Top 7 lỗi hỏng thường gặp nhất trên ô tô và cách khắc phục

3580

Sau một thời gian sử dụng, ô tô không ít thì nhiều cũng dễ mắc những lỗi hỏng hóc. Kịp thời phát hiện sẽ giúp bạn khắc phục nhanh, tránh các hư hại nặng hơn.

Hết điện bình ắc quy

Thông thường, ắc quy có tuổi thọ khoảng từ 3 – 5 năm tùy vào tần suất sử dụng và điều kiện bảo dưỡng. Khi lưu thông xe ở ngoài, dưới tác động nắng nóng của môi trường (đặc biệt là ở Việt Nam), quá trình chuyển hóa và sản sinh năng lượng của ắc quy diễn ra nhanh hơn, cộng với việc lắp thêm các thiết bị điện tử và xe phải di chuyển với cự ly ngắn làm sẽ phải bật tắc liên tục sẽ khiến làm giảm tuổi thọ ắc quy. Dấu hiệu thường thấy khi ắc quy bị hết điện đó là các đèn báo và bảng đồng hồ sẽ không sáng khi bạn vặn chìa khóa khởi động. Ắc quy yếu sẽ khiến bạn khó khởi động được động cơ, khi ấy bạn chỉ có thể nghe được âm thanh “tạch tạch” phát ra từ hệ thống đề.

Cách khắc phục: Đầu tiên, để bắt bệnh này, bạn hãy kiểm tra định kỳ mực nước trong ắc quy để bổ sung kịp thời. Nếu ắc quy cạn nước sẽ khiến cháy bản cực và không thể hồi phục được. Nếu khi đi ô tô, bạn bị hết bình ắc quy, bạn cần có một bộ dây câu và nhờ xe khác hỗ trợ.

Ống dẫn xăng bị rò rỉ

Các đường ống dẫn nhiên liệu từ bình xăng đến kim phun vào buồng đốt được chia thành nhiều đoạn với các chất liệu khác nhau. Do đó, mà việc lỗi rò rỉ các mối nối ở những đoạn chia là rất dễ xảy ra. Trong quá trình sử dụng, các đoạn ống dẫn này cũng có thể bị chuột cắn do làm bằng nhựa, hoặc các điểm nối có thể bị co lại gây hở lớn, khiến nhiên liệu bị rò rỉ gây hao phí lớn.

Cách bắt bệnh và khắc phục: Khi bị lỗi này, bạn sẽ ngửi thấy mùi xăng của xe một cách nồng nặc (một số dòng xe cao cấp có đèn báo lỗi nhiên liệu khi đường ống bị hở) thì cần phải kiểm tra càng sớm càng tốt. Do nếu bạn để lâu sẽ gây hao phí nhiên liệu và có rủi ro gây ra cháy nổ do chập tia lửa điện.

Cao su chân máy bị chai cứng

Tuy chi tiết này chỉ có kích thước bằng một cái nắm tay nhưng nó lại chịu một áp lực rất lớn từ xe. Nó có công dụng giữ toàn bộ trọng lượng động cơ xe và hộp số, và còn phải chịu các dao động khi xe vào cua hoặc đường xóc. Chính vì thế, việc xảy ra lỗi bị chai cứng hoặc vỡ cao su chân máy rất thường hay xảy ra. Triệu chứng rõ nhất của lỗi trên xe ô tô này chính là khi xe vào đường xóc, hoặc khởi động người lái xe sẽ cảm nhận rõ rệt lực truyền trực tiếp vào khung xe khiến vô lăng rung lắc dữ dội.

Cách khắc phục: Bạn cần nên kiểm tra định kỳ để giảm thiểu việc hỏng hóc ở các chi tiết cao su chân máy này. Ngay khi phát hiện ra những dấu hiệu nhỏ như bị rung lắc, bạn cần đưa ra trung tâm bảo dưỡng có uy tín để được thay thế chi tiết ngay lập tức.

