Nguyên nhân chính dẫn đến tắc nghẽn giao thông tại Hà Nội không nằm ở chỗ tất cả mọi người cùng đi làm vào một giờ buổi sáng và cùng rời công sở về nhà vào một giờ buổi chiều. Theo phân tích của Chương trình Phát triển Đô thị Tổng thể Thủ đô Hà Nội (HAIDEP) từ năm 2005, sự tập trung phương tiện giao thông trong giờ cao điểm, đặc biệt là buổi sáng chỉ là một trong những lý do dẫn tới tắc nghẽn giao thông. HAIDEP đề xuất, phân tán lưu lượng giao thông trong giờ cao điểm là một cách giúp giảm tắc nghẽn giao thông hiệu quả. Tuy nhiên, bài toán đặt ra bây giờ ngày càng khó hơn bởi Hà Nội đã lớn hơn cả về không gian và số lượng dân số. Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội mới được phê duyệt là sự tổng hòa những cấu trúc đô thị khác nhau: làng nghề truyền thống, phố cổ, đô thị thời thuộc Pháp, đô thị ảnh hưởng của các nước xã hội chủ nghĩa và những khu phố mang phong cách hiện đại…
Giải pháp điều chỉnh giờ làm, giờ học đã thành công ở nhiều nước. Nhưng mức độ thành công đến đâu lại phụ thuộc vào năng lực của cơ sở hạ tầng giao thông. Với cơ cấu phương tiện hiện nay, Hà Nội đang thiếu khoảng 15 đến 20% năng lực giao thông trên trục chính trong giờ cao điểm với tốc độ chỉ từ 17 đến 20km/giờ. Như vậy, nếu chỉ đổi giờ làm thì ùn tắc đương nhiên vẫn tồn tại. Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng, phải chọn những giải pháp thể hiện được vai trò và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chứ đừng vội tác động đến người dân.
Một thực tế đáng lưu ý là Hà Nội có hơn 2 triệu cư dân ở độ tuổi lao động, cùng với đó là số lượng cơ quan, doanh nghiệp cả trung ương và địa phương tập trung rất cao so với đô thị khác, nên việc ùn tắc vào giờ cao điểm là điều khó tránh khỏi. Thêm nữa, không gian các phân khu chức năng hiện nay được phân bổ chưa hợp lý. Ví dụ, hệ thống trường học không phân bố đồng bộ theo các khu dân cư nên không đáp ứng đủ chỗ cho hơn 1 triệu học sinh học tập, vì thế việc học trái tuyến đương nhiên xảy ra. Khi con phải học trái tuyến thì bố mẹ sẽ phải tham gia giao thông để đưa đón càng nhiều, làm gia tăng lượng phương tiện lưu thông trên đường. Ngoài ra, Hà Nội còn là trung tâm giáo dục ĐH-CĐ với khoảng 700.000 sinh viên. Đây không phải là một con số nhỏ khi tham gia giao thông, nhất là vào giờ cao điểm.
Cần một gói giải pháp tổng thể
Nếu muốn thành công trong việc giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông phải có chiến lược tổng thể về tổ chức, quản lý giao thông vận tải đô thị, trong đó phải thay đổi phương pháp làm quy hoạch. Các chuyên gia cho rằng, mỗi một địa phương chỉ cần một bản quy hoạch tổng thể gói trong đó tất cả những định hướng phát triển KT-XH lớn. Trên cơ sở thực tế và thông tin dự báo của bản quy hoạch này, mỗi địa phương có đủ dữ liệu để xây dựng một mô hình phát triển giao thông phù hợp.
Trong mỗi thành phố, nếu không có mô hình giao thông thì người ta không thể theo dõi được những di chuyển của con người, hàng hóa, vật chất từ điểm A đến điểm B, không thể phân tích được có những loại phương tiện nào tham gia giao thông, tỉ lệ, thời gian lưu thông, điểm hay ùn tắc… Do đó, tiếp đến là xây dựng mô hình giao thông đầy đủ dựa trên điều tra, khảo sát thực tế. Khi có mô hình giao thông đầy đủ trong 24 giờ, tức là sẽ biết được giờ nào tắc, đường nào tắc, loại phương tiện nào gây tắc, hoạt động nào thường xuyên gây tắc… để đi đến quyết định là điều chỉnh giờ cho từng nhóm đối tượng hay phân tải như thế nào cho hợp lý.
Việc đánh giá hiệu quả mô hình mạng lưới giao thông hiện tại phải có tính kế thừa không thể áp dụng một cách máy móc những quan điểm hoặc cách làm của các nước vào Hà Nội. Để giải quyết tình trạng ùn tắc, trước hết, các cơ quan chức năng phải tổ chức mạng lưới đường giao thông hợp lý, cân nhắc đến những đặc thù của hệ thống giao thông Hà Nội; xem xét, tổ chức lại các nút giao cắt, gắn kết với phân bố dân cư ổn định, hợp lý; tiếp đến là cân nhắc, lựa chọn cơ cấu phương tiện giao thông. Hiện nay, Hà Nội có khoảng 3,8 triệu xe máy, gần 400.000 ô tô con, có khoảng 1.000 xe buýt hoạt động trên 74 tuyến đường, có khoảng 1 triệu xe đạp, hơn 100 hãng taxi… Về lâu dài, Hà Nội phải lấy giao thông công cộng là phương tiện chính, gồm xe buýt 15%; đường sắt trên cao đến 2015 đi vào hoạt động… đặc biệt, phải nâng cao năng lực, giải pháp quản lý, tổ chức giao thông như: phân luồng, phân làn, tổ chức tín hiệu… Nhưng quan trọng trên hết và trước hết là nâng cao ý thức và văn hóa của người tham gia giao thông. Đây là đòi hỏi tất yếu, nhưng không thể có được trong ngày một, ngày hai. Hệ thống giải pháp tổng thể gồm: Hạ tầng giao thông; phương tiện đầy đủ hợp lý; tổ chức giao thông khoa học, chặt chẽ; người tham gia giao thông có ý thức và văn hóa… sẽ là giải pháp tích cực giải bài toán ùn tắc giao thông cho bất kỳ đô thị nào.
(Theo báo hnm)
==============
Luật sư Nguyễn Minh Long