Một thoáng giao thông Australia

1398

Người dân ở đây không dùng xe môtô làm phương tiện đi lại, chỉ có dân thể thao sử dụng xe phân khối lớn. Xe môtô thể thao đắt hơn ô tô và thi lấy bằng lái môtô khó hơn lấy bằng lái ô tô.

Tôi chỉ có đôi dịp đến thăm thành phố Perth, thủ phủ bang Tây Úc. Với một người từ một môi trường giao thông bát nháo ở Việt Nam sang, bạn sẽ thấy sự khác biệt quá xa vời.

Tình cờ tôi được xem một cuốn sách tranh mỏng cho trẻ nhỏ. Trang đầu vẽ một ma mẹ dẫn ma con bước vào ô tô và đặt câu hỏi: Đố biết câu đầu tiên ma mẹ nói với con là gì? Đáp án ở trang sau là: Thắt dây an toàn vào đi con! Bản thân tôi mỗi khi ngồi vào xe là các cháu nhỏ đã nhắc ngay ông thắt dây an toàn rồi.

Xe hơi

Giao thông trên đường phố Perth. Ảnh: 123rf

Ở Perth, trên 50% dân số có xe ôtô riêng. Hầu như tất cả những ai trên 18 tuổi, đã đi làm là đều sử dụng xe riêng vì nơi đi làm đều ở xa và xe ôtô là phương tiện phù hợp hơn cả, giá xe lại rẻ, vừa túi tiền. Cho nên mỗi gia đình thường có hai, ba xe trở lên. Nhà nào cũng có gara, nhưng xe vẫn phải để ngoài sân trước hay trên vỉa hè, nhưng hầu như chẳng bị mất cắp.

Ra khỏi nhà là người ta bước lên ô tô. Lái xe ra “ngõ” là phải quan sát ngay phía đường trước mặt có xe lưu chuyển hay không rồi mới cho xe tiếp tục lăn bánh. Dù không có xe hay người qua đường vẫn phải bật đèn báo hiệu, không hề phải bóp còi inh ỏi và tất nhiên luôn đi theo chiều bên trái đường. Xe từ đường nhánh đi vào đường chính hay đường cao tốc đều thấy có tấm biển nhường đường (Give way). Xe chạy đường chính cứ việc phóng đúng tốc độ quy định, không cần phải quan tâm có xe từ đường nhánh đâm ngang hông xe mình.

Trên trục đường không chi chít biển báo hỗn loạn, mà chỉ thấy biển báo hướng đi và biển quy định tốc độ. Thấp nhất là tốc độ qua khu vực trường học với 40km/h. Còn lại là từ 60, 70 đến 120 km/h. Xe chạy không được vượt nhưng cũng không được chậm quá tốc độ cho phép. Xe trước xe sau chạy cùng tốc độ và giữ đều khoảng cách cả khi dừng lại trước đèn đỏ. Vì vậy cho dù mật độ xe lớn, dòng xe vẫn chảy liên tục như một dòng sông không bị ùn tắc.

Các đường chính thường có vài làn xe chạy vạch rõ trên mặt đường. Lái xe luôn phải để ý sắp tới ngã ba, ngã tư phải rẽ theo ngả nào để chọn đúng làn. Nếu nhỡ đi sai làn mà rẽ sẽ xảy ra va chạm và bị xử lý ngay, mặc dù không có mặt cảnh sát giao thông. Tôi ở Perth hai đợt, mỗi đợt ba tháng mà không hề thấy một viên cảnh sát giao thông nào cả.

Việc thi lấy bằng lái xe ở đây rất nghiêm, ngoài học luật lệ còn cần có kỹ năng lái thành thục, không thể có bất kỳ sự chạy chọt nào để có bằng lái được. Không chỉ là chuyện có ý thức hay không mà vấn đề là ở chỗ không thể lái xe ra đường được nếu không muốn gây ra tai nạn cho chính mình, đơn giản vì trên đường chính dòng xe chạy liên tục không hề giảm tốc độ.

