Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có Giấy phép lái xe (GPLX) sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Ngoài ra, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có GPLX sẽ bị tạm giữ phương tiện đến 07 ngày.
Như vậy, nếu bạn không có GPLX vẫn tham gia giao thông thì sẽ bị xử phạt hành chính và bị tạm giữ phương tiện.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2017, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà không có giấy phép lái xe theo quy định, gây tai nạn giao thông thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
- Làm chết người;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 120%;
- Gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
Nếu hành vi của bạn gây thiệt hại nghiêm trọng cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác thì bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Do đó, bạn cần nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi không có GPLX.