Làm thế nào để giải bài toán giao thông đô thị?

939

“Rất phức tạp”- đó là nhận xét của GS.TS Nguyễn Xuân Đào – phó chủ tịch thứ nhất Hội Nghiên cứu giao thông vận tải Đông Á – về mạng lưới giao thông đô thị tại Hà Nội và TP.HCM. Làm thế nào để giải bài toán giao thông đô thị?

Hội thảo “Giao thông cho đô thị tương lai: thách thức và cơ hội” tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 17 và 18-11 đã đưa ra nhiều ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này. TTCN đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Xuân Đào. Ông cho biết:

Hà Nội và TP.HCM đang trong giai đoạn bùng nổ về xe cộ. Đó là sự bùng nổ tất yếu trước nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân. Tuy nhiên, những biện pháp nhằm tăng cường an toàn giao thông như tổ chức giao thông đô thị, tuyên truyền kiến thức an toàn giao thông, thực hiện các biện pháp cưỡng chế… lại mới bắt đầu được quan tâm. Vì thế, chừng nào cả xã hội quan tâm tới xây dựng hạ tầng giao thông đô thị, tổ chức giao thông, tuyên truyền hiểu biết về giao thông… thì tình hình trật tự an toàn giao thông sẽ tốt.

* Thưa giáo sư, vì đâu nên nỗi “phức tạp” về mạng lưới giao thông ở hai đô thị lớn nhất nước ta hiện nay là Hà Nội và TP.HCM?

– Lỗi rất lớn của chúng ta là không nhìn trước được sự bùng nổ và phát triển ở các đô thị. Có một thời gian dài Hà Nội không có hệ thống giao thông công cộng. Xe buýt không có, tàu điện thì bỏ. Bây giờ Hà Nội đã phát triển trở lại mạng lưới giao thông công cộng dù muộn nhưng cũng góp phần đáng kể giải quyết tình trạng ách tắc giao thông.

Nguyên nhân khác dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông như hiện nay là do trước đây khi xây dựng hệ thống giao thông chúng ta không có tiền. Lúc đó chúng ta chú trọng nhiều đến xây dựng các trục đường quốc gia, những vùng quan trọng chứ ít chú ý tới giao thông trong đô thị. Ngoài ra, quyền chủ động của người quản lý không được mạnh. Mỗi vấn đề đưa ra giải quyết đều gặp phải sự chồng chéo. Người nào cũng có quyền nhưng không ai chịu trách nhiệm.

* Vậy theo giáo sư, biện pháp nào để phát triển giao thông đô thị hiệu quả?

– Biện pháp đầu tiên phải tính đến là phát triển mạng lưới giao thông công cộng. Có nhiều ý tưởng khác nhau nhưng đều thống nhất ở ý tưởng phát triển giao thông công cộng kết hợp với giao thông cá nhân. Xe buýt là phương tiện giao thông công cộng đầu tư nhanh nhưng lượng vận chuyển không nhiều và Nhà nước vẫn phải bù lỗ hằng năm. Các phương tiện vận chuyển khác như tàu điện ngầm, đường sắt trên cao vận chuyển khối lượng hành khách lớn hơn nhưng đầu tư tốn kém, không thể làm trong vài năm. Vì thế, phương tiện công cộng chính phải phát triển vẫn là xe buýt. Nhưng để người dân thích đi xe buýt thì phải có văn minh xe buýt.

Chuyện phụ xe buýt đánh hành khách ở Hà Nội, chuyện tài xế xe buýt gây tai nạn giao thông ở TP.HCM khiến người dân mất niềm tin vào mạng lưới xe buýt. Nhưng bên cạnh đó phải coi trọng phương tiện cá nhân là xe máy. Phải xây dựng những tuyến đường ưu tiên cho xe máy. Đấy là kinh nghiệm tôi rút ra từ nhiều dự án nghiên cứu chung với các nước trong khu vực. Phải kênh hóa dòng lưu thông hỗn hợp, tức là tách các loại phương tiện riêng ra, loại nào đi riêng đường của loại ấy. Ngoài ra phải tổ chức lại các nút giao thông bằng cách bố trí những nút giao thông điều khiển đèn tín hiệu ba pha, thay vì hai pha như hiện nay.

Biện pháp tiếp theo là quản lý, tổ chức giao thông. Các trường đại học tại VN có đội ngũ các nhà khoa học chủ yếu làm cầu, làm đường, làm bến cảng, sân bay… chứ chưa có nhiều nhà khoa học chuyên về tổ chức giao thông. Chúng ta phải coi tổ chức giao thông như một ngành khoa học. Hiện tại công việc này người ta hay nghĩ được phó thác cho ngành công an. Các địa phương hiện nay có sở giao thông công chính nhưng công tác tổ chức giao thông chưa thật sự được coi trọng.