Số lượng xe tăng lên không phải là vấn đề khó khăn đối với đường sá mà điều lo lắng đối với các nhà quản lý là bãi đỗ xe. Tại trung tâm thành phố, các trung tâm mua bán, các điểm vui chơi giải trí hay sân ga đều có bãi đỗ rộng lớn, xe được quy định chỗ đỗ rất trật tự, nhưng đều hết chỗ, nhiều khi xe phải vòng đi vòng lại nhiều lần mới tìm được chỗ trống.

Xe bus

Có hàng trăm tuyến xe bus chạy trên các trục đường nội ngoại thành của Perth. Vì ở đây xe ô tô cá nhân là phương tiện di chuyển chủ yếu, nên lượng người đi xe bus không nhiều lắm, trừ những giờ cao điểm. Ngoài ra có các tuyến xe bus dành riêng cho học sinh. Đặc biệt là số chuyến chạy vào thứ bảy và chủ nhật ít hơn hẳn các ngày làm việc trong tuần.

Xe bus các tuyến đều có bảng giờ quy định giờ xuất phát và giờ đến từng chặng đỗ đón khách. Dù không có hành khách nào xe cũng xuất phát đúng giờ. Khách chờ ở bất cứ điểm đỗ nào cũng chỉ xê xích vài phút. Xe đỗ sát lề đường, bậc lên xuống ngang với vỉa hè để người già, người tàn tật lên xuống dễ dàng. Lên xe ngồi thoải mái, hầu như không bao giờ phải đứng.

Trên xe chỉ có một mình bác tài ngồi tách biệt trong khoang lái. Khách lên xe phần lớn dùng thẻ quẹt hoặc mua vé. Nộp tiền cho tài xế lấy vé từ máy tự động tuồn ra. Thẻ đi xe dùng chung cho cả xe bus lẫn tàu hỏa, chứng tỏ tiền thu đều quy về một mối chứ không hạch toán riêng từ chuyến xe hay từng người lái. (Tùy theo chặng đường và thời gian đi trong phạm vi vành đai 1, 2 hoặc 3, giá vé khoảng từ 2 đến 4 đôla Australia, học sinh – sinh viên chỉ phải trả 50 cent trên thẻ).

Người Australia chính cống ít khi đi taxi. Taxi thường phục vụ khách từ sân bay, giá cả khá đắt đỏ, khoảng 35- 45$.

Tàu hỏa

Ga tàu hỏa tấp nập của thành phố Perth. Ảnh: Spiritland

Ngược lại với xe bus, đường sắt lại là phương tiện đi lại được người dân rất ưa dùng. Các bến xe bus cũng đặt gần bên ga tiện cho khách đi tàu. Xe ô tô đậu kín bãi trước sân ga. Người ta thường đi ô tô đến ga rồi chuyển sang đi tàu vừa tiện vừa rẻ.

Từ nhà ga ngầm trung tâm Perth có năm nhánh đường sắt tỏa đi khắp năm vùng ngoại thành. Tại đây lúc nào cũng tấp nập, nhưng không hề thấy nhân viên nhà ga. Khách tự động mua vé ở máy bán vé tự động hoặc quẹt thẻ. Đường đi lối lại lên xuống cầu trượt đều có biển chỉ dẫn không phải hỏi ai.

Tàu dạng xe điện chạy trên đường ray. Đường ray nằm thấp bên dưới, sàn tàu ngang bằng với mặt sân. Tàu đỗ sát ngay vỉa sân, chỉ cách chừng vài ba centimet, người già, trẻ nhỏ, xe lăn đi vào rất tiện lợi và an toàn.

