Xe khách chở quá số người quy định gây tại nạn nghiêm trọng thì tài xế sẽ bị xử phạt như thế nào?

142

Trong vụ tai nạn giao thông giữa xe khách chở quá số người quy định và xe đầu kéo tại Quảng Nam thì trách nhiệm pháp lý đặt ra như thế nào? – Câu hỏi của anh Thanh (Quảng Ngãi)

Xe khách được phép chở tối đa bao nhiêu người?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm o khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) về vấn đề này như sau:

Xử phạt người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người và các loại xe tương tự xe ô tô chở hành khách, chở người vi phạm quy định về vận tải đường bộ

2. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 75.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người (trừ xe buýt) thực hiện hành vi vi phạm: Chở quá từ 02 người trở lên trên xe đến 9 chỗ, chở quá từ 03 người trở lên trên xe 10 chỗ đến xe 15 chỗ, chở quá từ 04 người trở lên trên xe 16 chỗ đến xe 30 chỗ, chở quá từ 05 người trở lên trên xe trên 30 chỗ, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.
Như vậy, theo quy định trên thì số lượng hành khách mà xe khách có thể chở cụ thể như sau:

– Đối với xe khách đến 9 chỗ được phép chở quá 01 người.

– Đối với xe 10 chỗ đến 15 chỗ được phép chở quá 02 người.

– Đối với xe 16 chỗ đến 30 chỗ được phép chở quá 03 người.

– Đối với xe trên 30 chỗ được phép chở quá 04 người.

Xe khách chở quá số người quy định gây tại nạn nghiêm trọng thì trách nhiệm pháp lý như thế nào?

Xe khách chở quá số người quy định gây tại nạn nghiêm trọng thì trách nhiệm pháp lý như thế nào? (Hình từ Internet)

Xe khách chở quá số người quy định gây tai nạn thì bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Về mặt pháp lý của vụ việc tai nạn giao thông nghiêm trọng tại Quảng Nam, trước hết người vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi chở quá số người quy định như sau:

Đối với người điều khiển xe:

Tuyến có cự ly nhỏ hơn 300km:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (bị sửa đổi bởi điểm o khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) và điểm a khoản 8 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau:

– Phạt từ 400.000 đồng – 600.000 đồng/mỗi người vượt quá nhưng tổng mức phạt tối đa 75 triệu đồng.

– Trường hợp vượt trên 50% đến 100% số người quy định được phép chở của phương tiện: bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng

Tuyến có cự ly lớn hơn 300km:

Theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (bị sửa đổi bởi điểm o khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) và điểm c khoản 8 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP

– Phạt tiền từ 1.000.000 – 2.000.000 đồng/mỗi người vượt quá nhưng tổng mức phạt tối đa 75 triệu đồng.

– Trường hợp vượt trên 100% số người quy định được phép chở của phương tiện: bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng.

Đối với chủ phương tiện giao thông:

Ngoài việc người điều khiển phương tiện giao thông bị xử phạt về lỗi chở quá số người quy định thì chủ phương tiện giao thông giao xe hoặc cho người làm công, người đại diện điều khiển ô tô, xe khách chở quá số người quy định thì cũng bị chịu xử phạt theo quy định.

Cụ thể theo quy định tại Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra thì pháp nhân (hay công ty chủ quản phương tiện giao thông) phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Đối với tuyến cự ly nhỏ hơn 300km:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm a khoản 17 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) như sau:

– Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 75.000.000 đồng đối với chủ phương tiện là cá nhân;

– Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 150.000.000 đồng đối với chủ phương tiện là tổ chức giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Đối với tuyến cự ly lớn hơn 300km:

Theo quy định tại khoản 6 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi điểm đ khoản 17 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP):

– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 75.000.000 đồng đối với chủ phương tiện giao thông là cá nhân;

– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 150.000.000 đồng đối với chủ phương tiện là tổ chức giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Như vậy, trường hợp lái xe chỉ là người làm thuê cho công ty hoặc tổ chức, cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ quan hệ giữa công ty với lái xe để giải quyết vấn đề bồi thường dân sự cho những người bị hại.

Trong trường hợp giữa công ty và lái xe là quan hệ lao động, phía công ty sẽ là đối tượng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho những người bị hại theo quy định tại Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015.

Xe khách chở quá số người quy định gây tai nạn thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Trong trường hợp cơ quan điều tra xác định vụ việc có đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự với người điều khiển xe về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017).

Tuy nhiên, đối với vụ việc được đề cập thì người điều khiển xe đã chết thì thuộc trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 157 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 như sau:

Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự
Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong các căn cứ sau:

7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác;
Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 158 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định như sau:

Quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự
1. Khi có một trong các căn cứ quy định tại Điều 157 của Bộ luật này thì người có quyền khởi tố vụ án ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự; nếu đã khởi tố thì phải ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự và thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố biết rõ lý do; nếu xét thấy cần xử lý bằng biện pháp khác thì chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự và các tài liệu có liên quan phải gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định.
Theo đó, trong trường hợp người điều khiển xe đã chết thì đây sẽ là một trong những căn cứ để người có thẩm quyền ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Quyết định không khởi tố vụ án hình sự phải được gửi đến Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền trong vòng 24 giờ kể từ khi ra quyết định.

Tuy nhiên, trong trường hợp Viện kiểm sát có căn cứ để hủy quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì có thể tiến hành ra quyết định khởi tố vụ án (khoản 3 Điều 153 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015).