Giao thông Việt Nam với Chủ quyền biển đảo Quốc Gia

1068

Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Biển không chỉ chứa đựng tiềm năng kinh tế to lớn, cửa ngõ mở rộng quan hệ giao thương với quốc tế mà còn đóng vai trò quan trọng bảo đảm an ninh, quốc phòng, đồng thời là địa bàn chiến lược trọng yếu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hơn bao giờ hết, vấn để xác định và gìn giữ chủ quyền biển đảo quốc gia Việt Nam đang trở nên cấp thiết trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên con đường hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Những vấn đề pháp lý về chủ quyền biển đảo quốc gia Việt Nam

Chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo nói chung và chủ quyền biển đảo quốc gia Việt Nam là các khái niệm pháp lý được quy định trong pháp luật quốc tế về biển mà trung tâm là Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982 (United Nations Convention on the Law of the Sea, gọi tắt là UNCLOS 1982), được 107 quốc gia, trong đó có Việt Nam ký tại Montego Bay – Jamaica, đến nay số quốc gia thành viên công ước đã là 157. Luật Biển Việt Nam được thông qua tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIII, ngày 21/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 (Luật Biển năm 2013) đã quy định về chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Luật Biển năm 2013 xác định tại Điều 3: “Vùng biển Việt Nam bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, được xác định theo pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phù hợp với Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982”. Từ Điều 8 đến Điều 21 Luật Biển năm 2013 quy định cụ thể về chủ quyền và chế độ pháp lý của từng vùng biển như sau:

Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam là đường cơ sở thẳng đã được Chính phủ công bố. Ở những khu vực chưa có đường cơ sở sẽ được Chính phủ xác định và công bố sau khi được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

Nội thủy là vùng nước tiếp giáp với bờ biển, ở phía trong đường cơ sở và là bộ phận lãnh thổ của Việt Nam.

Lãnh hải là vùng biển có chiều rộng 12 hải lý (“hải lý” là một đơn vị đo chiều dài hàng hải, được ký hiệu là M hoặc NM, hoặc còn được gọi là “dặm biển”. Theo quy ước, 1 hải lý bằng 1.852 m hoặc khoảng 6.076 feet). Chiều rộng lãnh hải được tính từ đường cơ sở ra phía biển. Ranh giới ngoài của lãnh hải là biên giới quốc gia trên biển của Việt Nam.

Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, có chiều rộng 12 hải lý tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải.

Vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở.

Thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài của rìa lục địa. Trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa này cách đường cơ sở chưa đủ 200 hải lý thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài đến 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa này vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài không quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc không quá 100 hải lý tính từ đường đẳng sâu 2.500m.

UNCLOS 1982 quy định: Nội thủy là các vùng nước ở phía bên trong đường cơ sở của lãnh hải, chiều rộng lãnh hải không vượt quá 12 hải lý kể từ đường cơ sở. Phần II, Điều 2 UNCLOS quy định “Chủ quyền của quốc gia ven biển được mở rộng ra ngoài lãnh thổ và nội thủy của mình, và trong trường hợp một quốc gia quần đảo, ra ngoài vùng nước quần đảo, đến một vùng biển tiếp liền, gọi là lãnh hải (merterritoriale). Chủ quyền này được mở rộng đến vùng trời trên lãnh hải, cũng như đến đáy và lòng đất của biển này”. Trên cơ sở đó, Luật Biển năm 2013 quy định chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải và vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải quốc gia Việt Nam, trong đó xác định rõ chủ quyền của Việt Nam tại Điều 12:

“1. Nhà nước thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải và vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải phù hợp với Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982.

  1. Tàu thuyền của tất cả các quốc gia được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam. Đối với tàu quân sự nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, thông báo trước cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
  2. Việc đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài phải được thực hiện trên cơ sở tôn trọng hòa bình, độc lập, chủ quyền, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
  3. Các phương tiện bay nước ngoài không được vào vùng trời ở trên lãnh hải Việt Nam, trừ trường hợp được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam hoặc thực hiện theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
  4. Nhà nước có chủ quyền đối với mọi loại hiện vật khảo cổ, lịch sử trong lãnh hải Việt Nam”.

Đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, khoản 2 Điều 33 (Phần II) UNCLOS 1982 xác định: Vùng tiếp giáp không thể mở rộng quá 24 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải. Căn cứ UNCLOS 1982, Luật Biển năm 2013 quy định: Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, có chiều rộng 12 hải lý tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải (Điều 13). Nhà nước thực hiện quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và các quyền khác quy định tại Điều 16 (quy định về chế độ pháp lý của vùng đặc quyền kinh tế) của Luật này đối với vùng tiếp giáp lãnh hải. Nhà nước thực hiện kiểm soát trong vùng tiếp giáp lãnh hải nhằm ngăn ngừa và trừng trị hành vi vi phạm pháp luật về hải quan, thuế, y tế, xuất nhập cảnh xảy ra trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải Việt Nam (Điều 14).

UNCLOS 1982 quy định vùng đặc quyền về kinh tế là một vùng nằm ở phía ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải. Vùng đặc quyền về kinh tế không được mở rộng ra quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải (Điều 57, Phần II). Căn cứ quy định của UNCLOS 1982 về các quyền và các nghĩa vụ của các quốc gia khác trong vùng đặc quyền về kinh tế, Điều 16 Luật Biển Việt Nam xác định chế độ pháp lý của vùng đặc quyền kinh tế như sau:

Một là, a) Quyền chủ quyền về việc thăm dò, khai thác, quản lý và bảo tồn tài nguyên thuộc vùng nước bên trên đáy biển, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển; về các hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác vùng này vì mục đích kinh tế; b) Quyền tài phán quốc gia về lắp đặt và sử dụng đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trên biển; nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển; c) Các quyền và nghĩa vụ khác phù hợp với pháp luật quốc tế.

Hai là, Nhà nước tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không; quyền đặt dây cáp, ống dẫn ngầm và hoạt động sử dụng biển hợp pháp của các quốc gia khác trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của Luật này và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, không làm phương hại đến quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam. Việc lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.

Ba là, tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia thăm dò, sử dụng, khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học, lắp đặt các thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên cơ sở các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, hợp đồng được ký kết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc được phép của Chính phủ Việt Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế có liên quan.

Bốn là, các quyền có liên quan đến đáy biển và lòng đất dưới đáy biển quy định tại Điều này được thực hiện theo quy định tại Điều 17 (quy định về thềm lục địa) và Điều 18 (quy định về chế độ pháp lý của thềm lục địa) của Luật Biển Việt Nam.

Phần VI (từ Điều 76 đến Điều 85) của UNCLOS 1982 quy định về thềm lục địa, trong đó nêu rõ: Quốc gia ven biển thực hiện các quyền thuộc chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình, không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy, nếu không có sự thỏa thuận rõ ràng của quốc gia đó. Các quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa không phụ thuộc vào sự chiếm hữu thực sự hay danh nghĩa, cũng như vào bất cứ tuyên bố rõ ràng nào (Điều 76, Phần VI). Căn cứ UNCLOS 1982, Điều 18 Luật Biển Việt Nam nêu rõ:

  1. Nhà nước thực hiện quyền chủ quyền đối với thềm lục địa về thăm dò, khai thác tài nguyên.
  2. Quyền chủ quyền quy định tại khoản 1 Điều này có tính chất đặc quyền, không ai có quyền tiến hành hoạt động thăm dò thềm lục địa hoặc khai thác tài nguyên của thềm lục địa nếu không có sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam.
  3. Nhà nước có quyền khai thác lòng đất dưới đáy biển, cho phép và quy định việc khoan nhằm bất kỳ mục đích nào ở thềm lục địa.
  4. Nhà nước tôn trọng quyền đặt dây cáp, ống dẫn ngầm và hoạt động sử dụng biển hợp pháp khác của các quốc gia khác ở thềm lục địa Việt Nam theo quy định của Luật này và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, không làm phương hại đến quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam. Việc lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.
  5. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia thăm dò, sử dụng, khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học, lắp đặt thiết bị và công trình ở thềm lục địa của Việt Nam trên cơ sở điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, hợp đồng ký kết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc được phép của Chính phủ Việt Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế có liên quan.

Chủ quyền biển, đảo quốc gia Việt Nam trong quan hệ quốc tế

Biển Đông là biển duy nhất nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, có vị trí chiến lược quan trọng trên thế giới, trải rộng từ vĩ tuyến 03 độ Nam đến vĩ tuyến 23 độ Bắc với diện tích bề mặt khoảng gần 4.000.000 km2 và có liên quan tới 9 nước và 1 vùng lãnh thổ là Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei, Philippines, vùng lãnh thổ Đài Loan. Biển Đông có tất cả các nội dung liên quan đến UNCLOS 1982. Biển Đông hiện nay đang chứa đựng những tranh chấp có mức độ phức tạp nhất trên thế giới. Các tranh chấp Biển Đông chủ yếu xung quanh tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán với các vùng biển trên Biển Đông.

Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông được người Việt khai thác từ rất sớm, gọi chung một tên nôm là Bãi cát Vàng. Từ thế kỷ XVII đến nay, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được các nhà nước Việt Nam thực thi chủ quyền một cách liên tục và hòa bình. Pháp luật quốc tế đã hình thành nguyên tắc xác lập chủ quyền là nguyên tắc chiếm hữu thật sự và thực hiện quyền lực nhà nước một cách thật sự, liên tục và hòa bình. Nguyên tắc này đã được các nước và các cơ quan tài phán quốc tế áp dụng để giải quyết nhiều vụ tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên thế giới. Áp dụng nguyên tắc nói trên của pháp luật quốc tế vào trường hợp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý đều khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.

Tuy nhiên, trên Biển Đông hiện có 5 nước 6 bên đang tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, đó là: Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Trong đó, Trung Quốc đòi chủ quyền, quyền chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông bao gồm hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và các vùng biển trên Biển Đông. Phillipines đòi một phần quần đảo Trường Sa và vùng biển xung quanh. Malaysia đòi chủ quyền các hòn đảo và khu vực mặt nước gần thềm lục địa. Brunei cũng đòi chia phần ít nhất hai hòn đảo và vùng mặt nước kẻ vuông góc từ hai bờ biên giới của nó ra tận ngoài khơi trong khu vực Trường Sa. Brunei yêu sách về chủ quyền đối với cấu trúc trong quần đảo Trường Sa, đó là bãi ngầm Louisa. Ngoài ra, trên Biển Đông có Malaysia và Singapore tranh chấp chủ quyền đối với đảo Pulau Batu Putch. Campuchia yêu sách về một phần vịnh Thái Lan. Các tranh chấp trên Biển Đông khiến cho khu vực này nằm trong vùng bất ổn vì sự gia tăng sức mạnh quân sự giữa các bên.

Theo quy định tại Điều 287 Công ước 1982, các tranh chấp trên Biển Đông có thể đưa ra: 1) Tòa án Công lý quốc tế (ICJ); 2) Tòa án Quốc tế về Luật Biển (thành lập theo Phụ lục VI); 3) Tòa Trọng tài (thành lập theo Phụ lục VII); 4) Tòa án Đặc biệt  (Phụ lục VIII).  Trong 4 tòa trên thì Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) có thẩm quyền rất rộng, Tòa ICJ còn giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, biên giới giữa các quốc gia trên đất liền, trên biển,… Tuy nhiên, nguyên tắc pháp luật quốc tế của ICJ và Tòa án Quốc tế về Luật Biển có quy định: Tòa không thể thực hiện thẩm quyền tài phán của mình đối với một quốc gia nếu không có sự đồng ý của quốc gia đó. Như vậy, ICJ chỉ có thể đưa ra phán quyết trên cơ sở sự chấp thuận đưa vụ việc ra Tòa giải quyết của các quốc gia trong vụ tranh chấp. Tòa Trọng tài (Permanent Court of Arbitration-PCA) là một tổ chức quốc tế liên chính phủ có trụ sở tại La Hay (Hà Lan), thành lập năm 1899 theo Công ước về giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình năm 1899 (Công ước 1899) và Công ước về giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình năm 1907 (Công ước năm 1907) tại Hội nghị Hòa bình La Hay. PCA thật ra không phải là một tòa án theo đúng nghĩa vì không có quyền quyết định trực tiếp, mà nhiệm vụ của PCA chủ yếu là tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết các tranh chấp quốc tế giữa các quốc gia bằng trọng tài hoặc bằng các biện pháp hòa bình khác.