Đoàn tàu thon dài, các toa ăn thông nhau, mỗi toa chia làm hai, có hai hàng ghế hai bên; cạnh cửa có mấy ghế ưu tiên cho người già, khuyết tật và để xe lăn. Khi khách đông vẫn phải đứng, bám vào quai nắm trên trần. Khách đi tàu hầu như chỉ mang túi xách hoặc ba lô, không ai mang theo va ly hay hàng hóa cồng kềnh, nhiều người tranh thủ đọc sách.

Trên tàu cũng không hề thấy một nhân viên nào. Chỉ thảng hoặc bất chợt mới có hai nhân viên lên soát vé. Hầu như không có ai đi lậu vé cả. Tàu đến ga nào đều có phát thanh và bảng điện tử thông báo trước. Tàu chỉ dừng tại các ga mấy phút để khách ra vào toa (chứ không phải lên xuống) và thông báo cửa đã đóng.

Tại các nhà ga đều thông thoáng, cũng không thấy có nhân viên, tất cả đều tự động hóa. Tại ga nào cũng có bảng giờ tàu. Tàu đi, tàu đến đều sít sao so với giờ quy định. Bảng điện tử báo tàu sắp đến chính xác từng phút để khách chuẩn bị lên tàu.

Mỗi tuyến có hai đường ray xuôi và ngược chạy song song, tách biệt nhau. Đường tàu ngăn cách hẳn với đường ôtô chạy hai bên và không thể đi bộ tắt ngang được. Các đường ô tô giao cắt với đường tàu hoặc chui bên dưới cầu tàu hoặc chạy qua cầu phía trên.

Một hành trình trên tàu luôn diễn ra êm ả, có thể nói là tuyệt đối an toàn, hầu như không thể xảy ra bất kỳ ách tắc nào.

Môtô, xe đạp

Người dân Perth không dùng xe môtô làm phương tiện đi lại. Chỉ có dân thể thao sử dụng xe phân khối lớn. Xe môtô thể thao đắt hơn ô tô và thi lấy bằng lái môtô khó hơn lấy bằng lái ô tô. Dân chơi môtô trang bị mũ áo bảo hiểm như các vận động viên thực thụ và họ thường phóng nhanh vượt xe ô tô trên đường.

Chỉ có người đưa báo là dùng xe môtô thường có cắm cờ và mặc trang phục riêng

Một người đi xe đạp để rèn luyện sức khỏe ở Perth. Ảnh: Tripadvisor

Xe đạp cũng là phương tiện thể thao. Một số học sinh cũng đạp xe, nhưng đi trên hè có vỉa lát bê tông dành cho người đi bộ và xe đạp. Các cua-rơ có đường tập riêng xuyên qua các trảng rừng.

Hằng ngày ít thấy người đi bộ vì ra cửa là lên xe ô tô. Chỉ có ông bà già buổi sáng hay chiều đi bộ hoặc dắt chó đi dạo.

Trẻ em không thấy chạy ra đường. Bố mẹ đưa con đến trường bằng ô tô. Chỉ các em nhà gần mới đi bộ đến trường, nhưng trẻ dưới 12 tuổi phải có người lớn đi kèm. Tại những đoạn đường gần trường học xe ô tô phải đi chậm, vào giờ đến trường và tan học luôn có mặt cộng tác viên của cảnh sát (thường là người về hưu làm tình nguyện) cầm cờ và thổi còi ra hiệu cho xe dừng lại để học sinh qua đường.

Mấy tháng ở Perth, tôi không hề nghe thấy một vụ tai nạn giao thông nào cả. Người dân ở đây cho biết nếu có vụ tai nạn nào xảy ra chết người là chuyện cực kỳ tai tiếng, nhưng hầu như cả năm không xảy ra. Còn chuyện va quệt hay lạc tay lái của đôi ba anh chàng quá chén cũng có nhưng hiếm lắm. Khi đang ở Australia, nghĩ về giao thông của nước ta mà rùng mình.

Nguyễn Như Mai

GIAO THÔNG VIỆT NAM