Hàng không ngoại đua mở đường bay đi đến Việt Nam

900

Trong khi tình hình kinh tế khó khăn, nhiều hãng hàng không ngoại vẫn duy trì thậm chí mở đường bay mới quốc tế đi và đến Việt Nam. Cục Hàng không Việt Nam đánh giá đây là tín hiệu khả quan.

Hàng không mới sẽ được ưu đãi khi mở đường bay

Hàng không VN sẽ tăng trưởng nhanh thứ 3 thế giới’

Vào cuối tháng 3, hãng hàng không United (Mỹ) và ANA (Nhật Bản) thông báo mở rộng Liên doanh xuyên Thái Bình Dương, cho phép hai hãng này hợp tác về giá, mạng bay trên tuyến đường giữa Việt Nam – Mỹ bắt đầu từ 1/4. Với việc mở rộng liên doanh, khách hàng Việt Nam sẽ được lựa chọn đường bay đi Mỹ trung chuyển qua Hong Kong hoặc Nhật Bản trên cả hai hãng.

Trước đó, ngày 23/3, Cebu Pacific của Philippines cũng khai trương đường bay mới Manila – Hà Nội với tần suất hai chuyến một tuần.

Không những chở khách, vận chuyển hàng hóa cũng quan tâm đến Việt Nam. Cũng trong tháng 3, hãng Saudi Airlines Cargo (Ả Rập Xê Út) đã triển khai dịch vụ chở hàng từ TP HCM, hai chuyến một tuần kết nối Việt Nam với vùng Trung Đông và Frankfurt (Đức).

Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong thời gian tới sẽ tiếp tục có nhiều hãng ngoại tìm đến thị trường Việt. Silk Air của Singapore đang có nguyện vọng mở đường bay tới Hà Nội, hiện nay hãng chỉ dừng ở việc khai thác đến Đà Nẵng.

Ngày càng nhiều hãng hàng không ngoại quan tâm đến thị trường Việt Nam. www.giaothongvietnam.vn

Emirates của Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất đặt vấn đề tháng 6 tới khai thác tuyến từ Dubai đến TP HCM. Hãng Jeju Air của Hàn Quốc cho biết sẽ mở đường bay từ Seoul đến TP HCM với tần suất mỗi ngày một chuyến

Tuy nhiên, cũng có một vài đơn vị dừng bay vì các lý do khác nhau. Ví dụ LOT Polish Airlines của Ba Lan khai thác 3 chuyến một tuần từ thủ đô Ba Lan tới Hà Nội đã ngừng bay vì khó khăn về thị trường.

Jetstar Airway của Australia không tiếp tục bay thẳng Darwin – TP HCM, thay vào đó họ phối hợp mạng lưới bay của Tập đoàn Jetstar từ Darwin tới Singapore sau đó đến Việt Nam.

Các chuyên gia hàng không nhận định đây là tín hiệu tốt với thị trường Việt Nam.

“Thị trường vận chuyển quốc tế vẫn khả quan, có dấu hiệu cho thấy sự tăng trưởng”, đại diện Cục Hàng không cho biết.

“TP HCM là một thị trường đang lên khi Trung Quốc ngày càng trở nên đắt đỏ, việc sản xuất đang dần chuyển dịch sang Việt Nam và những quốc gia đang phát triển khác”, ông Peter Scholten, Phó chủ tịch phụ trách thương mại của Saudi Airlines Cargo phân tích.

Điều này phù hợp với dự báo của Hiệp hội Hàng không thế giới (IATA) vào năm 2011, theo đó khẳng định trong 3 năm tới Việt Nam sẽ là thị trường tăng trưởng nhanh thứ 3 thế giới (cả vận chuyển hành khách và hàng hóa).

IATA cho biết dự báo trên dựa vào mức tăng trưởng hàng không bình quân của thế giới hiện nay là 5% (vào năm 2011). Đến năm 2014, con số này của Việt Nam có thể đạt tới 10%.

Để đáp ứng tốc độ tăng trưởng đó, Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng hàng không, có kế hoạch xây sân bay Long Thành, nâng cấp Nội Bài – Hà Nội, Cam Rang, Đà Nẵng cũng có nhà ga mới.

Mặt khác, đầu tháng 11 năm ngoái, việc Bộ Tài chính có quyết định điều chỉnh một số loại phí theo hướng ưu đãi cho các hãng hàng không lần đầu mở đường bay quốc tế đi đến Việt Nam được xem là một cú hích tạo sự thu hút đối với các hãng ngoại.