Giao thông Việt Nam: Để chống ùn tắc giao thông, theo kế hoạch từ nay đến 2015, Hà Nội sẽ đẩy nhanh các hạng mục công trình giao thông trọng điểm, phấn đấu hoàn thành 2 tuyến đường sắt đô thị: Nhổn – Ga Hà Nội và Cát Linh – Hà Đông.
Chiều 16/5, Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức họp để báo cáo lãnh đạo thành phố về danh mục các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông vận tải cần tập trung đầu tư giai đoạn 2011-2015.
Theo Kế hoạch phát triển giao thông Thủ đô từ nay đến 2015 đã được chỉnh sửa, Sở Giao thông Vận tải đề xuất nhu cầu vốn cho hạ tầng giao thông thành phố hơn 190.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 7.000 tỷ đồng, ngân sách thành phố là 130.000 tỷ đồng, vốn ODA là 12.500 tỷ đồng và vốn xã hội hóa là 40.000 tỷ đồng.
Để từng bước giải quyết nạn ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, từ nay tới năm 2015, Hà Nội sẽ tập trung hoàn thành quốc lộ 32 (đoạn Cầu Diễn – Nhổn), đường nối Nhật Tân – Nội Bài, đường 1A cũ đoạn Cầu Chui – Cầu Đuống, đường 1A cũ đoạn Văn Điển – Ngọc Hồi, quốc lộ 2 đoạn Phù Lỗ – Nội Bài…
Các tuyến vành đai sẽ hoàn thành, như vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu, Ô Đông Mác – Nguyễn Khoái. Với đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục sẽ được chuẩn bị đầu tư cùng với tuyến đê Hữu Hồng (từ cầu Nhật Tân đến cầu Chương Dương). Vành đai 2 sẽ hoàn thành đoạn Nhật Tân – Bưởi, cầu Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở – Ngã Tư Vọng và đường trên cao Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở. Vành đai 3 sẽ hoàn thành toàn tuyến từ Pháp Vân đến cầu Thăng Long….
Đặc biệt, để từng bước giải quyết ùn tắc giao thông, đơn vị đầu ngành giao thông của thành phố cho biết, sẽ phấn đấu hoàn thành 2 tuyến đường sắt đô thị là Nhổn – ga Hà Nội, Cát Linh – Hà Đông đến năm 2015.
Chỉ đạo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Khôi, Phó chủ tịch thành phố cho rằng, đến năm 2015, Hà Nội cần có đột phá như giải quyết ách tắc cục bộ tại 9 nút giao và các đường ngang; hoàn thành tuyến vành đai 3, vành đai 2 trên cao và các trục hướng tâm như các quốc lộ 32, 6, 1A cũ và đường Tây Thăng Long; xây dựng xong đường sắt đô thị và xe buýt nhanh.
Ông Phó chủ tịch thành phố cho rằng, đến 2015 Hà Nội phải có các vành đai và đường trục đô thị là điểm nhấn để giải quyết ách tắc cục bộ. Các quận cũng phải có đường trục chính.
Trước đó, Sở Giao thông vận tải đã trình lãnh đạo thành phố dự thảo kế hoạch phát triển giao thông vận tải giai đoạn 2015, trong đó dự trù khoản kinh phí lên tới gần 260 nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm giải quyết “bài toán” ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô.
Theo Kế hoạch phát triển giao thông vận tải trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn từ nay đến 2015, khoản kinh phí khổng lồ trên sẽ được dùng để đầu tư xây dựng các tuyến đường quốc lộ hướng tâm, đường vành đai, cao tốc, các trục chính đô thị, các tuyến nhánh, trục liên huyện, tỉnh lộ….
Tuy nhiên, ngay sau đó nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải, các sở, ngành Hà Nội đã cho rằng kế hoạch phát triển giao thông của Hà Nội tham vọng quá lớn, không nên đầu tư dàn trải.
(sưu tầm)