Định danh ngành nghề Uber, Grab để quản lý

1187

Giao thông Việt Nam – Công ty Luật Dragon sẽ cung cấp cho các bạn đọc những thông tin mới nhất về thông tin giao thông mới nhất mọi chi tiết Quý khách xin liên hệ Tổng đài tư vấn luật 1900599979 để được giải đáp.

Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, tới đây sẽ làm rõ Uber và Grab thuộc loại hình vận tải nào để quản lý chặt.

Tại Hội nghị đối thoại về vận tải khách bằng xe taxi thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử do Bộ GTVT tổ chức ngày 28/6, nhiều ý kiến tranh luận nảy lửa về xung đột giữa hai loại hình taxi truyền thống và taxi công nghệ.

Taxi truyền thống chết dần do Uber và Grab nở rộ?

Cuộc đối thoại “nóng” ngay từ đầu với phát biểu của ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM khi cho rằng, các đơn vị taxi có thể phá sản vì thua lỗ mà nguyên nhân do chính sách quản lý vận tải không kịp thay đổi. “Uber và Grab đang kinh doanh ở Việt Nam thực chất là loại hình gì? Thí điểm tại sao không khống chế số lượng xe mà lại cho phát triển vô tận? Làm thế nào bảo đảm sự cạnh tranh công bằng giữa xe hợp đồng và taxi truyền thống?”, ông Hỷ băn khoăn và cho biết, số lượng xe thí điểm hợp đồng điện tử tăng quá nhanh dẫn đến các quy hoạch của thành phố không còn ý nghĩa.

“Các hãng taxi có sử dụng phần mềm kết nối dễ dàng nhận diện nhờ có dán phù hiệu, logo, nhưng với các xe ứng dụng hợp đồng điện tử như Grab hay Uber lại “tàng hình”, qua mặt cơ quan quản lý”, ông Hỷ nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Long, Trưởng ban thư ký Hiệp hội taxi Hà Nội nêu, sau gần 2 năm thí điểm, Hà Nội và TP HCM đã có gần 40.000 xe hoạt động theo loại hình này. Như vậy, số lượng Grab và Uber gần gấp rưỡi số xe taxi hoạt động suốt 30 năm qua.

Về giá cước của Grab, Uber, ông Trương Đình Quý, Phó tổng Giám đốc taxi Vinasun cho rằng, không chênh lệch và không thấp hơn taxi, nhưng Grab và Uber rẻ hơn vì có nhiều chương trình khuyến mãi. “Phải dừng cấp phù hiệu xe hợp đồng dưới 9 chỗ và coi đây là loại hình taxi, quản lý giống như taxi, đồng thời tạm dừng mở rộng thí điểm hợp đồng điện tử”, ông Quý gay gắt nói.

Ở chiều ngược lại, ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc Grab Việt Nam nói: “Chúng tôi không biết định nghĩa phá giá là thế nào. Các chương trình khuyến mãi của Grab đều báo cáo với Sở Công thương của Hà Nội và TP HCM. Còn về số lượng xe, vì bí mật kinh doanh nên chúng tôi không thể công bố. Những buộc tội Grab làm sai pháp luật chúng tôi sẽ giải trình”.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Giám đốc chính sách của Uber VN cho biết: “Uber không phải là hãng taxi, cũng không phải là doanh nghiệp vận tải, không trực tiếp cung cấp dịch vụ vận tải và không sở hữu bất kỳ phương tiện vận tải nào. Tại Việt Nam, Uber hoàn toàn tuân thủ theo pháp luật Việt Nam, tham gia thí điểm theo đúng quy định, nộp thuế theo đúng quy định của Tổng cục Thuế”.

Liên quan đến các ý kiến trên, ông Hà Huy Quang, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội nêu quan điểm cho rằng, bất cập hiện nay là do số lượng xe hợp đồng tăng quá nhanh so với quy hoạch taxi. “Hà Nội đề nghị tạm dừng thí điểm về số lượng doanh nghiệp, phương tiện tham gia loại hình hợp đồng điện tử. Đồng thời, đề nghị Bộ GTVT cho phép Hà Nội quản lý logo. Nếu muốn quản lý được số lượng xe, phải quản được logo cấp phát”, ông Quang nói.

