Luật giao thông đường bộ với việc phân biệt rõ hai tội về giao thông

1012
Nếu hành vi chống người thi hành công vụ mà gây ra thương tật trên 11% cho người thi hành công vụ thì truy cứu trách nhiệm hình sự người vi phạm về tội cố ý gây thương tích.

Nhiều tòa còn nhầm lẫn giữa tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ với tội cản trở giao thông đường bộ. Cạnh đó, cơ quan tố tụng cũng lúng túng khi truy cứu trách nhiệm hình sự người gây thương tích cho người thi hành công vụ…

Theo Tòa Hình sự TAND Tối cao, hiện nay nhiều địa phương còn lúng túng trong việc xử lý các tội phạm về giao thông. Đặc biệt, nhiều tòa nhầm lẫn khi áp dụng Điều 202 BLHS (tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ) với Điều 203 BLHS (tội cản trở giao thông đường bộ).

Phân biệt ra sao?

Tòa hình sự cho rằng cả hai tội danh trên cùng là hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và gây hậu quả nghiêm trọng (gây thiệt hại về tính mạng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác). Tuy nhiên, các tòa địa phương cần phân biệt như sau:

Nếu hành vi vi phạm quy định về quy tắc giao thông, do người điều khiển phương tiện giao thông thực hiện trong quá trình điều khiển phương tiện giao thông thì cơ quan tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự người vi phạm về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Nếu hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông nhưng không do người điều khiển phương tiện giao thông thực hiện trong quá trình điều khiển phương tiện giao thông mà làm cản trở người khác tham gia giao thông một cách an toàn thì truy cứu về tội cản trở giao thông đường bộ.

Một phiên xử lưu động về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Ảnh: HTD

Chẳng hạn, ông A lái xe ô tô, do xe bị hỏng đèn pha nên dừng xe vào bên phải đường (phần dành cho xe máy lưu thông) rồi đi tìm thợ sửa xe. Thời điểm này là 21 giờ đêm nhưng ông A không thực hiện các biện pháp cảnh báo nguy hiểm theo quy định của Luật Giao thông đường bộ. Hậu quả là bà B đi xe máy cùng chiều đã không quan sát thấy, tông vào ô tô tử vong. Như vậy, các cơ quan tố tụng phải xác định hành vi của ông A cấu thành tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ chứ không phải tội cản trở giao thông đường bộ.

Chống người thi hành công vụ gây thương tích, xử sao?

Bên cạnh đó, Tòa Hình sự TAND Tối cao nhận thấy nhiều địa phương còn lúng túng khi truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi chống người thi hành công vụ mà có gây ra thương tích cho người thi hành công vụ.

Hiện có hai luồng quan điểm khác nhau của các tòa địa phương khi xử lý trường hợp này: Quan điểm thứ nhất cho rằng hành vi trên vẫn cấu thành tội chống người thi hành công vụ (Điều 257 BLHS). Ngược lại, quan điểm thứ hai cho rằng hành vi trên cấu thành tội cố ý gây thương tích và thuộc trường hợp gây thương tích để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân (điểm k khoản 1 Điều 104 BLHS).

Vướng mắc này được tòa hình sự định hướng giải quyết như sau:

Nếu hành vi chống người thi hành công vụ mà gây ra thương tật trên 11% cho người thi hành công vụ thì truy cứu trách nhiệm hình sự người vi phạm về tội cố ý gây thương tích và thuộc trường hợp gây thương tích để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. Nếu trong quá trình chống người thi hành công vụ mà cố ý tước đoạt tính mạng của người thi hành công vụ thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự người vi phạm về tội giết người. Trường hợp này đươc gọi là sự chuyển hóa tội phạm.

Đối với trường hợp gây thương tật dưới 11% cho người thi hành công vụ, cơ quan tố tụng nên truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ (Điều 257 BLHS) vì phù hợp với ý thức chủ quan, động cơ, mục đích của người phạm tội và đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này. Thực tế, trường hợp này đã có địa phương xử lý về tội cố ý gây thương tích nhưng sau đó phải đình chỉ vì người thi hành công vụ với tư cách là người bị hại rút yêu cầu khởi tố.

Một số vướng mắc khác

Nhiều địa phương băn khoăn về tình huống không xác định được người phạm tội chiếm đoạt tài sản là ai hoặc người có hành vi chiếm đoạt tài sản không đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì có xử lý người tiêu thụ tài sản về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 250 BLHS) hay không. Theo tòa hình sự, chỉ cần người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự mà có hành vi tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có thì đã đủ yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.

Một vấn đề khác: Nhiều thẩm phán hiện còn nhầm lẫn giữa thẩm quyền trưng cầu giám định pháp y tâm thần với thẩm quyền trưng cầu giám định thương tích nên có nhiều vụ án bị hủy vì vi phạm về thẩm quyền trưng cầu giám định. Theo Điều 65, Điều 155 BLTTHS thì trong quá trình tiến hành tố tụng, cơ quan tố tụng có thẩm quyền trưng cầu giám định khi xét thấy cần thiết. Tuy nhiên, theo Điều 34, Điều 36, Điều 38, Điều 39, Điều 311 BLTTHS thì cơ quan điều tra và VKS có thẩm quyền trưng cầu giám định, còn TAND có thẩm quyền trưng cầu giám định pháp y khi có căn cứ cho rằng người phạm tội không có năng lực trách nhiệm hình sự. Như vậy, theo tòa hình sự, trong giai đoạn xét xử, tòa chỉ có thẩm quyền trưng cầu giám định pháp y tâm thần. Nếu xét thấy cần trưng cầu giám định khác thì phải trả hồ sơ cho VKS.

Ngoài ra, tòa hình sự còn kiến nghị các tòa địa phương trong quá trình xét xử, nếu gặp những tình huống phát sinh nào vướng mắc thì cứ mạnh dạn có văn bản để tòa hình sự tháo gỡ và làm cơ sở tổng kết thực tiễn xét xử cho các tòa khác rút kinh nghiệm.

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Luật sư Nguyễn Minh Long