“Cưỡng bức giao thông thì người dân mới quen”

996

Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho rằng, đi xe máy, lái ôtô mà nghe điện thoại, lắc lư, phân tán tư tưởng thì có khi còn tự ngã chứ không phải chỉ đâm vào biển báo phân làn đặt giữa đường.

– Vừa qua, Sở Giao thông Vận tải tổ chức thí điểm phân làn trên một số tuyến phố nhưng do biển báo đặt giữa đường nên đã gây ra hàng loạt tai nạn giao thông khi người đi xe đâm vào biển báo. Ông suy nghĩ thế nào về thực trạng này?

– Chưa bao giờ chúng tôi dùng từ “thí điểm” mà là làm thật. Bởi nếu không làm thì lộn xộn, không biết bao giờ mới xử lý được. Chúng ta bắt buộc phải làm, nước nào cũng phải làm và Luật giao thông quy định như thế. Làm gì có chuyện phương tiện đi lẫn lộn như vậy. Phải tổ chức giao thông có trật tự hơn.

Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, do đặt biển trên cao không được người dân thực hiện nên phải cưỡng bức giao thông bằng cách đặt biển trên đường. Ảnh: Tiến Dũng.

Có nhiều cách đặt biển như để trên cao, sơn kẻ dưới đường, làm dải phân cách điện tử… Trước đây đặt biển trên cao nhưng người dân không thực hiện nên nay không có cách nào khác là cưỡng bức giao thông thì người dân mới quen. Nhưng ngay trước mặt mà chúng ta không làm được thì những cách khác khó thực hiện. Cắm cột báo, có vỉa ba toa như thế, có thanh tra, cảnh sát đứng hướng dẫn mà còn cứ đâm vào thì y học bó tay rồi.

Lái xe phải quan sát bởi trong phố tốc độ chỉ 25-30 km, tối đa không quá 50 km một giờ. Đi xe máy, lái ôtô mà cứ nghe điện thoại rồi còn lắc lư, phân tán tư tưởng thì có khi còn tự ngã chứ không phải chỉ đâm vào cột.

– Như ông nói, việc lái xe tự đâm vào biển báo là hoàn toàn là lỗi của người dân hay có trách nhiệm của Sở?

– Cái này có khi các anh trả lời hay hơn chúng tôi trả lời. Tôi cắm vỉa ba toa bảo là không được đi vào nhưng lại cứ nhảy vào. Dải phân cách có cỏ, cây lại cứ nhảy qua thì tôi cũng đến thua. Có người còn vác cả xe máy qua dải phân cách cứng, phá cả dải phân cách cứng.

– Vậy, theo Luật Giao thông đường bộ, có được cắm cột biển báo ở giữa đường tại nơi không phải là nút giao thông?

– Đặt câu hỏi thế này thì khó cho tôi quá. Luật có quy định cắm cột ở giữa đường không? Nếu cắm một cái cột ở giữa đường thì không có. Nhưng đó là dải phân cách cứng và tôi cắm biển đúng vào dải phân cách chứ không cắm giữa đường.

– Trước đây Hà Nội đã phân làn ở đường Đại Cồ Việt và Trần Khát Chân, Kim Mã nhưng đều thất bại. Vậy lần này, Sở Giao thông rút kinh nghiệm như thế nào cho việc phân làn lại trên các tuyến phố này?

– Chúng tôi rút kinh nghiệm sâu sắc, bàn rất kỹ nhưng không được nói ra. Tôi làm ngành giao thông vận tải từ ngày ra trường, những gì đã qua là bài học để rút kinh nghiệm. Chưa có hội thảo nào đánh giá rằng ngày xưa chúng ta phân làn các tuyến theo tổ chức Jica là thành công hay thất bại. Nhưng tôi cho là ít nhiều cũng thành công bởi có hồi chuông cảnh tỉnh với người dân Hà Nội rằng không thể đi lộn xộn như thế được, dứt khoát phải theo làn. Kiến đi như thế được mà người lại không đi được?

Chưa có đánh giá nào về phân làn nên cho phép tôi không được nói vì nói đôi khi lại đụng chạm. Năm 2003 và 2005 có dự án của Jica ủng hộ nhưng kết thúc dự án gần như chúng ta không duy trì được.

– Việc phân làn trên 4 tuyến hiện nay chưa có điều tra, cơ sở khoa học nào, trong khi trên các tuyến này vẫn còn nhiều vấn đề như tai nạn, cắm biển chưa hợp lý… Vậy với mỗi lần tiến hành phân làn, Sở đã lấy ý kiến các nhà khoa học hay tổ chức hội thảo?

– Không cần phải hội thảo bởi vì Luật Giao thông đường bộ quy định làn nào ra làn ấy, phương tiện nào đi theo dòng phương tiện ấy. Thế giới làm lâu rồi, còn mình mới cơ giới hóa được ít năm, có gì ghê gớm đâu. Trước đây có một thời điểm ở Hà Nội chúng ta sợ chết khiếp xe đạp vì không thể nào đi được, xe đạp phải đội lên đầu để đi qua ngã tư.

Tính toán của chúng tôi cực kỳ khoa học và cũng đã chạy mô hình. Nếu chạy với tốc độ 30 km một giờ, đủ điều kiện để chuyển làn bình thường, không va chạm; đừng đi với 60-70 cây số bởi như thế là đâm.

– Vừa qua, một số nhà khoa học cho rằng, đối với các hướng rẽ ở nút, cần để cho xe máy đứng trước ôtô chừng 20 mét để cho việc lưu thông được thuận tiện hơn. Sở Giao thông đã xem xét, đánh giá ý kiến này thế nào?

– Tôi nhận được rất nhiều thông tin về chống ùn tắc cho các nút. Có ý kiến cho rằng, hãy cho xe máy xuất phát trước ôtô 5-15 giây trước khi vào ngã tư. Chúng tôi đang tiếp thu ý kiến đó và cho chạy thử mô hình và nếu thành công thì mới dám đưa ra ngoài thực tiễn. Bây giờ cũng không dám trả lời có dám làm hay không.

– Vậy khi nào thành phố xử lý các trường hợp vi phạm?

– Những trường hợp cố tình vi phạm và chống đối người thi hành công vụ thì sẽ kiên quyết xử lý nhưng kế hoạch xử lý hiện vẫn chưa làm mà chỉ vận động, tuyên truyền và sau khi hình thành tất cả những tuyến phố tương đối đồng đều, nề nếp thì sẽ trình phương án lên UBND thành phố phê duyệt. Cưỡng chế xử lý vi phạm do công an thành phố làm chính, thanh tra giao thông và công an địa phương chỉ phối hợp xử lý.

Tôi tin là việc phân làn sẽ thành công. Nói thế là có căn cứ vì chỉ đạo xuyên xuốt từ thành phố trở xuống. Lâu ngày chúng ta bỏ quên động thái này thôi chứ trình độ người dân Hà Nội chẳng lẽ kém? Dân trí mình rất cao sao không tin là làm được. Tôi cho là chậm nhưng vẫn chưa muộn.

GIAO THÔNG VIỆT NAM