Hoàng Sa, Trường Sa không có tên trên bản đồ của Trung Quốc năm 1904

1135

Theo cứ liệu lịch sử có từ thời nhà Thanh, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa không hề có tên trên bản đồ của Trung Quốc.

TS Mai Hồng – nguyên Trưởng phòng Tư liệu Thư viện – Viện Hán Nôm người trao lại cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” (Địa dư toàn đồ tới các tỉnh của Trung Quốc được thực hiện dưới thời nhà Thanh) mà ông đã lưu giữ suốt 30 năm qua. Ngày 25/7, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam sẽ tổ chức lễ công bố chính thức tấm bản đồ này.

Bản đồ xuất bản năm 1904 ghi rõ cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam, không hề bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa, cung cấp một số thông tin trong việc tranh biện trên bàn quốc tế.

Đây có thể là một tài liệu hết sức có giá trị để các học giả nghiên cứu về chủ quyền biển đảo trong nước có thể sử dụng. Nhân sự kiện này, Đài TNVN phỏng vấn TS Mai Hồng để hiểu hơn về quá trình lưu giữ và những nghiên cứu của ông về tấm bản đồ này.

Nhà báo Uông Ngọc Dậu: Cơ duyên nào ông có được tấm bản đồ quý giá này?

TS Mai Hồng: Bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” (Địa dư toàn đồ tới các tỉnh của Trung Quốc được thực hiện dưới thời nhà Thanh) tôi có được rất tình cờ. Cuối nhưng năm 70 thế kỷ XX, với trọng trách là Trưởng phòng Tư liệu Thư viện – Viện Hán Nôm, tôi có nhiệm vụ bảo quản, mua sách cổ bổ sung cho kho sách của Viện Hán Nôm.

TS Mai Hồng trong buổi phỏng vấn tại Đài TNVN

Thời điểm đó, nguồn sách cổ chủ yếu thu thập từ các cộng tác viên. Họ đi khắp các làng quê sưu tầm sách cổ Việt Nam, Hán nôm Việt Nam để bán cho Viện. Trong nhưng người thường xuyên bán sách cổ cho Viện có cụ Nguyễn Văn Cầm – người Phú Xuyên. Một hôm cụ đến bảo tôi: “Tôi đi một tuần rồi, không có quyển sách nào cả, có món này, ông có dùng không”.

Tôi mở ra xem thì đấy là một tấm bản đồ của Trung Quốc. Viện Hán Nôm không có chức năng lưu giữ bản đồ, việc mua sách cũng có giá tiền quy định, nhưng nghĩ cụ là cộng tác viên lâu năm, lại mất công lặn lội khắp nơi để tìm sách nên tôi tính toán và bỏ tiền túi ra mua. Cụ bảo tấm bản đồ này bán với giá 80- 90 đồng (mệnh giá tiền thời bấy giờ). Lương tôi lúc đó là 70 đồng, tôi biếu cụ 100 đồng (tương đương gần 1,5 tháng lương). Khi mua tấm bản đồ này xong, tôi cất đi từ đấy cho đến nay.

Nhà báo Uông Ngọc Dậu: Ông bắt đầu nghiên cứu tấm bản đồ này từ khi nào?

TS Mai Hồng: Nhiều tư liệu mà Viện không sử dụng, tôi mua về cất giữ. Gần đây, trong một lần kiểm kê, tôi thấy lại tấm bản đồ. Tình hình Biển Đông những ngày gần đây làm tôi cảm thấy tâm trạng không vui. Tôi gọi học trò đến bảo đem tấm bản đồ đến trao cho bảo tàng nào đấy. Tuy nhiên, học trò khuyên thầy thầy cứ tạm thời giữ lại. Cũng bắt đầu từ tháng 7/2012, tôi bắt đầu nghiên cứu và dịch bài dẫn, ghi chú trên bản đồ.

Nhà báo Uông Ngọc Dậu: Tiến sĩ có thể chia sẻ những đặc trưng của tấm bản đồ này?

TS Mai Hồng: Tấm bản đồ này là một công trình lớn, nghiêm túc, chính thống, khoa học và rất quy cũ được ra đời dưới sự chỉ đạo của vua Khang Hy.

