Ngân hàng tăng tốc mở rộng mạng lưới

998

Chỉ trong vòng một tuần từ ngày 3 đến 9/8, Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank) đã khai trương 8 điểm hoạt động. Trong đó, 3 điểm tại TP HCM, 4 ở Hà Nội và một ngoài Đà Nẵng.

Tổng số điểm giao dịch của Vietbank hiện được nâng lên 63 điểm trên cả nước.

Chỉ vài ngày sau, nhà băng lại được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho mở 2 chi nhánh nữa ở Nghệ An và Long An.

Trong tháng 7 và 8, Ngân hàng Việt Á cũng có ba điểm giao dịch mới ở Quảng Ngãi, Bình Định và An Giang.

Những nhà băng lớn như HDBank, Maritime Bank, DongA Bank, Techcombank, ACB… cũng đua khai trương chi nhánh và phòng giao dịch. Ngày 20/8, Ngân hàng ACB đã đưa vào hoạt động một phòng giao dịch mới. Đây là đơn vị thứ 260 trong hệ thống chi nhánh và phòng giao dịch của ACB trên toàn quốc.

Còn đại diện Ngân hàng Techcombank cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục mở nhiều phòng giao dịch tại TP HCM và Vũng Tàu như Phú Trung, Bình Trị Đông, Bắc Hải, Vũng Tàu… Dự kiến đến cuối năm, nhà băng này sẽ có 300 chi nhánh, phòng giao dịch tại hơn 40 tỉnh thành.

“Tốc độ mở rộng nhanh mạng lưới giao dịch nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu đang tăng cao của dân cư và các doanh nghiệp trong cả nước”, đại diện Techcombank nói.

Trong khi đại diện của Ngân hàng VietBank cho biết, việc mở rộng mạng lưới nhanh như hiện nay nằm trong kế hoạch sử dụng hiệu quả nguồn vốn điều lệ mới. Đồng thời, đây còn là chiến lược phát triển kênh phân phối bán lẻ của nhà băng.

Nhà băng ồ ạt mở rộng mạng lưới. Ảnh: Hoàng Hà

PGS – Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP HCM nhận định, nền kinh tế có nhiều khởi sắc, cùng với kế hoạch phát triển kinh doanh, mở rộng thị phần khiến hàng loạt ngân hàng mở rộng chi nhánh, phòng giao dịch trong những tháng cuối năm là điều dễ hiểu.

Các nhà băng làm việc này nhằm đạt được nhiều mục đích như tạo thêm sức mạnh để củng cố thị phần, củng cố thương hiệu, mở rộng dịch vụ và tăng thêm năng lực tài chính. “So với mật độ dân cư của Việt Nam hiện nay thì mạng lưới ngân hàng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Việc mở rộng mạng lưới sẽ giúp nhà băng phát triển các dịch vụ, sản phẩm phục vụ tốt hơn”, ông Ngân nói.

Năm ngoái, trong ngày chính thức gia nhập vào hệ thống tài chính của Việt Nam, Tổng giám đốc Ngân hàng Hong Leong lúc đó là ông Lê Đình Long từng chia sẻ: “Để thành công tại thị trường Việt Nam, nhà băng phải có mạng lưới rộng khắp nhằm tiếp cận thị phần bán lẻ”. Hiện nay, các ngân hàng trong nước có lợi thế về mạng lưới, khả năng tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn, song cũng không nên mãi trông vào lợi thế này.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ thừa nhận, nền tảng quản trị và công nghệ không phát triển kịp với việc bùng nổ mạng lưới khiến nhà băng phải đối mặt với các rủi ro liên quan đến chất lượng tín dụng và quản trị tác nghiệp. Theo ông, đối với các ngân hàng nhỏ hay mới thành lập, rủi ro lớn nhất khi mở rộng mạng lưới là năng lực của đội ngũ nhân sự, tiếp theo là khả năng quản lý hệ thống thông qua hệ thống quy trình quy chế.

Một chuyên gia nhiều năm trong lĩnh vực tài chính tại TP HCM cũng bày tỏ lo ngại, việc mở rộng mạng lưới quá nhanh của các ngân hàng dễ dẫn đến tình trạng một số khu vực mật độ các nhà băng quá dày, áp lực lợi nhuận nên cạnh tranh không lành mạnh trong việc thu hút khách hàng, chiếm lĩnh thị phần bằng cách nâng cao lãi suất. Nếu điều này xảy ra sẽ gây khó khăn cho tiến trình giảm lãi suất theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Vốn điều lệ tiếp tục phải nâng lên, đạt mức 3.000 tỷ đồng vào cuối năm nay để đáp ứng theo lộ trình đưa ra của Ngân hàng Nhà nước tại Nghị định 141 cũng là một áp lực không nhỏ đến quyết định mở rộng mạng lưới của các nhà băng. “Từ đây đến cuối năm, thị trường tài chính sẽ còn đón nhận hàng loạt các phòng giao dịch và chi nhanh mới được đưa vào hoạt động”, Tổng giám đốc một ngân hàng lớn nói.