Xe cũ chịu thuế cao hơn xe mới

723

Từ ngày 15-8 tới, các dòng xe hạng sang dung tích xi-lanh lớn đã qua sử dụng sẽ chịu mức thuế nhập khẩu mới theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành.

Người tiêu dùng sẽ phải chi thêm một số tiền lớn khi mua những chiếc xe này.

Gần 1.200 xe biển ngoại giao, sử dụng sai mục đích sẽ nằm trong danh sách bị truy thu thuế

Tăng thuế nhập khẩu
Theo Quyết định số 36 do Thủ tướng vừa ký ban hành, xe cũ nhập khẩu sẽ chịu 2 loại thuế: thuế tuyệt đối và phần trăm kể từ ngày 15-8 tới. Hiện tại, ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu chỉ chịu thuế suất tuyệt đối. Theo đó, các dòng xe có dung tích xi-lanh dưới 1,0 lít và từ 1,0 lít đến dưới 1,5 lít sẽ giữ nguyên cách tính thuế tuyệt đối với các mức lần lượt là 3.500 USD và 8.000 USD/xe. Còn lại, các dòng xe từ 1,5 lít trở lên áp dụng cách tính thuế mới, tăng mạnh so với hiện hành.

Các dòng xe dưới 9 chỗ ngồi dung tích xi lanh từ 1,5 lít đến dưới 2,5 lít chịu thuế suất phần trăm đúng bằng thuế xe mới nguyên chiếc có cùng chủng loại, cộng thêm thuế tuyệt đối tương đương 5.000 USD mỗi xe. Thuế nhập khẩu với xe mới đang giữ ở mức 77-83%. Tương tự, các dòng xe có dung tích xi lanh từ 2,5 lít trở lên sau khi áp thuế theo mức của xe mới nguyên chiếc, cộng thêm thuế tuyệt đối 15.000 USD.

Thủ tướng cho phép Bộ Tài chính được điều chỉnh tăng hoặc giảm các mức thuế trong phạm vi 20%, căn cứ vào tình hình thực tế của thị trường, với điều kiện các mức thuế ban hành này không vượt quá trần theo cam kết với WTO. Trong trường hợp điều chỉnh thuế vượt quá mức 20%, Bộ Tài chính cần báo cáo Thủ tướng quyết định. Ngoài việc tăng thuế, Thủ tướng cũng cho phép Bộ Tài chính nghiên cứu các biện pháp kiểm soát xe nhập khẩu nhằm hạn chế gian lận thương mại, điều tiết tiêu dùng trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc công khai minh bạch.

Lên phương án thu thuế xe biển ngoại giao
Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an; Bộ Công Thương; Bộ GT-VT xin ý kiến về phương án xử lý để trình lên Thủ tướng Chính phủ đối với tình trạng một số cá nhân lợi dụng chính sách ưu đãi thuế để chuyển nhượng, sang tên xe ngoại giao trái quy định.

Theo đó Bộ Tài chính đề xuất, đối tượng thực hiện thủ tục chuyển nhượng, kê khai, nộp thuế là tổ chức, cá nhân đang sử dụng xe nhập khẩu từ năm 1988 tới nay của các đối tượng ngoại giao được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam đã kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam nhưng chưa làm thủ tục chuyển nhượng kê khai nộp thuế sẽ phải tiến hành kê khai và nộp thuế theo đúng quy định. Thời điểm kê khai là trong phạm vi 90 ngày kể từ ngày Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực.

Căn cứ tính thuế là trị giá tính thuế, thuế suất và tỷ giá tại thời điểm kê khai, trong đó không phân biệt xe ô tô nhập khẩu ban đầu là xe mới hay xe đã qua sử dụng, áp dụng theo mức thuế suất của xe ô tô mới tại thời điểm kê khai, tính thuế, nộp thuế; Trị giá tính thuế từ 5-90% được xác định trên cơ sở giá trị sử dụng còn lại của xe ô tô tính từ thời điểm nhập khẩu theo tờ khai nhập khẩu đến thời điểm kê khai tính thuế.

Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Quyết định của Thủ tướng có hiệu lực thi hành, nếu người mua xe đến cơ quan Hải quan làm thủ tục chuyển nhượng, kê khai, nộp thuế thì không bị xử phạt về hành vi sử dụng xe không đúng mục đích. Trường hợp quá 90 ngày mà người mua xe không thực hiện thủ tục chuyển nhượng, kê khai, nộp thuế, các cơ quan chức năng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) tịch thu xe đối với các trường hợp xe ô tô đã tạm nhập khẩu miễn thuế nhưng chuyển nhượng trái quy định.

Theo số liệu mà Tổng cục Hải quan gửi tới Bộ Tài chính, tính từ năm 1988 đến ngày 31-8-2009 đã có 4.366 xe ô tô của một số cơ quan ngoại giao nhập khẩu vào Việt Nam. Trong đó, có 230 xe đã làm thủ tục tái xuất, 1.758 xe đã làm thủ tục chuyển nhượng, tiêu hủy và 2.378 xe chưa làm thủ tục chuyển nhượng, tái xuất, tiêu hủy. Trong số 2.378 xe đó, có 1.158 xe của cơ quan ngoại giao đã hết thời hạn công tác tại Việt Nam.
(Sưu tầm)
Công ty Luật Dragon, Luật sư tư vấn, Luật sư tranh tụng, Luật sư Dragon, Văn bản luật