Giải quyết án tai nạn giao thông trong trường hợp lỗi hỗn hợp gây hậu quả cho người thứ ba

2639

Hiện nay vấn đề giải quyết vụ án Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp xác định hai bên cùng có lỗi gây hậu quả cho người thứ ba là rất phức tạp. Trường hợp này khởi tố cả hai bên hay chỉ khởi tố một bên còn có những quan điểm khác nhau về mặt lý luận và thực tiễn áp dụng.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Trường hợp hai bên cùng có lỗi gây ra cái chết cho bên thứ ba thì cần phải khởi tố cả 02 bên vì cả hai bên cùng có lỗi vi phạm Luật giao thông đường bộ đã dẫn đến việc gây ra tai nạn giao thông, có hậu quả xảy ra nên cả hai bên cùng phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả đó.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Trường hợp hai bên cùng có lỗi gây ra cái chết cho bên thứ ba thì cũng không thể khởi tố cả 02 bên liên quan mà chúng ta chỉ có thể khởi tố đối với một trong hai bên liên quan. Cá nhân tôi đồng tình với quan điểm thứ hai bởi các lý do sau:

Vì nếu chúng ta khởi tố cả hai bên vô hình chung chúng ta đã coi đây là đồng phạm trong vụ án, cả hai cùng là người thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, về mặt lý luận đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên, cố ý cùng thực hiện một tội phạm, có sự thống nhất về ý chí và phải là lỗi cố ý. Tuy nhiên trong vụ án Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ chỉ là lỗi vô ý và không thể có đồng phạm. Do vậy, nếu chúng ta khởi tố cả hai bên sẽ mâu thuẫn về mặt lý luận đồng phạm trong vụ án.

Khám nghiệm hiện trường

Để quyết định khởi tố ai trong vụ tai nạn giao thông này chúng ta phải xác định rõ các yếu tố hành vi (nguyên nhân), hậu quả và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả xảy ra. Trong vụ án có lỗi hỗn hợp này qua công tác khám nghiệm hiện trường, tử thi, phương tiện và kết quả ghi lời khai để xác định, đánh giá mức độ lỗi của các bên liên quan làm căn cứ khởi tố. Theo đó chúng ta phải xác định đâu là lỗi chính, đâu là lỗi liên quan, đâu là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tai nạn giao thông và là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới hậu quả.

Ví dụ cụ thể: A điều khiển xe mô tô chở C ngồi phía sau (cả hai đều không đội mũ bảo hiểm). Tại đường giao nhau A điều khiển xe mô tô từ trong đường nhánh chuyển hướng không có tín hiệu đèn báo trước xin chuyển hướng, A thấy có xe ô tô đang lưu thông từ đường chính đến nhưng vẫn cố tình tăng ga cho xe sang đường. Do B điều khiển xe ô tô đến đoạn đường giao nhau không chú ý quan sát, không nhường đường cho xe đi đến từ bên phải đã đâm va vào bánh sau bên phải của xe mô tô gây tai nạn. Hậu quả: làm C ngã đập đầu xuống đường tử vong tại chỗ. Trong vụ việc này xác định hai bên A và B cùng có lỗi, trong đó lỗi của A không chú ý quan sát, không đội mũ bảo hiểm, không có tín hiệu báo hướng rẽ, lỗi của B không chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ, hậu quả C ngồi sau xe A tử vong.

Để giải quyết vụ án này có quan điểm cho rằng phải khởi tố cả A và B (quan điểm 1) vì cả A và B cùng có lỗi trong vụ tai nạn giao thông. Cá nhân tôi cho rằng trong vụ tai nạn trên chỉ tiến hành khởi tố truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A vì lỗi chuyển hướng xe không có tín hiệu báo rẽ, không nhường đường tại nơi giao nhau là nguyên nhân chính, nguyên nhân trực tiếp dẫn tới vụ tai nạn giao thông.

Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 điều 15 Luật giao thông đường bộ quy định về chuyển hướng xe thì “1. Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo rẽ; 2. Khi lái xe, chuyển hướng, người lái xe phải ….. chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác”.

Tại khoản 3 Điều 24, Luật giao thông đường bộ quy định về nhường đường tại nơi giao nhau: “Tại nơi giao nhau giữa đường không ưu tiên và đường ưu tiên hoặc giữa đường nhánh và đường chính thì xe đi từ đường không ưu tiên hoặc đường nhánh phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên hoặc đường chính từ bất kỳ hướng nào tới”.

Việc B có lỗi không chú ý quan sát, không nhường đường cho xe đi từ bên phải (khoản 1 Điều 24 Luật giao thông đường bộ) chỉ là lỗi liên quan, không phải là nguyên nhân chính dẫn tới vụ tai nạn giao thông nên chỉ xử lý hành chính đối với B là hợp lý.

Trên đây là quan điểm cá nhân trong việc giải quyết án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ có yếu tố lỗi hỗn hợp gây hậu qủa cho người thứ ba, rất mong nhận được những ý kiến đóng góp, trao đổi của các đồng chí, đồng nghiệp.

Nguyễn Thị Phúc – VKS Lạc Sơn

Luật sư công ty luật Dragon – Chuyên giải quyết các vụ án tai nạn giao thông