Tư vấn về Luật giao thông đường bộ
Khách mời: Thượng tá Trần Sơn, Phó trưởng Phòng hướng dẫn luật và điều tra xử lý tai nạn giao thông – Cục cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt.
Khách mời: Luật sư Nguyễn Minh Long – Công ty luật Dragon, Đoàn Luật sư Hà Nội
Thưa quý vị và các bạn!
Tại nạn giao thông, đặc biệt là tại nạn giao thông đường bộ luôn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về người và của. Hàng năm nước ta xảy ra hàng trăm nghìn vụ tại nạn giao thông, làm chết và bị thương hàng chục nghìn người, thiệt hại tài sản nhiều tỷ đồng. Tại nạn giao thông gây ra cho chính nạn nhân và gia đình họ nhiều hậu quả đau lòng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, nhưng một nguyên nhân chính là người tham giao giao thông không tuân thủ đầy đủ, nghiêm chỉnh pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông. Chính vì vậy, trong Chương trình Chuyên gia của bạn tuần này, chúng tôi mời hai vị khách đến tham gia chương trình để tư vấn, giải đáp những quy định pháp luật về giao thông đường bộ, với mong muốn mọi người khi tham gia giao thông hãy nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật về an toàn giao thông để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho chính mình và cho xã hội.
Xin trân trọng giời thiệu Thượng tá Trần Sơn, Phó trưởng Phòng hướng dẫn luật và điều tra xử lý tai nạn giao thông tham gia chương trình
Khách mời: Xin chào thính giả của Đài TNVN!
Và vị khách thứ hai: Luật sư Nguyễn Minh Long – Công ty Luật Dragon
Khách mời: Xin chào quý vị và các bạn!
VOV đi vào câu hỏi của độc giả tới Luật sư tư vấn luật giao thông đường bộ
Khách mời trả lời
Thính giả Trần Hữu Văn ở thành phố Hải Phòng có nêu tình huống như thế này: Tôi di xe do mẹ tôi đứng tên, trong lúc lưu thông thì bạn của tôi lái xe còn tôi ngồi sau. Sau khi bị cảnh sát giao thông tuýt còi nhưng xe vẫn tiếp tục đi, mà không dừng lại . Khi cảnh sát giao thông đuổi kịp và ra băn bản xử phạt với những lỗi sau:- lưu thông không đội mũ bảo hiểm, không giấy phép lái xe, không chứng nhận đăng ký, không giấy chứng nhận bảo hiểm dân sự, không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, và điều khiển xe lạng lách, đánh võng trên đường. Có người nói là các lỗi này có tổng mức phạt khá lớn, khoảng 18 – 20 triệu đồng. Số tiền phạt như vậy có đúng quy định không, nếu chúng tôi không có điều kiện nộp phạt thì bỏ xe luôn có được không? Có điều kiện nào để xin giảm hình phạt không?
Xin mời luật sư tư vấn cho thính giả:
Khách mời trả lời
Theo quy định tại Nghị định số 34/2010/NĐ-CP Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và Nghị định số 71/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP thì những lỗi trên bị xử lý như sau:
– Hành vi không đội mũ bảo hiểm: Phạt tiền từ 100.000đ-200.000đ (Điểm i khoản 3 mục 2 Điều 1 Nghị định 71/2012/NĐ-CP)
– Hành vi không mang theo giấy phép lái xe: Phạt tiền từ 80.000đ-120.000đ (điểm c khoản 2 mục 5 Điều 1 Nghị định 71/2012/NĐ-CP)
– Hành vi không mang theo giấy đăng ký xe: Phạt tiền từ 80.000đ-120.000đ (điểm b khoản 2 mục 5 Điều 1 Nghị định 71/2012/NĐ-CP)
– Hành vi không mang theo bảo hiểm trách nhiệm dân sự: Phạt tiền từ 80.000đ-120.000đ (điểm a khoản 2 mục 5 Điều 1 Nghị định 71/2012/NĐ-CP).
– Hành vi điều khiển xe lạng lách đánh võng trên đường trong và ngoài đô thị: Phạt tiền từ 5.000.000đ-7.000.000đ (điểm b khoản 7 mục 2 Điều 1 Nghị định 71/2012/NĐ-CP)
– Hành vi điều khiển lạng lách đánh võng trên đường mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ: Phạt tiền từ 10.000.000đ-14.000.000đ (khoản 8 mục 2 Điều 1 Nghị định 71/2012/NĐ-CP)
Như vậy, đối 6 hành vi vi phạm luật giao thông kể trên mức tiền phạt rơi vào khoảng 15.000.000đ – 21.000.000đ.
Nếu Quý thính giả không có điều kiện nộp phạt và muốn bỏ xe luôn là không được, bạn nên chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xử phạt của cơ quan công an. Nếu bạn không chấp hành, cơ quan công an có thể gửi quyết định cưỡng chế xử phạt đến nơi bạn thường trú để yêu cầu thi hành quyết định.