Phán quyết được Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc công bố ngày 12/7/2016 nêu rõ quyền chủ quyền, quyền tài phán các vùng biển giữa các bên. Một trong 15 yêu cầu của Philippines đối với Tòa Trọng tài là các yêu sách của Trung Quốc về các quyền chủ quyền và quyền tài phán, và đối với “các quyền lịch sử”, đối với các vùng biển trên Biển Đông nằm bên trong gọi là “đường 9 đoạn” là trái với UNCLOS 1982 và không có hiệu lực pháp lý trong chừng mực mà chúng vượt quá các giới hạn địa lý và thực chất của các vùng biển mà Trung Quốc có quyền được hưởng theo UNCLOS. Kết quả là Tòa Trọng tài nhận thấy có thẩm quyền để xem xét tranh chấp giữa các bên liên quan đến quyền lịch sử và nguồn của quyền hưởng các vùng biển tại Biển Đông. Tòa kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường 9 đoạn”. Tòa Trọng tài xác định rằng các tàu chấp pháp của Trung Quốc đã liên tiếp tiếp cận tàu Philippines với tốc độ cao và cố gắng cắt đầu các tàu này ở khoảng cách gần, tạo ra nguy cơ đâm va cao và nguy hiểm cho tàu và người của Philippines. Tòa Trọng tài kết luận rằng Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ theo Công ước về Quy định quốc tế ngăn ngừa va chạm trên biển năm 1972 và Điều 94 của UNCLOS 1982 về an toàn hàng hải.

UNCLOS 1982 là một bản “Hiến pháp về biển” của cộng đồng quốc tế, có tính đến lợi ích của tất cả các nước trên thế giới, dù là nước phát triển hay là nước đang phát triển,… Phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 12/7/2016 đối với việc kiện của Philippines là cơ sở pháp lý, biện pháp hòa bình để bác bỏ quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng biển nằm trong đường cắt khúc 9 đoạn của Trung Quốc có ý nghĩa tích cực đối với đất nước chúng ta trong cuộc đấu tranh với Trung Quốc trên Biển Đông, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; khẳng định lập trường nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Chủ quyền biển đảo Việt Nam được xác định từ xa xưa. Việc vua Gia Long điều hải đội Hoàng Sa cùng thủy quân của triều đình ra thăm dò, đo đạc thủy trình và cắm cờ trên quần đảo Hoàng Sa vào năm 1816 là khẳng định chủ quyền biển đảo về phương diện nhà nước của triều đình Huế. Lịch sử chủ quyền Việt Nam đối với Biển Đông nói chung và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là nhất quán, liên tục. Việc đúc nổi hình ảnh Biển Đông lên Cửu đỉnh là một quyết định đầy ý thức trách nhiệm về chủ quyền biển đảo của triều đình trung ương thời Minh Mạng, cùng với 2 tờ châu bản đều có chữ ký của nguyên thủ quốc gia đương thời  mang giá trị pháp lý cao xác định rõ ràng chủ quyền biển đảo quốc gia.  Dưới thời Việt Nam Cộng hòa (VNCH), bằng những cứ liệu xác đáng,  chính quyền Sài Gòn luôn coi Hoàng Sa và Trường Sa là một phần lãnh thổ không thể tách rời; luôn khẳng định chủ quyền hợp pháp của mình tại hai quần đảo này; luôn sẵn sàng và cương quyết chống trả các đội quân xâm lược, nhằm bảo vệ hai quần đảo. Khi Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa tháng 01/1974, sự khẳng định chủ quyền thể hiện rất rõ trong bản Tuyên cáo của Chính phủ VNCH ngày 14/02/1974: “Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là những phần bất khả phân chia của lãnh thổ VNCH. Chính phủ và nhân dân VNCH không bao giờ chịu khuất phục trước bạo lực mà từ bỏ tất cả hay một phần chủ quyền của mình trên những quần đảo ấy…”. Trong những năm gần đây, nhất là từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam,  việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo càng đặt ra yêu cầu cao hơn trong mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Đảng và Nhà nước Việt Nam chủ trương giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử của khu vực. Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng xác định: “Mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển, đảo, biên giới, vùng trời …” .Vấn đề chủ quyền biển đảo ngày càng diễn biến phức tạp. Việt Nam luôn chủ trương giải quyết vấn đề nhạy cảm về chủ quyền bằng đối thoại, thương lượng thông qua con đường ngoại giao. Việt Nam luôn đưa ra yêu cầu các bên liên quan kiềm chế, không có các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông, tuân thủ cam kết giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982; nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa một bên là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và một bên là Trung Quốc; hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC), để Biển Đông thực sự là vùng biển hòa bình, ổn định và phát triển, bảo vệ chủ quyền quốc gia Việt Nam, đồng thời vì an ninh chung của khu vực và trên toàn thế giới.

Tư vấn Luật giao thông Việt Nam – 1900 599 979