Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra đường bộ như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra đường bộ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về giao thông đường bộ.
2. Thông tư này áp dụng đối với lực lượng Thanh tra đường bộ, bao gồm: Thanh tra Bộ Giao thông vận tải, Thanh tra Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Thanh tra Sở Giao thông vận tải và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thanh tra chuyên ngành về giao thông đường bộ.
Điều 2. Phạm vi hoạt động của Thanh tra đường bộ
1. Thanh tra Bộ Giao thông vận tải thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi quản lý nhà nước về giao thông vận tải đường bộ của Bộ Giao thông vận tải.
2. Thanh tra Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
3. Thanh tra Sở Giao thông vận tải thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi quản lý nhà nước về giao thông vận tải đường bộ của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và phạm vi quản lý quốc lộ được uỷ thác cho Sở Giao thông vận tải.
Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra đường bộ
1. Thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình đường bộ, cụ thể như sau:
a) Thực hiện quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
b) Áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật công trình đường bộ; bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và an toàn giao thông của công trình đường bộ;
c) Bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ đang khai thác;
d) Quản lý, bảo trì đường bộ;
đ) Quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ;
e) Đấu nối vào đường chính;
g) Thẩm định an toàn giao thông đối với công trình đường bộ.
2. Thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải tại cơ sở kinh doanh vận tải đường bộ, điểm dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí và khi phát hiện phương tiện (có hành vi vi phạm) dừng, đỗ trên đường bộ, cụ thể như sau:
a) Vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định; bằng xe buýt; bằng xe taxi; theo hợp đồng và vận chuyển khách du lịch bằng xe ô tô;
b) Vận tải hàng hóa thông thường; vận tải hàng hóa bằng xe taxi tải; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; vận chuyển hàng nguy hiểm;
c) Dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, bao gồm: dịch vụ tại bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, đại lý vận tải, đại lý bán vé, dịch vụ gom hàng, dịch vụ chuyển tải, dịch vụ kho hàng, dịch vụ cứu hộ vận tải đường bộ.
3. Thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân trong hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe cơ giới đường bộ (trừ hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe của lực lượng quân đội, công an), cụ thể như sau:
a) Điều kiện, tiêu chuẩn của cơ sở đào tạo lái xe;
b) Tổ chức đào tạo lái xe; thực hiện nội dung, chương trình, lưu lượng đào tạo của cơ sở đào tạo;
c) Điều kiện, tiêu chuẩn của trung tâm sát hạch lái xe;
d) Tổ chức kỳ sát hạch lái xe cơ giới đường bộ;
đ) Cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe cơ giới đường bộ và chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.
4. Thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới; đăng ký, đăng kiểm xe máy chuyên dùng, cụ thể như sau:
a) Điều kiện, tiêu chuẩn của Trung tâm đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ;
b) Thực hiện quy trình kiểm định của Trung tâm đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ;
c) Điều kiện, tiêu chuẩn của đăng kiểm viên và các chức danh khác của Trung tâm đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ;
d) Tổ chức thực hiện đăng ký xe máy chuyên dùng.
5. Giám sát đột xuất kỳ sát hạch lái xe cơ giới đường bộ, cụ thể như sau:
a) Thanh tra đường bộ được phân công giám sát kỳ sát hạch thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn giám sát theo quy định tại Thông tư số 07/2009/TT-BGTVT ngày 19 tháng 6 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ;
b) Khi phát hiện kỳ sát hạch có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Thanh tra viên hoặc Tổ trưởng Tổ giám sát báo cáo Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải trình Giám đốc Sở Giao thông vận tải hoặc Chánh Thanh tra Tổng cục Đường bộ Việt Nam trình Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam quyết định thanh tra đột xuất kỳ sát hạch.
Trường hợp kiến nghị của Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải, Chánh Thanh tra Tổng cục Đường bộ Việt Nam không được chấp thuận thì có quyền bảo lưu và báo cáo Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải để có biện pháp xử lý theo quy định;
c) Tổ giám sát và Thanh tra viên được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật đã trang bị trong quá trình giám sát.
6. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật.
7. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật về thanh tra.
Điều 4. Dừng phương tiện giao thông đường bộ
1. Dừng phương tiện giao thông đường bộ trong trường hợp cấp thiết để kịp thời ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra đối với công trình đường bộ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 86 Luật Giao thông đường bộ, cụ thể như sau:
a) Phương tiện giao thông đường bộ đang lưu hành có dấu hiệu vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường bộ;
b) Phương tiện giao thông đường bộ đang lưu hành có dấu hiệu vượt khổ giới hạn cho phép của cầu, đường bộ;
c) Xe bánh xích lưu thông trực tiếp xích trên đường làm hư hại đường bộ;
d) Phương tiện giao thông đường bộ đổ đất, vật liệu xây dựng, các phế liệu khác trái phép lên đường bộ hoặc vào hành lang an toàn đường bộ.