Việc xử lý vi phạm hành chính căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân người vi phạm và những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng để quyết định hình thức, biện pháp xử lý thích hợp. Có thể giảm nhẹ mức phạt nếu bạn có nhân thân tốt, vi phạm lần đầu hoặc có những tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Điều 8 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 sửa đổi, bổ sung như: Người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; Người vi phạm là phụ nữ có thai, người già yếu, người có bệnh hoặc tàn tật làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình; Vi phạm do trình độ lạc hậu…
Khách mời trả lời
Bạn Hoàng Văn Khôi ở phường Đình Bảng huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh cho biết: ngày 14/01 , bạn cho 1 người bạn mượn xe máy lưu thông trên đường Hà Nội. Khi lưu thông bị giữ lại và ghi biên bản nộp phạt là “mang vác vật cồng kềnh trên xe” và tạm giữ giấy tờ xe và đăng kí xe . Tuy nhiên, bạn đã tìm hiểu ở các văn bản thì không rõ là mức xử phạt cho lỗi này là bao nhiêu và như thế nào? Vấn đề nữa là hiện nay, khi tiếp tục sử dụng xe, nếu cảnh sát giao thông hỏi giấy tờ thì có thể đưa biên lai hẹn nộp phạt ra để thay thế không ạ? Mong được sự giúp đỡ của luật sư Nguyễn Minh Long.
Khách mời trả lời
Đối với hành vi vi phạm “mang vác vật cồng kềnh” khi tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 200.000đ-400.000đ (điểm k khoản 4 mục 2 Điều 1 Nghị định 71/2012/NĐ-CP).
Khi cảnh sát giao thông kiểm tra giấy tờ xe, bạn có thể đưa văn bản xử phạt để thay thế.
Khách mời trả lời
Bạn Phan Thùy Trang ở thị xã Phúc Yên tỉnh Vĩnh Phúc có thắc mắc là hiện nay ở công ty bạn có nhiều người nước ngoài đến làm việc và mang theo bằng lái Quốc Tế. Vậy họ sẽ sử dụng bằng lái Quốc Tế thay cho giấy phép lái xe ở nước ta có được không ? Xin mời luật sư trả lời:
Khách mời trả lời
Tại điểm e khoản 5 Điều 44 Thông tư số 07/2009/ TT-BGTVT ngày 19/06/2009 của Bộ Giao thông vận tải Quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ có quy định: Người nước ngoài cư trú, làm việc, học tập tại Việt Nam với thời gian từ 03 tháng trở lên, có giấy phép lái xe Quốc tế hay Quốc gia còn thời hạn sử dụng, nếu có nhu cầu lái xe ở Việt Nam được xét làm thủ tục đổi sang giấy phép lái xe tương ứng của Việt Nam.
Như vậy, người nước ngoài không được sử dụng bằng lái Quốc tế thay cho giấy phép lái xe ở VN mà phải làm thủ tục đổi sang giấy phép lái xe tương ứng theo quy định của pháp luật VN.
Khách mời trả lời
Chị Lưu Thị Loan ở 45/8 đường Phan Chu Chinh Tp Đà Nẵng hỏi: Chị cho người em mượn xe máy, nhưng người em chị chỉ mới 16 tuổi chưa có bằng lái xe nên khi tham gia giao thông đã gây tai nạn, chiếc xe bị thu giữ. Vậy xin hỏi là chị có phải chịu trách nhiệm liên đới không?
Xin mời Luật sư tư vấn cho chị Loan
Khách mời trả lời
Quý thính giả cho người em chỉ mới 16 tuổi chưa có bằng lái xe mượn xe, khi tham gia giao thông gây tai nạn. Hành vi giao xe của bạn có dấu hiệu của tội “Tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ” (Điều 205 BLHS 1999 sửa đổi, bổ sung). Vì vậy, nếu đủ yếu tố cấu thành, bạn có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.
Về trách nhiệm dân sự: Khoản 4 Điều 632 BLDS 2005 quy định: “Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại”
Bạn biết em bạn chưa đủ tuổi và chưa có bằng lái xe, mà bạn vẫn giao xe máy cho em bạn đi. Vì vậy, khi em bạn gây tai nạn thì bạn cùng em bạn phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại.
Khách mời trả lời
Bạn Hoàng Trung Long ở ở huyện Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên có hỏi: Khi người lái xe ô tô khách xuống nghỉ ăn trưa nên đã uống hơi nhiều rượu, hành khách trrên xe không đồng ý cho người lái xe này lái tiếp vì họ cho rằng người lái xe uống quá nhiều bia, rượu không đảm bảo an toàn dễ gây tai nạn, nhưng nhà xe không đồng ý mà vẫn để lái xe này tiếp tục lái. Trong trường hợp này hành khách cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình, thưa luật sư Nguyễn Minh Long?
Khách mời trả lời
Trong trường hợp này, để bảo vệ quyền lợi cho mình, hành khách nên gọi điện báo cho cơ quan công an gần nhất đến giải quyết. Nếu qua kiểm tra mà nồng độ cồn trong máu người lái xe quá giới hạn cho phép, phải yêu cầu nhà xe thay lái xe (nếu có thể) hoặc chờ người lái xe đó tỉnh rượu mới tiếp tục được điều khiển xe.
Thưa quý vị và các bạn
Hiện giờ thời lượng giành cho chương trình đã hết. Hy vọng qua chương trình vừa rồi, quý vị và các bạn sẽ nắm rõ được những quy định pháp luật về an toàn giao thông. Những người làm Chương trình chúng tôi luôn mong muốn mọi người hãy luôn tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định về an toàn giao thông để đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản của mình và xã hội.. Một lần nữa xin cảm ơn Thượng tá Trần Sơn, Phó trưởng Phòng hướng dẫn luật và điều tra xử lý tai nạn giao thông và Luật sư Nguyễn Minh đã tham gia chương trình, cảm ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi./.
CỘNG ĐỒNG GIAO THÔNG VIỆT NAM
Để được tư vấn trực tuyến – Online mời quý khán giả cũng như độc giả vào đường link Google +