Trách nhiệm bồi thường khi xe tang vật bị cháy

857

Gần đây, việc cháy kho xe tang vật đã xảy ra không ít và rất nhiều phương tiện như xe máy, ô tô bị hư hỏng, thậm chí không còn.Vậy trách nhiệm bồi thường ở đây được đặt ra như thế nào?

Theo Điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 , tang vật là vật, tiền, hàng hoá, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính.

Trong đó, xe tang vật được hiểu là phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính.

Để xác định trách nhiệm bồi thường xe tang vật vi phạm hành chính bị cháy còn phải phụ thuộc vào kết luận của cơ quan chức năng. 

Điều này nhằm xác định trách nhiệm của cá nhân hay tổ chức liên quan, cụ thể như sau:

– Trường hợp có yếu tố lỗi:

+ Đối với chủ thể có hành vi cố ý đốt xe tang vật thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) .

+ Đối với cá nhân, tổ chức của đơn vị bãi kho do không đảm bảo các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy gây cháy xe tang vật thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” theo Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) .

Ngoài ra các chủ thể vi phạm còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tại Bộ luật Dân sự 2015 .

– Trường hợp không có yếu tố lỗi: do không có yếu tố lỗi nên việc truy cứu trách nhiệm hình sự không được đặt ra.

Về trách nhiệm bồi thường, theo khoản 5 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung tại điểm a khoản 64 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 ) thì:

Trong trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị mất, bán trái quy định, đánh tráo hoặc hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ phải chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Như vậy, việc xác định trách nhiệm bồi thường khi xe tang vật bị cháy phải phụ thuộc vào kết luận của cơ quan điều tra.