2. Dừng phương tiện giao thông đường bộ để đình chỉ hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 53 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính: khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của Thanh tra đường bộ quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Thanh tra đường bộ đang thi hành công vụ yêu cầu người điều khiển phương tiện vi phạm dừng phương tiện để lập biên bản và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
3. Khi dừng phương tiện giao thông đường bộ, Thanh tra đường bộ có trách nhiệm sau đây:
a) Yêu cầu người điều khiển phương tiện xuất trình các giấy tờ liên quan;
b) Cân, đo, đếm để xác định tải trọng trục xe, tổng trọng lượng xe, kích thước hàng hoá, khổ giới hạn của phương tiện và ghi rõ vào biên bản vi phạm (nếu có);
c) Lập biên bản theo quy định và tạm giữ các giấy tờ liên quan để bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
d) Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
đ) Yêu cầu người điều khiển phương tiện hạ tải ngay phần quá tải, dỡ phần quá khổ, lắp guốc vào bánh xích; nếu gây hư hại cầu, đường phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra;
e) Yêu cầu người điều khiển phương tiện dọn chuyển ngay phần đất, vật liệu xây dựng, các phế liệu khác đã đổ trái phép lên đường bộ hoặc hành lang an toàn đường bộ;
g) Báo cáo cấp trên trực tiếp về việc dừng phương tiện khi kết thúc ca làm việc.
4. Việc dừng phương tiện giao thông đường bộ được thực hiện bằng hiệu lệnh dừng phương tiện quy định tại Điều 5 của Thông tư này.
5. Nghiêm cấm việc tuỳ tiện dừng phương tiện ảnh hưởng đến hoạt động của người và phương tiện tham gia giao thông.
Điều 5. Hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông đường bộ
1. Hiệu lệnh dừng phương tiện được thực hiện thông qua tín hiệu dừng phương tiện, bao gồm:
a) Bằng gậy chỉ huy giao thông hoặc biển hiệu lệnh STOP;
b) Còi, loa pin cầm tay, loa điện gắn trên phương tiện;
c) Barie hoặc rào chắn.
2. Hiệu lệnh dừng phương tiện bằng gậy chỉ huy giao thông hoặc biển hiệu lệnh STOP khi Thanh tra viên đứng trên đường:
Thanh tra viên đứng nghiêm tại vị trí an toàn và người điều khiển phương tiện có thể quan sát được, mặt hướng về phía phương tiện giao thông có dấu hiệu vi phạm, tay phải cầm gậy chỉ huy giao thông (hoặc biển hiệu lệnh STOP) theo phương song song với mặt đất, lòng bàn tay giữ cho gậy chỉ huy giao thông (hoặc cán vợt biển hiệu lệnh STOP) ở vị trí thẳng đứng.
Khi người điều khiển phương tiện nhận được tín hiệu và giảm tốc độ, Thanh tra viên dùng gậy chỉ huy giao thông hoặc biển hiệu lệnh STOP kết hợp với âm hiệu còi hướng dẫn phương tiện đỗ vào vị trí phù hợp và an toàn để thực hiện việc kiểm tra.
3. Hiệu lệnh dừng phương tiện bằng gậy chỉ huy giao thông hoặc biển hiệu lệnh STOP khi Thanh tra viên ngồi trên phương tiện giao thông:
Thanh tra viên cầm gậy chỉ huy giao thông hoặc biển hiệu lệnh STOP đưa sang ngang phía phương tiện có dấu hiệu vi phạm để người điều khiển phương tiện có thể nhìn thấy. Trường hợp phương tiện của Thanh tra đường bộ đi cùng chiều và ở phía sau phương tiện có dấu hiệu vi phạm, thanh tra viên dùng loa yêu cầu người điều khiển phương tiện dừng lại.
Khi người điều khiển phương tiện giảm tốc độ và dừng lại vào vị trí theo hướng dẫn, phương tiện của Thanh tra đường bộ đỗ vào vị trí thích hợp để thực hiện việc kiểm tra.
Điều 6. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký.
2. Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này đối với lực lượng Thanh tra đường bộ.
3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ thuộc Bộ Giao thông vận tải; Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Giám đốc các Sở Giao thông vận tải; Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận:
– Như Điều 6; – Văn phòng Chính phủ; – Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; – UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; – Uỷ ban An toàn Giao thông quốc gia; – Các Thứ trưởng Bộ GTVT; – Tổng cục Đường bộ Việt Nam; – Các Sở Giao thông vận tải; – Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); – Công báo; – Website Chính phủ, Website Bộ GTVT; – Lưu: VT, TTr (20). |
BỘ TRƯỞNG(đã ký)
Hồ Nghĩa Dũng |