Trên công trường kiên cố hóa khẩn cấp đường sắt Bình Định – Khánh Hòa – Giao thông việt nam

754

Tổng giám đốc Tổng công ty ÐSVN Nguyễn Hữu Bằng đi thăm và tặng quà cho anh em công nhân trên công trường

Bằng Văn bản số 39/TTg-CN ngày 6/1/2010, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn cấp kiên cố hóa ĐS Bình Định – Khánh Hòa.

Theo chân những kỹ sư Ban QLDA ĐSKV2 (Ban 2), tôi men theo con đường ghồ ghề đá, bòm bõm dưới cơn mưa phùn. Những người lính áo xanh ĐS vẫn khuân những rọ đá, gia cố mái taluy, xử lý nền đường ray…

Công trường bộn bề tấp nập như thể không gì có thể cản trở. Công trình được đầu tư xây dựng hơn 200 km đoạn từ Km 1096+200 đến Km 1285+000 đi qua 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa với quy mô gia cố nền đường bị sạt lở, nền đường yếu; xây mới hoặc mở rộng khẩu độ cầu, cống để thoát nước trong mùa mưa bão tránh trôi nền đường; gia cố mái ta luy các cửa hầm và tứ nón của các cầu bị sạt lở; phá đá mồ côi, đá tảng, phun vữa bê tông gia cố mái ta luy và thi công chống sạt lở một số hầm trên đèo Cả.

Giữa đường cong của núi đèo, mưa ràn rạt, lớp lớp công nhân nhẫn nại, đội ngũ tư vấn giám sát, kỹ thuật, lãnh đạo của Ban 2, của nhà thầu không nề hà quản khó vẫn miệt mài làm việc.

Toàn bộ công trình được chia thành 33 hạng mục với 17 nhà thầu xây lắp. Sáng lên những gương mặt nhà thầu có “tên tuổi” trong ngành ĐS như Công ty CP Công trình ĐS, Công ty CP Vĩnh Nguyên, Công ty CP Công trình 6, Công ty QLĐS Nghĩa Bình… cùng với sự chỉ đạo điều hành nhiều kinh nghiệm của đại diện chủ đầu tư.

Đến nay, công trình đã đạt 77% khối lượng so với phần Tổng công ty ĐSVN tạm chấp thuận, trong đó có 12 hạng mục đã cơ bản hoàn thành, 4 hạng mục hoàn thành từ 80- 90%; tổng kinh phí cấp phát đến thời điểm này là 186,573/235 tỷ đồng, bằng 80% kế hoạch vốn là điều kiện tiên quyết sớm đưa công trình “đón đầu” mùa mưa bão.

Hiện điểm “mắc xương” nhất là cải tạo 1 điểm đường cong, phải thay lớp đất yếu của nền đường với chiều dài 586m. Phần việc chính gia cố đường bằng đá hộc lát khan miết mạch mái ta luy, xây chân khay, xây mái ta luy, xây kè, tường chắn đá, khoan neo phun vữa bê tông, gia cố cửa hầm… với chiều dài khoảng gần 20 km; xây dựng mới 6 cầu thép, 3 cầu bê tông; xây dựng mới 3 cống thoát nước.

Cụ thể, đã phun bê tông khô 24.073m2, đá hộc xây 18.187m3, đá hộc lát khan miết mạch 16.356m3, khối lượng cọc khoan nhồi 921md, xử lý nền đường đặc biệt (HM25) 1.100m, cải tạo tuyến mới (HM23) 586m, đào đất 70.956m3, đắp đất 11.676m3, phá đá 4.500m3 và gia cố mái ta luy bằng BTCT đổ tại chỗ 5.540m3, gia cố mái ta luy chống đá rơi bằng công nghệ khoan neo bọc lưới thép 48.000m2.

Người ta hay nói “Phong độ chỉ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi”. Nhưng trên công trình này thì câu nói cửa miệng ấy có lẽ đã không còn là chính xác bởi ở đây “phong độ” và “đẳng cấp” đã gắn chặt nhau như… keo dính.

Có thể khẳng định, công trình kiên cố hóa khẩn cấp đường sắt Bình Định- Khánh Hòa là một công trình trọng điểm nơi khi “soi” vào, có được nhờ dễ dàng nhận thấy các đặc điểm “chặt” về chất lượng, “cân” về tiến độ và “đảm” về an toàn.

Những kinh nghiệm ấy, những “dấu ấn” ấy đúc kết từ những công trình đặc thù thực hiện theo lệnh khẩn cấp mà ngành Đường sắt đã từng kinh qua.

Bài, ảnh: Dương Hằng Nga (theo giaothongvantai.com.vn)