Giảm chấn trước gặp trục trặc

Hệ thống treo trước luôn phải chịu một áp lực lớn hơn gấp nhiều lần trọng lượng xe mỗi lần phải phanh gấp lại. Chính lý do đó mà thanh giảm chấn phía trước luôn là một trong những lỗi thường gặp trên xe ô tô. Dấu hiệu của việc hư thanh giảm chấn khá dễ biết, bạn chỉ cần quan sát bằng mắt thường, nếu thấy chảy dầu khiến giảm xóc ướt. Trong trường hợp này, bạn sẽ cảm nhận xe bị xóc nảy mạnh hơn bình thường khi đi vào đoạn đường xấu. Khi tốc độ càng nhanh, hiện tượng dằn xóc càng rõ rệt hơn.

Cách khắc phục: Nếu một trong 2 thanh giảm chấn gặp vấn đề, bạn cần phải thay cả 2 thanh là tốt nhất. Do bạn thay một bên, sẽ gây ra hiện tượng hấp thụ xóc không đều và vẫn khiến xe mất ổn định khi vào đoạn đường xấu hoặc ở tốc độ cao. Ngoài ra, việc thay lệch như thế cũng khiến việc thay thế, bảo dưỡng của bạn không còn được đồng bộ nữa.

Lốp xe bị mòn

Đây là một trong những bệnh thường gặp nhất khi đi xe ô tô. Khi bạn đi khoảng 19.000 – 24.000 km/năm, các hoa lốp sẽ bị mòn trước khi lớp cao su tổng hợp bị thoái hóa. Khi ấy, xe của bạn sẽ không còn bám đường tốt được nữa, và lốp cũng sẽ mỏng hơn là tăng nguy cơ bị nổ lốp xe.

Cách khắc phục: Đương nhiên, khi bị lỗi này, cách khắc phục tốt nhất chính là bạn cần nên thay nhanh cho mình lốp xe mới để tránh việc hoa lốp mòn quá mức cho phép, hoặc lốp cao su tổng hợp lão hóa gây nguy hiểm cho bạn và người thân của bạn khi lưu thông trên đường.

Dây cua roa bị nứt

Chức năng chính của dây cua roa là để dẫn động các bộ phận khác làm việc như máy phát, lốc điều hòa, bơm trợ lực lái. Ngoài ra, dây cua roa còn đảm nhận chức năng dẫn động hệ thống bơm nâng gầm trong một số dòng xe cao cấp thể thao. Thông thường, bạn có thể nhận biết việc xuống cấp của dây cua roa thông qua các vết nứt trên dây. Khi dây cua roa đã quá hạn sử dụng thường sẽ phát ra tiếng rít, và khiến bạn khó hơn trong việc khởi động máy xe. Tuy nhiên, vẫn có thể dây cua roa của bạn sẽ bị hỏng hóc bất ngờ do các yếu tố bên ngoài như bị chuột cắn.

Cách khắc phục: Nếu không có các hỏng hóc bất ngờ như đã nói ở trên, thì dây cua roa nên được thay định kỳ sau khoảng 80.00 – 100.000 km/lần. Ngoài ra, bạn cũng nên thường xuyên kiểm tra nhanh là dây cua roa có bị nứt hoặc vấn đề gì không để kịp thời xử lý.

Đèn báo hiệu không còn phát sáng

Đối với các bóng đèn loại Xenon hay Led thì thường sẽ có tuổi thọ khá cao nên bạn không phải lo lắng quá nhiều. Thế nhưng, đối với loại bóng sợi đốt truyền thống thì tuổi thọ bóng chỉ khoảng 6 – 7 năm tùy vào cách bạn sử dụng. Cách khắc phục: Trên thực tế, các bóng đèn thường sẽ có tuổi thọ thấp hơn nếu bạn phải đi đêm thường xuyên hoặc phải chạy ở những cung đường xấu. Vì vậy bạn nên kiểm tra định kỳ thường xuyên và khi có các dấu hiệu như đèn sáng không đều hoặc sáng yếu, thì nên thay thế càng nhanh càng tốt để giúp quá trình lưu thông luôn đảm bảo an toàn.

Minh Tân