Dòng chữ Hán này đọc từ phải sang có nghĩa: Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ (Ảnh: Tuổi trẻ)

Theo thông tin của tấm bản đồ cho biết, để làm ra tấm bản đồ này, họ phải sưu tập tư liệu từ đời Tần. Nội dung ghi trên tấm bản đồ kể lại câu chuyện của Thừa tướng Tiêu Hà dưới thời Hán Cao Tổ Lưu Bang. Tiêu Hà thu thập tất cả đồ tịch của nhà Tần, nhà Hán có một đại quát nên đồ tịch của Trung Quốc.

Đến năm 1708, vua Khang Hy nhờ 3 người truyền giáo rất giỏi về thiên văn và toán pháp của phương Tây bao gồm quốc tịch Italy, Đức, Bỉ đến Trung Quốc để thu thập tài liệu, định hình bản đồ quốc gia này. 3 người này làm hơn 1 năm thì hoàn thành bản thảo.

Đến năm 1710, vua Khang Hy lại nhờ các giáo sỹ, đi về 13 tỉnh của Trung Quốc để thu thập thêm tài liệu. Sau hơn 1 năm, trong tư liệu của các giáo sỹ thu thập thì Trung Quốc có thêm 2 vùng đất nữa là: Nội Mông và Mãn Châu. Tổng cộng trên bản đồ này, Trung Quốc có tất cả 15 tỉnh.

Như vậy, để định hình nên tấm bản đồ này phải mất gần 200 năm.

Ông Sái Thượng Chất – người chủ biện Đài thiên văn ở Dư Sơn được giao nhiệm vụ đọc duyệt. Ông Sái Thượng Chất khi cầm tấm bản đồ đã phải thốt lên rằng: “Nhìn tấm bản đồ thấy các miền duyên hải, các lưu vực, thấy tàu ra khơi vào cảng rõ mồn một như nhìn vào lòng bàn tay”. Người viết đề dẫn ví vua Khanh Hy là Thành Thang Trụ Hiền – người hiền tài làm ra công trình này.

Cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam. Không hề có Tây Sa và Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa) trong tấm bản đồ quý và chính thống này (Ảnh: Tuổi trẻ)

Theo như bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” thì đảo Hải Nam chính là cực Nam của Trung Quốc. Trong bản đồ này không hề có ghi chú về quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Thú vị hơn họ vẽ bản đồ, và đặt tên Việt Nam là Việt Nam Đông Kinh và vịnh Bắc Bộ là vịnh Đông Kinh. Ngoài ra bản đồ còn có ghi kinh độ, vĩ độ của hai điểm cuối của Trung Quốc.

Rõ ràng, đây là bằng chứng lịch sử, nghiêm túc do vua Khang Hy chỉ đạo, là một tư liệu đồ sộ, mang tính chiều dài lịch sử của Trung Quốc từ đời nhà Tần.

Nhà báo Uông Ngọc Dậu: Thưa Tiến sĩ, đâu là căn cứ khoa học, lịch sử để minh chứng cho chủ quyền biển đảo của nước ta?.

TS Mai Hồng: Đây không phải là bản đồ của tư nhân, của địa phương nào đây mà của hoàng đế cùng với các nhà khoa học phương Tây cùng với quá trình nghiên cứu khảo sát lâu dài làm ra. Đây là bản đồ hiện đại nhất của Trung Quốc được làm ra năm 1904.

Khi tư liệu này được công bố trên phương tiện thông tin đại chúng, bạn bè đã gọi điện cho tôi. Họ hỏi: “Với việc trao tấm bản đồ này, tôi yêu cầu bồi dưỡng bao nhiêu?”.

Tôi không đặt bất cứ điều kiện gì khi trao tấm bản đồ này cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Đối với tôi, Tổ Quốc là trên hết. Đây là một cứ liệu, một sự thật lịch sử không thể chối cãi. Trên cơ sở tư liệu này, cả hai dân tộc hiểu sự thật đó, ứng xử với nhau theo sự thật. Đấy cũng chính là củng cố thêm tình hữu nghị truyền thống lâu dài, cùng hướng tới tương lai của hai dân tộc Việt Nam – Trung Quốc.

Nhà báo Uông Ngọc Dậu: Xin cảm ơn Tiến sĩ!./.

Theo Việt Đức/VOV online (ghi)