* Đã có những đề xuất cấm và hạn chế xe máy lưu thông trong thành phố. Giáo sư có cho rằng đây là giải pháp hữu hiệu để chống ùn tắc hay không?

– Không nên cấm xe máy. Đó là điều phải khẳng định. Chúng tôi đã có những nghiên cứu riêng với loại hình phương tiện này ở một số nước trong khu vực và thấy xe máy là phương tiện đi lại rất kinh tế, hiệu quả. Với mức sống của người dân VN hiện nay, việc sắm xe máy làm phương tiện đi lại là điều có khả năng nhất so với mua ôtô. Vả lại, với điều kiện khí hậu nóng, xe máy là phương tiện giao thông có độ cơ động cao. Chúng tôi đã đi nhiều nước trong khu vực và thấy họ vẫn cho phát triển xe máy chứ không cấm. Vấn đề là phải xác định rõ ảnh hưởng của loại hình phương tiện này tới khai thác giao thông vận tải, tới tác động môi trường, tới nền kinh tế, xã hội để từ đó hoạch định những giải pháp thích hợp khai thác khả năng tốt nhất của xe máy, giảm thiểu những tác động xấu mà loại phương tiện này gây ra.

Một ưu điểm nữa của xe máy, theo tôi, là nó chiếm diện tích trên đường khá nhỏ, địa điểm đỗ cũng không cần nhiều. Tuy nhiên, từ trước đến nay chúng ta chỉ thiết kế đường trong đô thị cho xe ôtô chứ không có làn đường dành cho xe máy. Vì thế, người đi xe máy dễ dàng chiếm làn đường của ôtô và xe đạp. Trên đường không có dải phân cách cứng nên người đi xe máy thường tự do quay đầu xe chữ U ở bất kỳ chỗ nào họ muốn. Tôi cho rằng phải thiết kế đường cho xe máy vì xe máy sẽ là nhân tố chủ yếu mà con đường phải phục vụ. Xã hội phải chấp nhận xe máy như một phương tiện giao thông chứ không thể đổ lỗi cho việc tắc đường là do xe máy. Đừng nghĩ đến chuyện cấm xe máy mà phải ứng xử với nó như một phương tiện giao thông hữu ích vì nó phù hợp với thói quen đi lại ở những khu vực có điều kiện khí hậu nóng như VN. Gần đây có ý kiến cho rằng khi lượng ôtô trên đường chiếm tỉ lệ chung dưới 15% thì phải lấy xe máy để tính toán tổ chức giao thông chứ không được lấy ôtô để tính toán. Dù nước mình có mạng lưới xe buýt, tàu điện ngầm, đường sắt trên cao tốt đến mấy thì xe máy vẫn là một phương tiện tốt.

* Theo giáo sư, thách thức trong việc phát triển giao thông đô thị tại VN là gì?

– Thách thức đầu tiên là tiền vốn. Nói nghe có vẻ nhàm nhưng thực tế tiền vốn rất cần thiết để tổ chức lại giao thông đô thị. Cũng vì không có vốn nên việc qui hoạch mạng lưới giao thông đô thị của chúng ta trước đây gặp nhiều bất cập. Tiền vốn rất quan trọng vì mỗi dự án đều phải giải phóng mặt bằng, đền bù rất nhiều tiền. Thách thức nữa là làm sao tuyên truyền được tới người dân những hiểu biết về an toàn giao thông và thực thi các biện pháp cưỡng chế nhằm hạn chế sự vi phạm luật lệ giao thông. Công việc này trước đây chúng ta mới làm theo chiến dịch, phong trào chứ chưa thành việc hằng ngày.

* Với những đô thị đang trong quá trình phát triển, giáo sư có khuyến cáo gì với việc xây dựng giao thông đô thị?

– Các đô thị phát triển về sau hẳn phải học được những bài học mà những đô thị đi trước gặp phải. Vì thế, khi mới phát triển phải qui hoạch xem đô thị đó phát triển như thế nào, qui mô dân số ra sao, khu công nghiệp ở đâu… để xác định nhu cầu đi lại rồi tiến hành xây dựng theo định hướng đó. Có thể xây dựng theo từng giai đoạn, phù hợp với nhu cầu trước mắt, sau đó sẽ xây dựng tiếp.

* Xin cảm ơn giáo sư.

Luật Nguyên ( sưu tầm)