Tuy nhiên, không đồng tình với đề xuất này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định: “Bộ GTVT đã ủy quyền cho 5 tỉnh, thành tham gia thí điểm quy định số lượng xe. Các Sở GTVT phải tham mưu cho chính quyền để quản lý tốt việc này, bộ không làm thay được, số lượng xe, thời gian do UBND tỉnh, thành phố quyết định”.

Cùng đó, Thứ trưởng Trường cho rằng, Quyết định 24 của Thủ tướng cho phép cung cấp hợp đồng vận tải điện tử, không phải mở rộng thêm hãng taxi. Dịch vụ này ứng dụng trên phần mềm là chính, còn số lượng xe thực tế cũng như số lượng xe đăng ký phải theo quản lý của địa phương. Về phù hiệu, logo xe hợp đồng, Thứ trưởng Trường cho biết, thời gian tới sẽ giao cho UBND tỉnh, thành quyết định. Nếu cần thiết thay đổi logo thống nhất toàn thành phố để quản lý tốt hơn.

Sẽ làm rõ loại hình vận tải của Uber, Grab

Tại cuộc đối thoại, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN thẳng thắn nêu ý kiến: “Chúng tôi không phản đối áp dụng khoa học kỹ thuật vào điều hành vận tải. Hiện, còn nhiều ý kiến khác nhau về nhận diện loại hình Uber, Grab. Bộ GTVT cho rằng, đây là loại hình xe hợp đồng. Các hãng taxi truyền thống cho là xe taxi. Còn Uber và Grab lại không nhận mình là taxi. Chúng ta chưa nhận diện chính xác nó thuộc loại hình nào thì không quản lý được”.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, Bộ GTVT sẽ tiếp thu các ý kiến để làm rõ loại hình vận tải của Grab và Uber, là cung cấp dịch vụ hay làm vận tải hay cả hai chức năng này. Trong văn bản hiện nay đang quy định đây là loại hình xe hợp đồng điện tử. Khi xuất hiện Uber, Grab loại hình này sẽ như thế nào. Bộ GTVT sẽ tiếp thu để đưa vào sửa đổi Nghị định 86 sắp tới để có giải pháp quản lý thích hợp. “Tuy nhiên, tôi cho rằng đây là loại hình vận tải công cộng. Chúng ta cần có giải pháp để khẳng định mô hình này trong tương lai sẽ vẫn tồn tại”, Thứ trưởng Trường khẳng định và cho biết thêm, cuối năm nay sẽ kết thúc thí điểm, sẽ có tổng kết 2 năm mô hình thí điểm hợp đồng điện tử, đưa ra giải pháp quản lý tốt hơn. Hiện, Bộ GTVT vẫn tiếp tục xin ý kiến về Nghị định 86, trong đó có một chương quy định về xe hợp đồng điện tử sẽ cụ thể để quản lý tốt hơn, hay sẽ bổ sung chế tài vào Nghị định 46 để xử phạt nghiêm. Tới đây, Bộ GTVT sẽ làm việc với Grab và Uber, sẽ mời lãnh đạo các thành phố thí điểm, lãnh đạo Bộ Công thương, Tư pháp để làm rõ hơn về mô hình.

“Bộ GTVT sẽ chia sẻ dữ liệu của ngành GTVT với Bộ Tài chính để quản lý thuế tốt hơn, tránh câu chuyện không bình đẳng về thuế. Cùng với đó, làm việc với Bộ Công thương chống bán phá giá, không thể giảm giá, khuyến mãi phá vỡ quy luật thị trường. Việc giảm giá của Uber, Grab phải xem xét lại, đây là cạnh tranh để lôi kéo khách hàng, thể hiện mất cân bằng về năng lực với doanh nghiệp trong nước”, Thứ trưởng Trường khẳng định.

Mọi thông tin chi tiết Quý khách xin vui lòng liên hệ:

_________________________
Công ty Luật Dragon – Hotline: 1900599979
Website: www.congtyluatdragon.vn
Email : dragonlawfirm@gmail.com
Facebook : https://www.facebook.com/vanphongluatsudragon
Văn phòng Luật sư tại Hà Nội: Phòng 14.6, Tầng 14, Tòa nhà Vimeco, đường Phạm Hùng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
Văn Phòng Luật Sư tại Hải Phòng: Phòng 4.6 Tòa nhà Khánh Hội, Lô 2/3C đường Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền, Hải Phòng.