dụng tiền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính và Thông tư số 63 TC/CSTC ngày 11/9/1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung, sửa đổi một số quy định về việc tổ chức thu và quản lý biên lai thu tiền phạt hành chính của Thông tư số 52 TC/CSTC;

– Thông tư số 09/1998/TT-BTC ngày 20/01/1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng tiền thu từ chống buôn lậu và Thông tư số 47/1998/TT-BTC ngày 09/4/1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung nội dung điểm 3.A muc III của Thông tư số 09/1998/TT-BTC;

– Thông tư số 60/2000/TT-BTC ngày 20/6/2000 của Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục thu, nộp tiền phạt, quản lý và sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải;

– Thông tư số 93/2000/TT-BTC ngày 15/9/2000 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí trong công tác chống hàng giả;

– Thông tư số 08/TTLB ngày 31/01/1996 của liên Bộ Tài chính – Văn hóa thông tin hướng dẫn việc thu và sử dụng tiền phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa;

– Thông tư số 29/TT/LB ngày 07/6/1996 của liên Bộ Tài chính – Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc thu và sử dụng tiền phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính về các tệ nạn xã hội;

– Thông tư liên tịch số 07/1997/TTLT-BTM-BNV-BTC-TCHQ ngày 21/10/1997 của liên Bộ Thương mại – Nội vụ – Tài chính – Tổng cục Hải quan hướng dẫn thực hiện việc chống buôn lậu theo Nghị quyết số 85/CP-M của Chính phủ và tổ chức, phối hợp lực lượng chống buôn lậu;

– Thông tư số 102/1999/TTLT-BTC-BNNPTNT ngày 21/8/1999 của liên Bộ Tài chính – Nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ chống chặt, phá rừng và sản xuất, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái phép;

– Thông tư số 19/2000/TTLT-BTC-BQP ngày 14/3/2000 của liên Bộ Tài chính – Quốc phòng hướng dẫn tổ chức thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền phạt vi phạm hành chính trong vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để phối hợp giải quyết./.

Nơi nhận:
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP (để báo cáo);
– Văn phòng Quốc hội;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Văn phòng Chính phủ;
– Văn phòng TƯ và các Ban của Đảng;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
– Toà án nhân dân tối cao; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Sở Tài chính, cục Thuế, Kho bạc nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính;
– Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
– Công báo;
– Lưu: VT, Vụ Pháp chế.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

Trần Văn Tá